Theo Guardian, con số trên được nêu trong nghiên cứu do đại học Oxford (Anh) tiến hành ở 37 quốc gia, vùng lãnh thổ có thu nhập trung bình và cao.
Các chuyên gia đã dùng khái niệm số năm sống bị mất (YLL) để ám chỉ chênh lệch giữa tuổi thực tế khi tử vong bởi Covid-19 với tuổi thọ ước tính trung bình của người dân ở những nơi này.
Năm 2005-2019, tuổi thọ trung bình của nam và nữ đều tăng. Tuy nhiên, vào năm 2020, số năm sống bị mất nhiều hơn so với dự kiến ở tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ được nghiên cứu, ngoại trừ Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand - hai khu vực vẫn ghi nhận mức tuổi thọ tăng và Iceland, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy – những nơi không ghi nhận sự thay đổi.
Với 31 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại, hơn 222 triệu năm tuổi thọ đã bị mất vào năm 2020, cao hơn 28,1 triệu so với dự kiến. Trong đó, nam giới bị mất 17,3 triệu năm sống và con số này ở nữ giới là 10,8 triệu năm.
Cũng theo nghiên cứu này, tuổi thọ trung bình bị suy giảm mạnh nhất là ở Nga với 2,33 năm ở nam giới; 2,14 năm ở nữ giới và ở Mỹ với lần lượt 2,27 năm và 1,61 năm. Tiếp theo là Bulgaria với 1,96 năm và 1,37 năm. Tuổi thọ ở Anh và xứ Wales giảm 1,2 năm ở đàn ông và 0,8 năm ở phụ nữ, trong khi Scotland là 1,24 năm ở nam và 0,54 ở nữ.
Số năm tuổi thọ bị mất tính trên mỗi 100.000 người dân của Nga là 7.020 năm ở nam và 4.760 năm ở nữ, Bulgaria lần lượt là 7.260 và 3.730, Lithuania 5.430 năm và 2.640. Anh và xứ Wales bị mất 2.140 năm ở nam và 1.210 năm ở nữ, Scotland là 2.540 và 925.
“Không có gì khiến tôi bị sốc nhiều như đại dịch”, Tiến sĩ Nazrul Islam, thuộc Khoa Nuffield về Y tế Dân số của Đại học Oxford, người đứng đầu cuộc nghiên cứu nói và cho biết thêm ông và nhóm của mình "bị sốc" trước phát hiện này.
Các nhà nghiên cứu cho biết, con số thực sự có thể còn cao hơn vì họ chưa tính đến phần lớn quốc gia từ châu Á, châu Phi và Mỹ Latin do thiếu dữ liệu. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí y khoa BMJ.
Minh Hoa (t/h theo VnExpess, Zing)