Trước tình trạng giá thịt lợn bất ngờ tăng mạnh, nhiều người dân cho rằng do Trung Quốc đang thu mua thịt lợn một cách ồ ạt khiến mặt hàng thịt lợn trong nước trở nên khan hiếm và việc giá lợn tăng cao đột biến cũng đã khiến cho không ít hộ chăn nuôi đua nhau tái đàn, mở trại, PV báo Người Đưa Tin đã tìm về xã Cát Quế, Hoài Đức, một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi tốt để tìm hiểu.
Ông Trần Văn Long, Phó Chủ tịch xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội nói: “Tình trạng mở rộng chăn nuôi cũng như tăng đàn ở địa phương là có nhưng chỉ là số rất nhỏ. Sau năm 2017 giá thịt lợn mất giá khiến người dân điêu đứng, chúng tôi đã tiến hành hỗ trợ cho vay vốn cũng như tích cực tuyên truyền người dân hạn chế tái đàn hay mở rộng quy mô một cách ồ ạt”.
“Chỉ có những hộ chăn nuôi làm nghề lâu đời họ mới cho tái đàn nhưng cũng rất cầm chừng.” ông Trần Văn Long thông tin thêm.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về việc giá thịt lợn tăng mạnh và nhiều hộ chăn nuôi đua nhau tái đàn, mở trang trại, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng cục Chăn nuôi cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến việc giá thịt lợn tăng mạnh trong thời gian qua là do cung-cầu chứ không phải Trung Quốc thu mua thịt lợn.”
Theo như quyền Cục trưởng cục Chăn nuôi, Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian gần đây không có xuất khẩu hay nhập khẩu thịt lợn sang nhau nữa mà chúng ta chủ yếu xuất khẩu sang Myanmar.
Nguyên nhân là do người chăn nuôi sợ thua lỗ nên không mạnh dạn đầu tư tái đàn, dẫn đến quy mô tổng đàn giảm. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường tăng cao, nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu.
“Hiện khu vực chăn nuôi nông hộ giảm, chăn nuôi trang trại và doanh nghiệp tăng lên. Những lò giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được lợn từ trang trại, doanh nghiệp nên họ phải mua lại lợn từ thương lái hoặc khu vực nông hộ với giá cao. Ngoài ra, 1-2 tháng gần đây thường xảy ra lũ lụt nên việc vận chuyển lợn cũng bị hạn chế. Đây là những lý do khiến giá lợn hơi tăng vọt”, ông này cho biết.
Bên cạnh đó, một số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại miền Bắc có giá thịt lợn 55.000 đồng-56.000 đồng/kg bởi họ thường mua lợn ở các hộ gia đình mà các hộ gia đình cũng ít chăn nuôi lợn nên họ thường nâng giá lên cao khiến cho giá lợn bán ra thị trường cao.
Ông Nguyễn Xuân Dương cũng cho biết thêm, việc giá thịt lợn tăng vọt nguyên nhân do một số doanh nghiệp cùng một số hộ gia đình đang đầu cơ, găm hàng đợi tăng giá rồi mới bán.
Trả lời thắc mắc của PV về việc cục Chăn nuôi có hình thức xử phạt gì đối với các doanh nghiệp nếu họ găm hàng, ông Nguyễn Xuân Dương cho hay: “Thịt lợn không phải là mặt hàng bình ổn giá cũng không phải là mặt hàng kiểm soát giá, nên Cục không thể nào xử phạt hành chính các doanh nghiệp được”.
Nhưng nếu phát hiện các doanh nghiệp có biểu hiện đầu cơ, găm hàng, làm giá thì bộ Công Thương sẽ xử phạt.
Cục Chăn nuôi vừa qua có gặp 12 doanh nghiệp kinh doanh lớn về chăn nuôi lợn và đã thống nhất với nhau là hạ giá lợn ở Việt Nam xuống chỉ duy trì mức giá ổn định là từ 45.000đ/kg đến 50.000đ/kg.
Bên cạnh đó, cục Chăn nuôi hiện đang có kiến nghị sẽ đưa mặt hàng thịt lợn vào dự trữ quốc gia. Nếu tương lai, giá thịt lợn tăng mạnh sẽ đưa số thịt lợn đó ra là ổn định được ngay.
Trước những lo ngại về giá thịt lợn có thể tăng nữa trong dịp tết sắp tới, quyền Cục trưởng cục Chăn nuôi khẳng định, từ giờ đến cuối năm nếu các doanh nghiệp và hộ kinh doanh làm tốt các quy định về chăn nuôi thì giá thịt sẽ không tăng mà giữ nguyên ở mức hiện tại.
“Để ổn định, cần phải tuyên truyền các tỉnh nắm vững nguồn cung, chỉ đạo các doanh nghiệp chăn nuôi lợn không tăng giá, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này gắn kết với các lò mổ nhỏ lẻ. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến công tác sử dụng vắc-xin để phòng chống dịch bệnh, chỉ đạo tái đàn sao cho không bị ồ ạt, lựa chọn giống tốt. Đặc biệt các tỉnh phải tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết, giết mổ tập trung, khuyến khích người tiêu dùng trong thời điểm này cũng nên sử dụng các loại thực phẩm khác như: Thịt gà, thịt bò...", ông Nguyễn Xuân Dương nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Dương cũng khuyến cáo người dân nên suy nghĩ thật kỹ và không nên găm hàng chờ giá cả tăng cũng như tái đàn với một số lượng lớn. Bởi điều này có thể dẫn tới nguồn cung quá lớn so với nhu cầu tiêu thụ trong chu kỳ xuất bán sắp tới, khiến các hộ chăn nuôi đối diện với nguy cơ khủng hoảng thừa.
Ngoài ra, ông Dương cho biết, dịch tả heo châu Phi là bệnh hết sức nguy hiểm và vẫn đang có những diễn biến vô cùng phức tạp. Thêm vào đó, khả năng lây lan bệnh (nếu như bệnh dịch bùng phát) có khả năng lây lan khá chậm nên được nước ta tổ chức giám sát và phòng chống một cách chặt chẽ.
Nhằm ứng phó với dịch tả lợn châu Phi bất cứ khi nào cũng có thể xâm nhập vào Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng cục Chăn nuôi khuyến cáo, trong thời điểm này người dân cần phải có những tính toán thật kỹ trước khi tăng đàn bởi nếu tăng đàn một cách ồ ạt sẽ dẫn đến việc phá vỡ cân bằng cung-cầu, ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường, xảy ra cung vượt cầu khiến lợn hơi rớt giá, giá cả bấp bênh.
“Nếu để dịch bệnh tả heo châu Phi vào nước ta, hậu quả của nó khó mà lường trước được. Thế nên những hộ chăn nuôi có ý định tái đàn hay đang chăn nuôi quy mô lớn cần chủ động phòng chống, ngăn ngừa bệnh dịch từ xa và cần hết sức thận trọng trong việc tái đàn”, ông Dương khẳng định.