Nhưng trước khi Bộ TT-TT có đồng ý tăng cước 3G hay không thì cần xem lại nguyên nhân của “ý định” tăng cước: do đầu tư lớn mà không tăng cước thì không còn nguồn lực để tái đầu tư hay do sự phát triển quá nhanh của “kẻ phá bĩnh”?
Cước 3G đắt hay rẻ?
Với các gói cước 3G hiện nay bình quân từ 35.000 đồng, 50.000 đồng đến 70.000 đồng/30 ngày sử dụng thì phải nói rằng không đắt. Không đắt vì khi smartphone đã đăng ký 3G thì đồng nghĩa với việc truy cập internet, mail, các ứng dụng tin nhắn - gọi điện miễn phí (Viber,Zalo, Line…) và việc giao tiếp qua các mạng xã hội như facebook, Zingme… đều được kết nối thì hầu như người dùng đã sử dụng các ứng dụng trên thay thế cho tin nhắn SMS truyền thống. Và nhờ tính siêu liên kết của các ứng dụng nói trên nên nó cũng tạo ra thói quen sử dụng tiện ích của ứng dụng trên smartphone chứ không nhất thiết phải thoại theo kiểu truyền thống trước đây.
Cước 3G tại nước ta rẻ là có lý do của nó. Năm 2009, dịch vụ 3G lần đầu tiên được VinaPhone cung cấp ra thị trường và sau đó lần lượt đến Viettel, MobiFone. Tuy thời gian đầu giá cước 3G khá cao, các gói cước cứng nhắc và nghèo nàn không kích thích được nhu cầu sử dụng của người dân. Nhưng theo thời gian, khi nhà mạng đứng trước tình thế khó: Đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng thuê bao phát triển mới không đáp ứng kỳ vọng, vốn thu hồi quá chậm thì các nhà mạng phải giảm giá dịch vụ 3G xuống, cùng với đó là các chương trình khuyến mãi khủng cũng như hàng loạt gói cước linh động cho từng nhóm khách hàng, đối tượng để thu hút người dùng. Song song đó, các hãng sản xuất smartphone cũng ồ ạt vào thị trường Việt Nam với chiến lược smartphone ngày càng rẻ đã tạo cho người dùng trong nước thói quen sử dụng dịch vụ dữ liệu 3G. Nhờ vậy, từ năm 2011 trở lại đây số thuê bao 3G liên tục tăng mạnh, đến cuối năm 2012, cả nước đã có khoảng 20 triệu thuê bao 3G…
Chính sự phát triển nhanh của người dùng 3G với các ứng dụng tiện dụng trên smartphone qua đường 3G đã dẫn đến việc nhà mạng phải nói đến chuyện tăng cước 3G. Đầu tháng 7 vừa qua, tại cuộc họp với Bộ TT-TT, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã lên tiếng đề xuất với Bộ TT-TT tăng giá cước dịch vụ 3G. Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Viettel, cho rằng số thuê bao sử dụng dịch vụ 3G đang tăng nhanh và trong tương lai gần smartphone chiếm tỷ lệ lớn trên mạng nhưng mức cước 3G ở Việt Nam hiện quá thấp. Trong thời gian đầu các mạng di động cung cấp dịch vụ 3G, do cạnh tranh nhau rất mạnh, nên các mạng đã đặt giá cước tương đối thấp so với giá thành để mong thu hút thuê bao và tăng lưu lượng mạng đã đầu tư.
Sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng nhắn tin - gọi điện miễn phí trên smartphone, là lý do các nhà mạng có ý định tăng cước 3G?
Kẻ “phá bĩnh” tiện lợi
Tại cuộc họp trên, ông Tống Viết Trung cũng cho rằng, đến nay mức cước 3G quá thấp đã phát sinh bất cập. Giá cước 3G hiện đang bán dưới giá thành, nếu không tăng cước 3G, nhà mạng sẽ không còn nguồn lực để tái đầu tư phát triển mạng lưới. Trong khi đó theo số liệu mới nhất của Bộ TT-TT, các mạng di động Việt Nam đã đầu tư khoảng 28.000 tỷ đồng (tương đương 1,3 tỷ USD) cho mạng 3G, phủ sóng 3G tới 90% dân số. Đầu tư lớn là như vậy, song các nhà mạng lại đưa ra các gói cước giá thấp, lý do là để cạnh tranh lẫn nhau và thu hút người sử dụng và theo thống kê của các nhà mạng, giá dịch vụ 3G đang được bán chỉ bằng 35% - 68% so với giá thành… thì đây là một lý do để tăng cước 3G… nhưng chưa hẳn là lý do chính.
Trong quá trình phát triển 3G, các nhà mạng không ngờ đến sự phát triển như vũ bão của các ứng dụng nhắn tin - gọi điện miễn phí trên di động (OTT) cũng như sự tương tác thông minh trên các mạng xã hội. Số liệu mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường di động Flurry (Mỹ) cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về tốc độ tăng trưởng số lượng smartphone, tablet chạy Android và iOS trong năm 2012; cộng thêm việc cước 3G của Việt Nam thấp hơn các nước khoảng 40% càng chứng tỏ Việt Nam đang là một thị trường thích hợp để các ứng dụng OTT phát triển. Thống kê của MobiFone cho thấy, số lượng cuộc gọi trên Viber ở Việt Nam khoảng 280.000 cuộc/ngày và 8,7 triệu tin nhắn/ngày, gây tổn thất doanh thu rất lớn với nhà mạng…
Chưa có thống kê thật đầy đủ về “tổn thất” mà các ứng dụng nhắn tin - gọi điện miễn phí “gây ra” với doanh thu của nhà mạng và “tổn thất” đó chưa phải là hết khi dùng 3G trên smartphone còn có các ứng dụng nhắn tin trên mạng xã hội facebook, Zingme hay Yahoo!Messenger, Google Talk (Hangouts)… đang thay đổi hình thức liên lạc của người dùng theo hướng có lợi cho người dùng.
Một thực tế mà rất nhiều người dùng 3G mong muốn là gói cước cho các ứng dụng OTT. Nhưng với không ít các đơn vị kinh doanh dịch vụ OTT, họ đã nhiều lần lên tiếng và đến gõ cửa các nhà mạng để đề nghị hợp tác nhưng đến nay các nhà mạng vẫn im hơi lặng tiếng. Trong khi đó, các nhà mạng đã “rào trước, đón sau” về tăng cước 3G như đã nói trên nên nhiều câu hỏi đặt ra: Phải chăng nhà mạng đang âm thầm xây dựng một lộ trình rồi “rủ nhau” tăng cước?!
Theo Sài Gòn Tiếp Thị