Đẫm nước mắt vì mang tiếng "Có mẹ theo trai"
Bố mất khi chị còn nằm trong bụng mẹ. Còn mẹ chị lúc chị được hơn 1 tuổi cũng bỏ nhà theo một người đàn ông lạ. Từ đó cho đến tận bây giờ, mẹ chưa một lần quay lại thăm chị.
Chị sống với bà nội đến 6 tuổi thì bà mất và chị không còn bất kì người thân nào. Một thời gian dài sau đó, chị phải đi “ăn nhờ ở đậu” hết nhà này sang nhà khác, sống bằng sự giúp đỡ của những người tốt bụng. Rồi sau đó cũng có nhà nhận chị làm con nuôi nhưng thực ra là nhân chị về làm giúp việc nhà cho họ. Bố mẹ nuôi và 12 anh chị nuôi đều có quyền sai vặt chị và có quyền đánh chị lúc họ không hài lòng.
Chị lớn lên với hai điều tiếng là con của một phụ nữ phản bội chồng và là đồ không cha không mẹ.
Có lẽ vì quá “nổi tiếng” nên dù xinh đẹp, ngoan ngoãn nhưng không trai làng nào dám hỏi cưới chị. Cứ thấy có chàng trai nào lân la đến gần chị là người làng lại nói như vỗ vào mặt họ rằng: “Làng chết hết con gái rồi hay sao mà mày định đâm đầu vào cái ngữ có mả theo trai".
Năm chị 20 tuổi, cuối cùng cũng có chàng trai dũng cảm hỏi cưới chị. Đó là công nhân theo đội thi công công trình của một công ty xây dựng về làm lại con đường liên tỉnh đi qua ngôi làng của chị. Anh bảo anh thương chị không cha không mẹ nên muốn cưới chị làm vợ.
Chị nhớ mãi phút giây ấy, giây phút mà chị cứ ngỡ là mình đang ở dưới đáy ao bùn được anh vớt lên. Đó là cảm giác hạnh phúc đầu tiên mà chị được cảm nhận, nó như một thứ mạch nguồn mát mẻ tưới vào tâm hồn khô cằn của chị, nó khiến chị muốn chạy ra khỏi nhà hét lên thật to là chị đang hạnh phúc. Chị nhận lời lấy anh trong niềm vui vỡ òa.
Anh nói, vì quê anh ở xa, công việc của anh lại chưa cho phép anh có thời gian về xin cha mẹ đem trầu cau đến hỏi cưới chị, nên hai người cứ đăng kí kết hôn trước, qua một vài tháng khi công việc “hòm hòm” anh sẽ chính thức đưa chị về quê để ra mắt bà con họ hàng và cha mẹ anh. Thấy anh hiền lành, ăn nói đàng hoàng nên chị không nghi ngờ gì lời anh nói.
Đời con gái của chị kết thúc không có đám cười rình rang, không có một câu chúc mừng từ người làng, chị ra khỏi nhà cha mẹ nuôi “theo chồng” với vài bộ quần áo đã sờn rách.
Chị rọn về ở cùng anh trong một cái lán nhỏ do khu xây dựng dựng lên để ở tạm. Tuy cuộc sống vợ chồng mới gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng trên khuôn mặt chị luôn sáng bừng thứ hạnh phúc được làm vợ, được có gia đình của riêng mình.
Nhưng hạnh phúc đó chỉ kéo dài được vài tháng. Trong một lần anh về quê để thưa chuyện với gia đình trước khi đưa chị về ra mắt, khi trở lại, anh nói với chị: “Gia đình tôi không đồng ý cho tôi lấy cô, rồi cô cũng giống mẹ cô đi theo trai đánh đĩ thôi. Tôi không thể bỏ bố mẹ được. Bố mẹ tôi đã tìm cho tôi một người khác, tôi sẽ về quê sống với cô ta”.
Nghe những lời đó của chồng, trời đất như sụp dưới chân chị. Chị đã ôm chân chồng mà khóc, van xin anh ở lại với chị và đứa con đang dần tượng hình trong người chị, nhưng anh đã đẩy chị ra, bước đi không ngoảnh lại.
Chị vượt cạn một mình trong buồn tủi. Người ta sinh con được chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ còn riêng chị vừa sinh xong đã phải tự mình làm mọi thứ. Chị hận mẹ đã đi lấy chồng, hận cả cái làng chị đang sống đã đẩy chị đến vực thẳm, hận người chồng bội bạc và hận luôn tất cả đàn ông trên đời này. Từ giây phút đó, chị đã xác định rằng mình sẽ phải đóng vai trò làm cả cha và mẹ đối với con mình…
Cái khổ đeo bám suốt cả tuổi thơ và thời thanh xuân của chị. (Ảnh minh họa)
“Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, chị vốn định quên người chồng bội bạc đó, nhưng anh ta viết thư cho chị, lá thư không một dòng hỏi thăm con, trớ trêu thay anh ta kể về cuộc sống của anh ta với người vợ mới. Để chứng minh cho lời của mình, anh ta cho chị địa chỉ thôn xóm hai người đang sinh sống để chị lên chứng kiến. Thế rồi chị cũng tìm tới được địa chỉ mà anh ta cho, quả thực chồng chị đang sống với cô bồ, chứng kiến cảnh hai người tình tứ mà lòng chị quặn đau. Sự thực quá phũ phàng… Đến tận bây giờ chị vẫn không thể hiểu nổi vì sao người ta không yêu thương nhau mà vẫn cứ cố làm tổn thương nhau.
