Từ năm 2010, Hà Nội có chương trình “Luyện phát âm đúng chính tả 2 phụ âm đầu l và n” cho 1 số huyện ngoại thành có giáo viên và học sinh nói ngọng.
Mới đây, ĐBQH đưa lên bàn nghị sự và khẳng định: “Nói ngọng ảnh hưởng đến uy tín cả nền giáo dục”.
Giáo dục sai chuẩn chính tả gây mất nền tảng ngôn ngữ
Bày tỏ quan điểm về tầm quan trọng của chính tả, ngữ âm trong giáo dục, anh Hoàng Văn Lý (Hai Bà Trưng, Hà Nội), một phụ huynh có con học tiểu học cho biết: “Việc học đúng chính tả rất quan trọng, nếu học không đúng thì sau này ảnh hưởng đến việc phát triển, trẻ sẽ mơ hồ, dễ hiểu sai các khái niệm, gặp khó khăn trong việc truyền đạt ý tưởng với người khác”.
Theo anh, giáo viên dạy tiểu học là người tập trung hướng dẫn trẻ viết đúng, phát âm đúng. Hiện nay, vẫn còn yếu tố vùng miền ảnh hưởng tới ngữ âm, nhưng nhìn chung, bản thân giáo viên là người hướng dẫn, cần có chuẩn mực về ngôn ngữ.
Thực tế hiện nay có không ít người lớn còn nói, viết sai chính tả, chứng tỏ, trong nhiều năm qua, việc giáo dục chính tả cho trẻ vẫn đang gặp vấn đề. Cuộc sống hiện đại cho phép sử dụng các công cụ từ điển để kiểm tra chính tả, nhưng không phải lúc nào cũng tra được, việc sử dụng sai khiến người khác đánh giá năng lực thấp và sự cẩu thả của bản thân.
“Mọi người còn chưa ý thức được tầm quan trọng của chính tả, đôi khi người ta nghĩ đơn giản là chỉ sai một chữ chưa to tát, nhưng những lỗi ấy nếu cứ lặp đi lặp lại, thành hệ thống thì sẽ xuất hiện nhiều rắc rối hơn”, anh Lý khẳng định thêm.
Chia sẻ với quan điểm của một phụ huynh, anh Bùi Ngọc Phúc (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Chính tả đối với học sinh tiểu học chính là nền móng để trẻ có thể làm văn tốt sau này. Một giáo viên tiểu học đương nhiên phải dùng ngôn ngữ chuẩn, tránh dùng từ địa phương, đó nên là yêu cầu bắt buộc trong môi trường sư phạm. Giáo viên nói chưa đúng chuẩn có thể sửa được, vấn đề là ở sự quyết tâm”.
Cuộc chiến xóa lỗi phát âm sai chính tả được sự quan tâm của khá đông dư luận, cộng đồng mạng hăng hái chia sẻ quan điểm về vấn đề này.
Một tài khoản tên Mustang nhận định: “Không hiểu sao lỗi phát âm “l” và “n” ngày càng phổ biến. Ở quê tôi, họ hàng cả 2 bên nội ngoại không ai nói ngọng kiểu này. Chứng tỏ không phải lỗi do thói quen địa phương, nhưng thực tế bây giờ phải trên 80% ngọng “l” và “n”, đặc biệt là những người trẻ 8X trở lại đây. Câu hỏi đặt ra: Vì sao?”.
Tài khoản tommv chia sẻ: “Mình từng tham dự một hội thảo giáo dục có đề cập, chính vị giáo sư ấy cũng bị như vậy, và ông giải thích nguyên nhân do ông xem thường việc nói nhầm “l” và “n” từ nhỏ, khi ông chỉ quanh quẩn một xó. Từ đó, cũng sinh ra cách dạy bắt học sinh phân biệt theo thói quen và sự hiểu nhầm của chính ông, trở thành sai phương pháp sư phạm”.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên trường tiểu học Bạch Dương cho biết: “Việc rèn chính tả rất quan trọng đối với học sinh tiểu học, bước đầu hoàn thiện ngôn ngữ ở mức nền. Một đứa trẻ trước khi đến lớp, có thể nói những gì mình nghe được, bắt chước được, nhưng chưa chắc đã đúng về mặt ngữ âm. Vì vậy, bước vào lớp 1, giáo viên chính là người hướng dẫn cụ thể để học sinh đó có thể sử dụng đúng chính tả”.
