Thông tin từ Tổ chức kỷ lục thế giới Guinness cho biết với tuổi đời là 41 năm và 141 ngày, cụ chim cánh cụt Olde tại sở thú Odense ở Đan Mạch đã được xác nhận là chim cánh cụt già nhất thế giới.
Tên gọi Olde trong tiếng Đan Mạch có nghĩa là "bà cố". Cụ chim cánh cụt Olde đã sống thọ hơn nhiều so với 30 năm tuổi đời thông thường ở một số chim cánh cụt sống trong điều kiện nuôi nhốt thông thường từ 15 – 20 năm.
Trong môi trường hoang dã, chim cánh cụt hoàng đế thường sống từ 15-20 năm. "Cụ cố" chim cánh cụt Olde chào đời tại sở thú Edinburgh ở Scotland vào năm 1979 và sống tại sở thú Odense (Đan Mạch) từ năm 2003 đến nay.
Trước đó, một cụ chim khác từng gây chú ý khi chết ở tuổi 40 tại sở thú Pueblo ở bang Colorado (Mỹ).
Một con chim cánh cụt đực châu Phi được cho là đã sống đến 42 tuổi, nhưng tuổi thọ của nó không được tổ chức Guinness xác nhận.
Lại tò mò thêm về chim cánh cụt, chim cánh cụt hoàng đế được mệnh danh là những tay thợ lặn cừ khôi.
Những con chim cánh cụt bị theo dõi đã hoàn thành những lần lặn dưới nước kéo dài tới 32,2 phút, vượt qua kỉ lục trước đây là 27,6 phút. Trung bình, chim cánh cụt hoàng đế lặn khoảng 3-6 phút/ lần lặn.
Trung bình, chim cánh cụt lặn sâu khoảng 90,2m, nhưng đôi khi có thể sâu tới 450m.
Nhà sinh thái biển Kim Goetz cho biết: "Nếu chúng là chim sinh sản, đường đi của chúng sẽ ngắn hơn nhiều và chúng sẽ trở lại khu sinh sản trước đầu tháng 6 nhưng chúng không như vậy. Chúng tiếp tục đi tìm kiếm vì không có lí do gì để trở lại".
Goetz cho biết những phát hiện giúp các nhà nghiên cứu hiểu được cách chim cánh cụt hoàng đế sống sót trong những điều kiện môi trường khắc nghiệt nhất, xảy ra sau khi chúng rời khỏi lãnh địa sinh sản vào khoảng giữa tháng 12 đến giữa tháng 2.
"Thế nên việc hiểu được toàn bộ chu kì cuộc sống của chúng, đặc biệt là khi loài chim này không bị hạn chế bởi nghĩa vụ nuôi con, rất quan trọng trong việc dự đoán cách chim cánh cụt hoàng đế phản ứng với những thay đổi về môi trường", chuyên gia bổ sung thêm.
Nguyên Anh (Nguồn Guinness World Records)