Ngày về với núi rừng, vị tướng già không còn nhớ hết những chiến công lừng lẫy đã đưa tên tuổi của mình vào huyền thoại trong ngành an ninh. Có người nhận định rằng, cuộc đời ông, sự nghiệp đấu tranh của ông như một ngọn lửa cháy bùng lên từ tuổi thiếu thời bằng những nhiệt huyết, sự hy sinh và lòng yêu con người, cái thiện, cuộc sống một cách tha thiết, chân thực. Thế nhưng, ít ai biết rằng, chân dung của con người huyền thoại ấy được vẽ nên từ những tháng năm cơ cực, gian lao từ thuở lọt lòng.
Tuổi thơ vắng cha
Giữa bạt ngàn hơi lạnh của ngọn núi Voi (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) hùng vĩ, vị tướng già dẫu sớm thành công trên con đường binh nghiệp vẫn chưa quên những tháng năm kham khổ, vui buồn cùng rừng núi. Ngày giã từ sự nghiệp an ninh, ông không chọn phố thị phồn hoa làm nơi vui hưởng tuổi già, mà xin về với núi sống cảnh vui thú điền viên. Và cũng chính nơi núi thiêng, rừng thẳm ấy, những người đi sau như chúng tôi bị cuốn vào nhiều câu chuyện huyền thoại từ ký ức hào hùng của vị tướng tài ba.
Sinh trong thời mưa bom bão đạn, tuổi thơ Trung tướng Trịnh Lương Hy (SN 1951, quê huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh) sớm trải qua những đắng cay, gian khổ. Mặc dù, ông được sinh ra trong dòng dõi có chức tước, cụ cố nội của ông có công khai khẩn vùng đất Hủ Tíu (xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa) và được người dân nơi đây xem như "Thành hoàng" nhưng cậu bé Trịnh Lương Hy cũng không tránh khỏi cảnh gia đình ly tán. Nỗi đau từ chiến tranh khiến cậu bé Trịnh Lương Hy xa tình yêu thương của cha khi chỉ mới 2 tuổi.
Trung tướng yên bình giữa núi Voi. Ảnh: Ngọc Lài.
Thích đi lính vì... được vác súng Chia sẻ về nguyên nhân tham gia hoạt động quân đội trong những năm đầu đời, Trung tướng Trịnh Lương Hy, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh cho biết: "Ngày ấy, tôi chưa hoàn toàn định hướng được hướng đi của mình một cách chắc chắn mà chỉ làm theo cảm tính. Trước đó, các anh, các chú đi trước phát hiện ra tôi có tiềm năng trong ngành an ninh và cũng đã định hướng tôi đi ngành ấy. Nhưng tôi lại đi lính vì thích được vác súng to. Nói thẳng ra, hồi đó vì thích khẩu AK mà tôi quyết định đi bộ đội". |
Trung tướng Trịnh Lương Hy nhớ lại: "Mới 2 tuổi, cha tôi đã tập kết ra Bắc, mẹ tôi một thân một mình dắt díu, nuôi hai anh em tôi trong đói khổ. Khi cha đi, tôi và cô em gái còn chưa biết được mặt ông. Mỗi khi mẹ tôi nhớ ông, hay hai anh em tôi nhớ cha, bà lại kể về ông như một người anh hùng rồi đem tấm ảnh đen trắng của ông ra cho chúng tôi xem". Vắng cha nhưng tình yêu thương của người phụ nữ đảm đang, tháo vát đã vun đắp cho ông sự kiên cường, tinh thần vượt khó cùng sự tự tin. Dưới vòm trời ầm, ùng tiếng bom, đạn, dù bữa đói, bữa no trong phận kẻ ở đợ, ba mẹ con vẫn quây quần bên nhau tin ngày về của người chủ gia đình.
