Cung cấp ảnh cho nhà mạng như thế nào để không bị khóa số thuê bao?

Cung cấp ảnh cho nhà mạng như thế nào để không bị khóa số thuê bao?

Đỗ Thị Huệ

Đỗ Thị Huệ

Thứ 3, 20/06/2017 14:19

Theo đại diện cục Viễn thông, tùy theo nhà mạng mà người dân có thể gửi ảnh qua mạng hoặc đến trực tiếp quầy giao dịch để chụp ảnh chính chủ thuê bao. Việc này sẽ thuận lợi hơn là lấy dấu vân tay.

Về việc thuê bao di động sẽ bị cắt nếu không có ảnh chính chủ đang gây xôn xao dư luận, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng cục Viễn thông, bộ Thông tin và Truyền thông với những nội dung có liên quan.

PV: Thưa bà, hiện nay người dân đang rất quan tâm đến quy định về việc phải cung cấp ảnh cá nhân khi đăng ký thuê bao. Vậy người dân sẽ phải trực tiếp đến chụp ảnh tại điểm giao dịch hay có thể gửi ảnh qua bưu điện, qua email?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Vấn đề này tùy theo sự cân nhắc của từng nhà mạng. Nếu nhà mạng thấy chắc chắn với thông tin của thuê bao nào thì thuê bao đó có thể gửi ảnh chứ không cần phải đến trực tiếp. Tuy nhiên, những trường hợp này nhà mạng phải chịu trách nhiệm bởi không ai có thể chắc chắn được ảnh đó có chính xác là của chủ thuê bao hay không. Thực tế hiện nay, số lượng thuê bao ở nước ta là rất lớn.

Thường thì với những thuê bao trả sau, nhà mạng xác minh thông tin rõ ràng rồi, thấy yên tâm thì họ sẽ để người dùng tiếp tục sử dụng, còn nếu không thì sẽ phải đến chụp ảnh.

Với những trường hợp khác, người dân phải đến trực tiếp điểm giao dịch để chụp ảnh.

PV: Với số lượng thuê bao rất lớn hiện nay, nếu buộc phải đến điểm giao dịch để chụp ảnh, đăng ký thuê bao lại, liệu có gây quá tải cho nhà mạng và cho chính người sử dụng hay không, thưa bà?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Theo quy định thì trong vòng 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các thuê bao đang sử dụng dịch vụ của mình mà thông tin chưa tuân thủ theo đúng quy định thực hiện bổ sung đầy đủ. Sau 12 tháng, doanh nghiệp mới phải hoàn tất toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của mình tuân thủ đúng quy định.

Vì vậy, người dân cũng không nên vội hoang mang trước thông tin phải đi chụp/cung cấp ảnh dồn lại vào một thời điểm. Chắc chắn, nhà mạng sẽ cân nhắc và lên kế hoạch thông báo cụ thể cho các chủ thuê bao lần lượt theo từng ngày, từng tháng để không gây nên tình trạng quá tải.

Còn thời hạn cho người dân là 15 hay 30 ngày phải cung cấp ảnh nếu không sẽ bị khóa thuê bao là tính từ thời gian doanh nghiệp bắt đầu thông báo cho khách hàng. Thời hạn như vậy, người dân cũng sẽ có sự chủ động hơn trong vấn đề này.

Công nghệ - Cung cấp ảnh cho nhà mạng như thế nào để không bị khóa số thuê bao?

 Tại các quầy giao dịch, nhân viên sẽ sử dụng điện thoại thông minh hoặc camera được trang bị để chụp ảnh chân dung chính chủ thuê bao (ảnh minh họa)

PV: Tại sao cứ nhất thiết phải là chụp ảnh, thưa bà ?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Ở Việt Nam, tính đến đầu năm 2016 thì thông tin của hơn 80 triệu thuê bao di động trong tổng số gần 120 triệu thuê bao di động là sai. Từ sai tên tuổi, ngày tháng năm sinh hoặc số CMND sai, bản chụp CMND giả và đặc biệt nhiều CMND của người này được gán cho số điện thoại của người khác...

Việc chụp ảnh chính chủ thuê bao sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người, đúng thời gian thực hiện, tránh được tình trạng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các SIM thuê bao khác (mà cá nhân đó không biết).

Còn về vấn đề tại sao lại là chụp ảnh, Ban soạn thảo Nghị định cũng đã có cân nhắc. So với yêu cầu lấy vân tay của một số nước thì quy định này tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân rất nhiều. Bởi lẽ, việc đầu tư thiết bị và quy trình lấy, lưu trữ dấu vân tay phức tạp hơn nhiều so với việc chụp ảnh.

Từ góc độ doanh nghiệp và người dân thì việc này hoàn toàn khả thi vì việc chụp ảnh rất dễ dàng, đơn giản và nhanh gọn, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, iPad, webcam hoặc camera phù hợp...

PV: Việc phải cung cấp ảnh cá nhân cho nhà mạng khiến nhiều người lo ngại về mức độ bảo mật thông tin cá nhân có thể bị lộ ra, bà nghĩ sao về vấn đề này?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Theo Nghị định 49 này, trong luật An toàn thông tin mạng và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ cũng đã có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Doanh nghiệp viễn thông nếu tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng; nếu mua bán hoặc trao đổi thông tin cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng, và tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Vì vậy, chắc chắn nhà mạng sẽ không dễ dàng để lộ thông tin cá nhân khách hàng vì lúc này họ phải chịu trách nhiệm với pháp luật.

PV: Cuối cùng, theo bà, việc quy định phải cung cấp ảnh chủ thuê bao liệu có được sự đồng thuận của người dân?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Hiện nay, việc xuất trình CMND để làm thẻ và ảnh chụp để kiểm soát cũng đã và đang được xã hội dần dần chấp nhận. Ví dụ như câu lạc bộ Elite Fitness với hàng chục ngàn hội viên, việc chụp ảnh hội viên chỉ liên quan đến an toàn an ninh của một phòng tập mà vẫn làm được, thì việc chụp ảnh người sử dụng dịch vụ viễn thông di động vì mục đích an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ người dân nếu cần thiết cũng phải làm. Tất cả chỉ là thói quen và nếu được truyền thông tốt thì người dân cũng sẽ dễ dàng chấp thuận thôi.

PV: Xin cảm ơn bà!

Xem thêm:<<Thuê bao di động sẽ bị cắt nếu không có ảnh chính chủ<<

Xem thêm:<< Tại sao lại quy định chụp ảnh khi đăng ký thuê bao điện thoại?<<

Đ.Huệ (thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.