Ngủ gật khi xem TV có thể gây hại sức khỏe nghiêm trọng
Theo các nhà nghiên cứu tại Trường Y Đại học Northwestern ở Chicago (Mỹ) cảnh báo rằng trên thực tế, nếu tình trạng ngủ gật khi xem tivi thường xuyên xảy ra, nó có thể dẫn đến nhiều rủi ro về sức khỏe, trong đó có tử vong sớm, Đài Sputnik thông tin.
Cụ thể, nghiên cứu mới về giấc ngủ mang tên “Ánh sáng vào ban đêm ở người lớn tuổi” đã đánh trạng tình trạng sức khỏe và thói quen ngủ của 552 người trong độ tuổi từ 63 đến 84. Trọng tâm của nghiên cứu là xác định tác động của ánh sáng xung quanh, hay còn được gọi là ánh sáng chung - cấp ánh sáng tổng thể cho một căn phòng – đối với những người đang ngủ.
Đặc biệt nghiên cứu chỉ ra rằng những người đi ngủ khi có một luồng ánh sáng dù là nhỏ nhất cũng dễ mắc bệnh tiểu đường, béo phì và tăng huyết áp.
"Mọi người nên cố gắng hết sức để tránh hoặc giảm thiểu lượng ánh sáng mà họ tiếp xúc trong khi ngủ", nhà nghiên cứu Phyllis Zee, cảnh báo. Ông Phyllis Zee giải thích, nguyên nhân ánh sáng xung quanh có thể gây hại đến sức khỏe là do vấn đề kháng insulin.
Kháng insulin là hiện tượng các tế bào của một người, trong cơ, mỡ hoặc gan, không phản ứng hiệu quả với chất insulin và không thể sử dụng đúng cách glucose trong máu để tạo năng lượng. Sự thiếu hụt trên buộc tuyến tụy tạo ra nhiều insulin hơn. Và do đó, theo thời gian, nó gây ra phản ứng khiến lượng đường trong máu tăng lên.
Theo tạp chí lâm sàng American Family Physician, tình trạng đặc biệt này thường liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp 2, tăng huyết áp và bệnh tim mạch.
Tình trạng kháng insulin có nhiều khả năng xảy ra vào buổi sáng, sau khi một người ngủ trong phòng có ánh sáng xung quanh hoặc loại ánh sáng phát ra từ tivi.
“Chúng tôi đang chỉ ra một cơ chế cơ bản để giải thích tại sao điều này xảy ra. Chúng tôi cho thấy nó đang ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh lượng glucose của bạn”, các chuyên gia nhấn mạnh.
Dữ liệu được trích dẫn cho thấy 17,8% người tham gia nghiên cứu đi ngủ đêm với nguồn ánh sáng xung quanh bị bệnh tiểu đường. Trong khi đó, 9,8% người tham gia có thói quen ngủ trong bóng tối hoàn toàn lại không mắc bệnh tiểu đường.
Một khía cạnh khác trong nghiên cứu là béo phì: Khoảng 40,7% người tham gia không giảm nguồn ánh sáng xung quanh khi ngủ bị béo phì. Đối với những người ngủ trong bóng tối, chỉ có khoảng 26,7% bị béo phì.
Có một số yếu tố quan trọng khác cho thấy cách sức khỏe có thể bị suy giảm khi ngủ trong môi trường có ánh sáng. Ví dụ, những người như vậy thường khó ngủ và sẽ rất ngủ muộn. Theo nhà nghiên cứu Zee, những người ngủ muộn cũng có xu hướng có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và rối loạn chuyển hóa cao hơn.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cảnh báo tivi không phải thiết bị duy nhất gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, vì điện thoại thông minh cũng gây mất tập trung vào ban đêm. Một cuộc thăm dò của Common Sense Media năm 2019 cho thấy, khoảng 36% thanh thiếu niên và 26% người trưởng thành liên tục thức dậy giữa đêm để kiểm tra thiết bị di động của họ.
Theo các chuyên gia về giấc ngủ, mọi người nên dừng sử dụng điện thoại ít nhất ba giờ trước khi đi ngủ, để tránh ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử phát ra “đánh lừa” bộ não rằng đó vẫn là ban ngày.
Các chuyên gia không ủng hộ ngủ gật trong lúc TV vẫn bật
Nhiều chuyên gia về giấc ngủ và sức khỏe tâm thần không ủng hộ ngủ trong lúc TV vẫn bật. Tiến sĩ Rebecca Cowan, nhà tham vấn chuyên nghiệp tại Mỹ, nhấn mạnh rằng vệ sinh giấc ngủ rất quan trọng vì nó tương quan với sức khỏe tâm thần của chúng ta. Ngủ trong lúc TV vẫn bật có thể phá vỡ sự sản xuất melatonin - hoóc môn giúp ta ngủ ngon. Bà Rebecca Cowan khẳng định với Lifehacker: “Tôi không tin có bất kỳ tình huống nào mà việc để TV khi ngủ là ổn cả”.
Liên quan đến vấn đề này, Terry Cralle, một y tá, chuyên gia về giấc ngủ tại Mỹ, giải thích rằng việc xem TV trước khi ngủ có thể làm tăng thiếu ngủ. Ví dụ, ta mải mê xem quá, vậy là, thay vì ngủ thì cứ thức xem hoài xem mãi. Bà Terry Cralle lưu ý rằng não vẫn xử lý âm thanh khi ta ngủ, nên việc mở TV suốt đêm có thể phá vỡ giấc ngủ, theo Lifehacker.
Bên cạnh đố, Mark Burhenne, tác giả của Nghịch lý giấc ngủ 8 giờ, nói rằng trong giai đoạn ngủ trước khi ngủ sâu, bộ não nhận thức được giọng nói và có thể phản ứng với chúng. Ông Mark Burhenne nói: “Trong những giấc mơ xảy ra trong giấc ngủ sâu, âm thanh thậm chí có thể ảnh hưởng đến những gì bạn mơ”. Burhenne cũng đề cập đến ánh sáng xanh phát ra từ TV như một nhược điểm khác, vì đó là tín hiệu cho não bộ tỉnh táo, ngăn ta chìm vào giấc ngủ sâu, theo Lifehacker.
Để bạn dễ dàng vào giấc ngủ hơn, chuyên gia Terry Cralle khuyên nên hẹn giờ tắt TV khoảng 30 phút, tối đa là 1 giờ sau giờ ngủ. “Hãy xem cái gì đó nhàm chán: Không có chính trị, tiếng súng/bạo lực, hay kiểu kích thích”, bà Terry Cralle nói.
Trúc Chi (t/h theo Tin Tức, Thanh Niên)