Thời thế đổi thay, lên 6 tuổi, Mỹ - Diệm tiến hành khủng bố, trả thù những người kháng chiến, gia đình cách mạng, có người tập kết ra miền Bắc. Gia đình ông cũng chung cảnh ngộ. Trước tình hình quá căng thẳng, bị địch o ép, bà Phan Thị Minh (mẹ ruột Trung tướng Trịnh Lương Hy) tay trắng bỏ quê, tha hương vào huyện Lộc Ninh (thuộc tỉnh Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Phước) mưu sinh, bắt đầu những chuỗi ngày cơ cực nhưng rồi sau này trở thành huyền thoại. "Ban đầu mẹ tôi tìm cách vào Lộc Ninh trước để làm phu cao su, sau đó mới tìm cách đưa tôi và em gái vào. Khi lớn lên tôi mới biết mẹ mình cũng là đảng viên, bí thư chi bộ hoạt động bí mật tại thị trấn Lộc Ninh".
Thân hoạt động cách mạng, lại phải bán sức lao động trên những đồn điền cao su bạt ngàn kiếm sống, bà Minh cắn răng gửi con cho người quen để kiếm tiền nuôi thân cùng hai đứa trẻ vắng cha. Vắng chồng, hoạt động cách mạng trong lòng địch, những khó khăn, nguy hiểm tưởng chừng giăng kín thời gian tâm sức của bà Phan Thị Minh. Nhưng với khí tiết không chịu khuất phục, sống quỳ trước hoàn cảnh, bà ý thức rõ tầm quan trọng của việc học. Trong thâm tâm của người phụ nữ kiên cường ấy đã sớm khẳng định: Dù thế nào đi nữa cũng phải cho con đi học. Ước mơ ấy đã được bà cụ thể hóa bằng việc gửi con vào trường tiểu học, trung học Lộc Ninh để cậu con trai tiếp cận cuộc sống văn minh.
Trung tướng Trịnh Lương Hy luôn hồi tưởng về những tháng năm tuổi thơ khó nhọc. Ảnh: Ngọc Lài.
Biệt tài của cậu học trò cá biệt
Cháu của "Thành hoàng" Trung tướng Trịnh Lương Hy chia sẻ: "Cụ cố nội tôi, ông Trần Quý Công là người Bắc Ninh. Theo gia phả, cụ là người có chức sắc, có công khai khẩn đất Nghĩa Hà, Tư Nghĩa, Hủ Tíu rồi phân chia cho dân trong vùng lập ấp. Cụ được người dân nơi đây mang ơn và coi như Thành hoàng đất này. Trải qua nhiều đời, nhiều biến cố lịch sử, ngôi mộ cổ của cụ cố nội tôi vẫn được người dân nơi đây bảo vệ, giữ gìn cho đến ngày nay". |
Sống nơi quê người, thiếu vắng tình thương yêu của cha của mẹ, nhưng chưa một lần người ta thấy cậu bé Trịnh Lương Hy mất đi sự lạc quan trong cuộc sống. Ngược lại, cậu như thân cây non mạnh mẽ vươn thẳng trong lúc trời giông bão. Những người cùng thời biết về vị tướng huyền thoại, đều khẳng định ở ông có sự kiên cường, tinh thần vượt khó từ những năm tháng đầu đời.
"Thời ấy, được đi học là việc rất hiếm. Học được càng hiếm hơn. Những đứa nhà nghèo như chúng tôi lúc bấy giờ làm gì có tiền, có thời gian mà học. Lắm khi còn không có cơm mà ăn, áo mà mặc thì nói gì đến sách vở học tập. Phần nhiều thời gian trong ngày của một đứa trẻ nông thôn thời chiến là ở đợ, quăng mình trên thân những con trâu, vất vưởng ngoài đồng kiếm bữa ăn nên không mấy ai có đủ thời gian, tâm sức mà học", Trung tướng nhớ lại.
Tuy nhiên, lịch sử, sự nghiệp của con người này đã chứng minh những gian khổ, khó khăn của thời cuộc chỉ là bàn đạp để ông vươn lên mạnh mẽ hơn. Không để hoàn cảnh khuất phục, cậu bé Lương Hy học và học rất giỏi.
