Sáng 19/6, trao đổi nhanh với PV báo Người Đưa Tin, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng tổng cục Quản lý thị trường (thuộc bộ Công Thương) chia sẻ: “Quy định về hoạt động thương mại điện tử đã nêu rõ trách nhiệm của các sàn trong việc để xảy ra hoạt động bán hàng lậu, hàng giả. Theo đó, tùy mức độ mà các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử phải có biện pháp gỡ bỏ, khóa tài khoản... đối với các gian hàng vi phạm".
Từ đó, ông Trần Hữu Linh cho biết, cơ quan quản lý thị trường có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý ngành văn hóa trong việc phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ in ấn sách lậu.
Còn luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho biết: “Theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017, thì có 4 tội liên quan đến xâm phạm quyền tác giả, tội sản xuất hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và vi phạm các quy định của luật Xuất bản đều quy cho người sản xuất sách giả, sách lậu”.
“Vì vậy, việc quy tội cho đối tượng buôn bán các mặt hàng này trên môi trường mạng, các shop đều chỉ là đơn vị trung gian chứ không có kho hàng nên thực sự rất khó khăn để xử lý”, ông Phan Vũ Tuấn bình luận.
Như đã đưa tin, mới đây, công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) đã đưa ra lời tố cáo các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo tiếp tay tiêu thụ sách giả, làm thiệt hại cho đơn vị này. Phía First News cũng cho biết đã gửi cảnh báo nhiều lần đến các sàn, nhưng dường như không được quan tâm.
Tuy nhiên, qua trao đổi với PV, các sàn thương mại điện tử đều khẳng định, họ chưa từng nhận được phản ánh chính thức nào của First News về việc sách giả, sách in lậu được tiêu thụ công khai trên sàn của mình.
Bằng văn bản, đại diện truyền thông của sàn Sendo khẳng định: “Gần 7 năm trên thị trường, Sendo luôn tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan. Về thông tin một số sản phẩm sách không có bản quyền xuất hiện trên Sendo, chúng tôi đã thường xuyên gửi thông báo đến toàn bộ người bán hàng để nhắc nhở về chính sách của sàn và pháp luật hiện hành về xuất bản, kinh doanh sách”.
Theo đó, phía Sendo sẽ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ cùng các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp có liên quan để phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời tất cả hành vi vi phạm của người bán, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
Còn sàn Shopee cho rằng, theo Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử, người bán hàng trên sàn phải bảo đảm tính chính xác, trung thực về thông tin hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, họ còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Các quy định pháp luật liên quan quy định rõ, Shopee đơn thuần là đơn vị cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử. Nói rõ hơn, Shopee chỉ cung cấp nền tảng cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu, mua bán hàng hóa, dịch vụ. Vì thế, Shopee không phải là một tổ chức có thẩm quyền, chức năng, nghiệp vụ và cũng không có đủ năng lực chuyên môn để thẩm định chất lượng sản phẩm đăng bán có phải là sách lậu, sách giả hay không”, đại diện sàn Shopee nói.
Đồng quan điểm với Sendo và Shopee, sàn Lazada cũng khẳng định, phía Fisrt News cần cung cấp bằng chứng rõ ràng hơn để họ xử lý các người bán có hành vi vi phạm pháp luật. “Theo quy trình xử lý khiếu nại của Lazada, doanh nghiệp sở hữu tác quyền có thể liên hệ với Lazada để chúng tôi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp này làm việc với người vi phạm tác quyền để xử lý”, đại diện Lazada cho hay.
Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử này cho biết luôn sẵn sàng hợp tác với phía nhà xuất bản để bảo đảm công tác rà soát, kiểm soát hàng hóa được thực hiện một cách hiệu quả theo quy định pháp luật.