Khi về quê, chị đã lập tức làm đơn li hôn. Hồi đó ở quê, li hôn là một điều vô cùng lạ lẫm và phần lớn lỗi sẽ bị đổ hết lên đầu người phụ nữ. Người ta sẽ bàn tán theo kiểu, chắc cô ta chẳng ra gì thì chồng mới bỏ đi với bồ. Phụ nữ bình thường sẽ bị nói như thế, còn đối với hoàn cảnh của chị, sự dè bỉu còn nhiều hơn gấp bội: Nhà cô ta có mồ mả theo trai, chắc cô ta lăng loàn nên bị bỏ,… Chị vẫn ám ảnh mãi câu nói của người làng khi chị đi làm thủ tục li hôn: “Chắc cô đánh đĩ theo trai giống mẹ cô nên mới bị chồng bỏ chứ gì”.
Bất hạnh nối tiếp…
Không thể tiếp tục sống với những lời cay nghiệt như thế của người làng, chị quyết định bế con ra đi. 30 năm sống lang thang ở Hà Nội, làm đủ thứ nghề, vượt qua bao cám dỗ của cuộc đời, giờ nhìn lại chị không hiểu mình đã lấy đâu ra sức mạnh để vượt qua được những tháng ngày gian truân ấy. Vì vướng con nhỏ nên không ai muốn mướn chị làm thuê cho họ, chị đành nuôi con và nuôi thân bằng cách đi nhặt phế liệu, bán hàng rong ở bến xe,…
Sống ở nơi đầy cạm bẫy như thế này, ai cũng khuyên chị kiếm một người mà nương tựa. 5 năm trước, chị quyết đinh “gá nghĩa” với người đàn ông quê ở Hưng Yên, hơn chị 2 tuổi.
Nhưng số chị đúng là số khổ, cái khổ luôn đeo bám lấy chị. Lấy người chồng này được vài tháng thì chị phát hiện ra anh ta nghiện. Chị làm ra bao nhiêu anh ta nướng vào ma túy hết, không những thế anh ta còn đánh đập chị dã man khi anh ta lên cơn. Mặt chị lúc nào cũng có vết bầm tím vì bị đánh, có lần anh ta còn ném cả cái bếp than tổ ong đang đỏ lửa vào người chị. Nhiều lần chị đã bỏ đi, nhưng lần nào anh ta cũng tìm được và bắt chị tiếp tục chung sống và làm lụng để nuôi anh ta.
Cuộc sống của chị dường như đi vào ngõ cụt, không chút ánh sáng của niềm vui sống…
Chị từng tin rằng ông trời không cho chị một thứ gì tử tế. (Ảnh minh họa)
Trong ngõ có ánh sáng
Càng khổ chị càng muốn sống, sống xem cuộc đời mình đi đến đâu, mình vượt qua được khó khăn nào. Chị không tin rằng ông trời lại không cho chị bất kì một thứ gì tử tế.
Rồi chị ra nhập nhóm Bình Minh (do CSAGA- Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới- gia đình- phụ nữ và vị thành niên sáng lập). Tại đây chị học được những kiến thức về bình đẳng giới, lần đầu tiên chị biết được rằng trừ sự khác biệt về mặt giới tính, người nam và người nữ, phụ nữ có quyền như nam giới. Lần đầu tiên chị nhận thức được rằng chị cũng có những phẩm chất tốt đẹp và biết yêu quý bản thân mình hơn.
Chị em trong nhóm cũng lập kế hoạch cùng chị thuyết phục chồng đi cai nghiện. Lúc đầu, chồng chị phản ứng dữ dội, định đánh chị. Nhưng nhờ sự kiên trì của chị, rồi chị hứa sẽ đợi chờ anh, chị vẽ ra viễn cảnh vui vẻ nếu anh đi cai nghiện về. Chồng chị đã khóc, khóc như một đứa trẻ. Anh cũng có nỗi khổ riêng vì bố mẹ bỏ nhau, không ai dạy bảo mà đi vào con đường nghiện ngập, giờ có một người quan tâm như vậy anh thấy mình được trở về là một con người… Và anh đồng ý đi cai nghiện.
Đúng là ông trời không lấy của ai hết mọi thứ, chị giờ sống rất bình yên, hai con của chị rất ngoan, chăm chỉ làm ăn. Con trai đầu đã có vợ, con gái chị cũng đã 15 tuổi, tuy phải bỏ học giữ chừng để đi làm nhưng cháu rất biết vun vén và thương chị.
Thỉnh thoảng chị lại lên trại cai nghiện thăm người chồng hiện tại và khuyên nhủ anh ấy bằng cả lí lẽ đanh thép lần sự mềm dẻo.
Chị học cách tha thứ cho mẹ chị để lòng được thanh thản hơn. Chị thông cảm cho mẹ, chị nghĩ rằng ở một phương trời kia chắc mẹ chị cũng đang ân hận lắm. Chị sẽ đi tìm mẹ và nói rằng, chị đã tha thứ cho mẹ…
Chị sẽ về quê sau bao năm xa cách, ai dám coi thường chị, chị sẽ đứng trước mặt họ mà bảo rằng: Không ai lựa chọn được nguồn gốc xuất thân của mình. Người ta chỉ có thể lựa chọn cách sống trong hoàn cảnh đó thôi. Chị đã lựa chọn cách sống tử tế và tự trọng…
Ngọc Phạm