Trung tướng Trịnh Lương Hy kể: "Hồi ấy, tôi rất thích học và học rất khá nhưng cũng rất phá. Tôi luôn là học trò xuất sắc nhưng cũng là học sinh cá biệt. Tôi đặc biệt thích đánh nhau. Hồi đó, ở nơi đâu có chuyện phá phách là ở đó có mặt tôi. Do đó, thời đi học, tôi bị cấm túc là chuyện thường xuyên". Tuy nhiên, tính cách cá biệt đó của cậu bé thẳng tính không đưa ông vào con đường lầm lạc. Trong mỗi trò quậy phá ông gần như là người cầm đầu, nhưng mỗi khi bị phát hiện, bị khiển trách ông cũng là người đầu tiên đứng ra nhận lỗi. Chính sự táo bạo, lém lỉnh nhưng đầy tỉnh táo, quyết đoán, dũng cảm ấy đã đưa ông đến gần hơn với hơi thở của cuộc cách mạng. Cậu học trò nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của các cán bộ cách mạng.
Trung tướng Trịnh Lương Hy nhớ lại: "Thời tôi còn đi học thấy tôi lanh lẹ, xông xáo đặc biệt là không biết sợ, hơn thế tin vào truyền thống cách mạng của gia đình tôi, mấy chú mấy anh liền giao cho tôi rải truyền đơn trong lòng địch. Mỗi lần như vậy, tôi cứ ngang nghiên ôm truyền đơn trong bụng, giấu trong áo, trong vớ, giày ra chợ, ra trường bí mật rải. Thấy tôi gan dạ, dũng cảm, có biệt tài qua mặt bọn giặc, các anh các chú cho tôi kiêm luôn việc nắm tình hình địch, dẫn đường diệt bọn ác ôn,...". Bởi vậy, ngay từ khi còn là cậu học trò cá biệt, các cán bộ cách mạng cùng thời đã lên kế hoạch phát triển cậu thành mắt xích quan trọng hoạt động trong lòng địch.
Thoát “cửa tử” trong gang tấc
Năm 1968, đáp trả và để lấy lại thế cân bằng sau cú sốc bởi đòn tấn công "Tết Mậu Thân", Mỹ - Ngụy điên cuồng đánh phá các cơ sở cách mạng, đặc biệt là trong các đô thị, vùng kiểm soát. Trung tướng Trịnh Lương Hy nhớ lại: "Ngày 6/6/1968, do bị chỉ điểm, bà Ngô Thị Dư - một đồng đội cùng hoạt động với mẹ tôi bị bắt. Chúng hành hạ, tra tấn bà không từ thủ đoạn dã man, tàn bạo nào. Để đảm bảo bí mật, bà dũng cảm lấy chai bia đập vào đầu, dùng mảnh vỡ cứa cổ tự sát. Nghe tin, tôi vội chạy ra lô cao su báo tin cho mẹ biết rồi canh em gái đi học về, chạy luôn vào rừng, vô căn cứ". Thoát cửa tử trong gang tấc, anh học trò Trịnh Lương Hy ngay lập tức được "biên chế vào Đại đội võ trang 31 của huyện Lộc Ninh".
Tại đây, sau ít ngày, ông tham gia những trận đánh đầu tiên. Trong những năm trực tiếp cầm súng, ông đã tham gia rất nhiều trận, đơn vị dưới quyền của ông cũng nhiều lần nhận danh hiệu đơn vị anh hùng. Những danh hiệu được đánh đổi bằng sự anh dũng chiến đấu và hy sinh... Những tưởng cả cuộc đời ông sẽ gắn bó với nghiệp cầm súng. Thế nhưng, con vần xoay tạo, sau 20 năm, ông và người cha của mình tương phùng trong nước mắt hạnh phúc. Từ đây, cuộc đời ông rẽ sang một hướng khác với một sự nghiệp huyền thoại.
Hà Nguyễn - Ngọc Lài