Vụ việc trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) ra quyết định buộc thôi học 1 năm đối với nữ sinh lớp 8 Nguyễn Thanh V. vì có hành vi xuyên tạc lịch sử, xúc phạm thầy cô trên mạng xã hội đang gây xôn xao dư luận.
Trước đó không lâu, V. đã đăng bài viết "Tuyên ngôn học sinh" trên trang Facebook cá nhân với những lời lẽ cay cú, vô văn hóa. Không chỉ dừng lại ở việc chửi bới, thóa mạ các thầy cô trong trường, nữ sinh này còn kêu gọi học sinh cùng chống lại các thầy cô.
Theo thầy Nguyễn Tấn Sĩ, Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng, hành vi của em V. đã xuyên tạc với lời lẽ thiếu văn hóa, thóa mạ nhà trường, thầy cô rất nghiêm trọng. Sau khi đăng tải trên mạng, nhiều học sinh khác cũng "hưởng ứng" với nhận thức sai lệch. Đặc biệt, lời kêu gọi, xuyên tạc của V. diễn ra nhằm vào kỳ kiểm tra học kỳ 1 của trường.
"Biện pháp kỷ luật trường đưa ra là buộc V. thôi học một năm, giao cho gia đình giáo dục. Nhiệm vụ của nhà trường luôn yêu thương và giáo dục học sinh, chẳng ai muốn "ác" với học trò mình, nhất là các em còn nhỏ. Để đi đến quyết định kỷ luật như trên, nhà trường đã họp đến ba lần. Lấy ý kiến bằng phiếu kín của hội đồng, đã có 8/9 phiếu đồng thuận với hình thức kỷ luật đó", thầy Sĩ nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Chính, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết, Sở đang hối thúc thanh tra vào cuộc và chỉ đạo Phòng GD TP. Tam Kỳ báo cáo ngay sự việc. "Đây là một hình thức vi phạm mới của học sinh. Sự việc cũng là lời cảnh báo tới các nhà trường cũng như gia đình về vấn đề quản lý học sinh tiếp cận với Internet", ông Chính nói.
Nhiều người cho rằng, sự việc nữ sinh V. lên Facebook chửi thầy cô giáo chỉ là bề nổi của tảng băng chìm đang tồn tại trong môi trường giáo dục hiện nay. Không hiếm những học sinh đang tồn tại suy nghĩ rằng thầy cô đang cố tình hành hạ, làm khổ, thậm chí hạ nhục mỗi khi mình mắc lỗi?. Do đó, học trò ra sức nhục mạ, nói xấu, buông những lời thô thiển, vô văn hóa đến ngoài sức tưởng tượng đối với thầy cô. Thậm chí, không ít học sinh kéo nhau lên "thế giới ảo" cùng lập hội cổ súy, tẩy chay thầy cô.
Học sinh V. lên mạng chửi thầy cô là một cú "sốc" với ngành giáo dục.
Cộng đồng mạng còn lập cả "Hội những người ghét cô giáo chủ nhiệm", "Hội những người căm thù và ghét bỏ cô giáo", "Hội những người ghét bị giáo viên gọi lên bảng", "Hội học sinh, sinh viên ghét cay ghét đắng bọn giáo viên lúc nào cũng coi mình là đúng"... để kết tội thầy cô của mình. Đó chỉ là một trong vô số những đoạn mà các học sinh "kể tội" giáo viên của mình. Không ít học sinh vốn nổi tiếng ngoan hiền nhưng khi mắc lỗi đã lên mạng ném những lời lẽ vô cùng ác khẩu vào thầy cô. Thậm chí, có học sinh còn gọi cô giáo chủ nhiệm của mình là "quái vật"...
Hiện tượng học trò đua nhau lên mạng thóa mạ, chửi bới thầy cô giáo đã gây một cú "sốc" thực sự với những người công tác trong ngành giáo dục. Một giáo viên đang giảng dạy tại Hà Nội cho biết, ông đã gần như bị nghẹt thở sau khi lên mạng xem nội dung bài viết của cô nữ sinh tại Quảng Nam.
Còn hàng trăm, hàng nghìn những trường hợp khác đang diễn ra nhan nhản hàng ngày trên "thế giới ảo". Người thầy này đã không thể tưởng tượng nổi khi các em gọi những thầy cô làm bổn phận "đưa đò" bằng những danh từ không thể khó nghe hơn như "con bại não", "con điên", "con quái vật".
Một thầy giáo cả đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tâm sự: "Mặc dù trên thực tế, không thể phủ nhận có một vài hiện tượng giáo viên chưa làm tròn bổn phận nhưng đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Nghề giáo là nghề vô cùng cao quý, cả xã hội đều công nhận như vậy. Đa phần sự nghiêm khắc, dạy bảo của thầy cô cũng chỉ vì muốn học sinh của mình nên người. Việc lên Facebook viết tuyên ngôn chửi mắng thầy cô là không thể chấp nhận được, trái với đạo đức thầy trò, lễ nghi trong xã hội. Việc buộc thôi học 1 năm đối với học sinh Nguyễn Thanh V. tại Quảng Nam là còn quá nhẹ".
PGS. TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), chia sẻ: "Những phát ngôn của em học sinh V. không tục tĩu nhưng thể hiện thái độ quá hỗn láo với thầy cô. Việc nhà trường xử lý đình chỉ học tập 1 năm đối với em V. tôi hoàn toàn đồng tình".
PGS Văn Như Cương cũng dẫn chứng, bản thân tại trường THPT Lương Thế Vinh, đã từng đình chỉ 1 năm đối với hai học sinh có hành vi tương tự học sinh V. tại Quảng Nam. "Hai học sinh này trước đó đã có những phát ngôn không hay trên Facebook gây nên sự phản đối kịch liệt của các bạn trong lớp, trong trường. Chúng tôi phải làm nghiêm để răn đe các em", thầy Cương nói.
TS Khuất Thu Hồng, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội nêu quan điểm: "Chúng ta không nên đổ lỗi hoàn toàn cho các em. Xã hội ngày càng phát triển, ai cũng có quyền thể hiện quan điểm, vì thế học sinh cũng có quyền nhận xét thầy cô. Nhưng cơ chế trong nhà trường lại không có "kênh" phản hồi nào giúp học sinh phản ánh, đánh giá. Vì thế, dĩ nhiên các em sẽ phải tìm đến mạng xã hội. Việc học sinh lên mạng dùng ngôn từ thiếu tôn trọng để nói về giáo viên mang ý nghĩa tiêu cực, nếu không được kiểm soát thì kéo theo là những xu hướng không lành mạnh, rất khó ngăn chặn".
Theo quan điểm của TS Hồng, sự việc này là hồi chuông báo động, là cơ hội để hệ thống giáo dục suy nghĩ, tìm ra cách thức cải tổ hoạt động hiệu quả hơn. "Theo cá nhân tôi, nhất thiết nên có "kênh" phản hồi chính thức hóa để các em bày tỏ quan điểm, đồng thời giúp thầy cô điều chỉnh hành vi, tư cách để củng cố tốt hơn hình ảnh người thầy và tạo sự tin tưởng, kính trọng cho học sinh", TS Hồng nói.
Anh Văn - Minh Hương