Giáo viên tiểu học phải tiên phong
PGS.TS. Nguyễn Hữu Hoành, Phó Viện trưởng viện Ngôn ngữ học Việt Nam nhận định: “Việc sử dụng chính tả là một vấn đề quan trọng hàng đầu, trong tiếng Việt, yêu cầu phải chuẩn ngữ âm và chính tả. Tiếng Việt hiện nay mới chỉ có chuẩn chính tả nhưng thực ra chưa có một quy định cụ thể nào về chuẩn ngữ âm. Ví dụ, khi nói, miền bắc là “vào”, miền nam có thể là “dào” nhưng khi viết thì tất cả vẫn phải viết là “vào”. Đó là chuẩn chính tả, còn về chuẩn ngữ âm người ta chưa đặt ra, nhưng đang cố gắng hướng đến chuẩn ngữ âm như chuẩn chính tả, để không có sự khác biệt quá lớn giữa các vùng miền”.
Theo ông, vấn đề nói ngọng về mặt ngữ âm đặt ra cũng chưa thực chính xác, đó chỉ là thực trạng ngữ âm của địa phương, người ta không ngọng vì vẫn có thể phát âm đúng, chỉ là hay nhầm lẫn, giữa các phụ âm “l” và “n”, “ch” và “tr”...
“Từ sự lẫn lộn ấy, trong giao tiếp, dẫn đến những hậu quả không hay, có nhiều từ gây hiểu sai nghĩa, phản cảm... Các hiện tượng sử dụng từ ngữ địa phương khác có thể chấp nhận nhưng riêng vấn đề ngữ âm này về mặt văn hóa rất khó chấp nhận, yêu cầu phải phát âm đúng, không được lẫn lộn. Hệ quả của việc nhầm lẫn gây phản cảm, khó chịu cho người nghe. Dù là 1 đặc điểm của địa phương nhưng có ảnh hưởng không tốt đến nhận thức của mọi người, dẫn đến sai trong cách nhận thức từ, sai trong giao tiếp”, PGS. TS. Nguyễn Hữu Hoành cho biết thêm.
Ông khẳng định: “Đối với giáo viên, chuẩn chính tả, chuẩn ngữ âm là điều vô cùng quan trọng, khi dạy cho học sinh, giáo viên phải huấn luyện theo chuẩn chính tả, để học sinh cố gắng phát âm đúng ngay từ lớp 1. Luyện được từ nhỏ thì lớn lên không lẫn lộn, có sự phân biệt rạch ròi trong các trường hợp cụ thể của chính tả tiếng Việt.
Giáo viên phải là đội ngũ tiên phong, đi đầu trong việc thắng lẫn lộn, chính bản thân người giáo viên cũng phải luyện, vì khi học sinh tiếp xúc ngoài đời, nói sai có thể không ai chỉnh nhưng giáo viên bắt buộc phải có trách nhiệm lưu ý và khắc phục.
Đối với xã hội, phải có ý thức tự khắc phục, không thì người ta vẫn nói sai, có thể ngôn ngữ tự nhiên của vùng miền như thế, nhưng với vai trò “nắn chỉnh” và hình thành nền tảng ngôn ngữ cho trẻ, yêu cầu của một giáo viên bắt buộc phải chuẩn chính tả, chuẩn ngữ âm”.
Tài khoản Việt Dũng cũng bày tỏ: “Đây là một kiểu dị âm theo thói quen chứ không hẳn là ngọng. Đây là tật cần phải sửa, nhất là với giáo viên. Những giáo viên tiểu học cần phải chọn lọc cả giọng nói nữa, nếu không sẽ rất nguy hiểm khi đây là người dạy cách đọc viết đầu tiên cho học sinh”.
“Các giáo viên ngọng phải cho đi học nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Bậc tiểu học là đáng quan tâm nhất, từ nét chữ đến giọng nói, có thể theo học sinh đó đến cuối đời”, tài khoản Nguyen Thang gợi ý.
Tài khoản Mustang bày tỏ quan điểm phải nhìn nhận đúng tầm quan trọng của chính tả tiếng Việt trong môi trường sư phạm: “Năm 1985, tôi thi vào sư phạm, sau khi đạt điểm đậu, trường có một buổi kiểm tra về ngoại hình, phát âm, tất cả các bạn nói ngọng, nói lắp,... đều bị loại bất kể đạt bao nhiêu điểm. Hình như ngành sư phạm bây giờ đã bỏ bước kiểm tra này. Giáo viên nói ngọng thì làm sao dạy học sinh phát âm chuẩn được? Không nhìn thẳng vào sự thật sẽ không bao giờ sửa được, cải tổ giáo dục cần phải sửa từ những lỗi này, tưởng là nhỏ nhưng không nhỏ chút nào!”.