Đến dự có bà Lâm Phương Thanh, UVTƯ Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ; ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.
Tham dự cuộc gặp mặt này có hơn 100 khách mời, trong đó có 50 nhà văn tiêu biểu ở trong nước và 33 nhà văn Việt Nam sống tại các nước trên thế giới.
Tại Lễ khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam, cho biết: "Hội Nhà văn Việt Nam luôn coi đời sống văn học của cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận khăng khít của văn học nước nhà. Chúng ta đã chủ động và trân trọng đón nhận những đứa con tinh thần của các đồng nghiệp ở hải ngoại như một sự bổ sung và làm giàu cho văn học của đất nước…”.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mở rộng cánh cửa đón nhận mọi tài năng văn học từ khắp các chân trời.
Quá khứ đã khép lại, một tình thế mới, một cục diện mới đang đòi hỏi các nhà văn trong và ngoài nước dùng chất keo bền vững của văn học để siết chặt đội hình, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Phấn đấu cho sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc sẽ không làm ai bé đi mà ngược lại làm cho mỗi nhà văn tự vượt lên chính mình, vươn kịp với chiều kích mới của dân tộc. Phấn đấu cho sự nghiệp này cũng không hạn chế tự do tìm kiếm, sáng tạo cái mới, ngược lại càng đoàn kết chúng ta càng thấy tự do.
Cuộc gặp mặt “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” là sự kiện đề cao trách nhiệm xã hội, giúp gắn kết cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc, bảo tồn và phát huy truyền thống yêu nước, nhân văn, hướng thiện trong tinh thần đoàn kết dân tộc; tạo cơ chế phối hợp gắn bó các nhà văn nước ngoài với hội Nhà văn Việt Nam về sáng tác, công bố tác phẩm.
Đồng thời giúp họ hiểu rõ thành tựu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có nhiều tác phẩm phục vụ con người và văn hóa Việt Nam. Các đại biểu bày tỏ hy vọng cuộc gặp mặt lần này sẽ mở ra một trang mới, đoàn kết tất cả tài năng văn học Việt Nam từ mọi chân trời, chung sức xây dựng một nền văn học Việt Nam không hổ thẹn với các bậc tiền nhân và sự mong đợi của hậu thế.
Một số nhà văn cho rằng, cuộc gặp này nhằm đề cao trách nhiệm xã hội của các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài để họ gắn bó với dân tộc, đất nước thông qua các tác phẩm. Họ chính là nhân tố gắn kết với cộng đồng người Việt ở nước ngoài để cùng hướng về tổ quốc, bảo tồn và phát huy truyền thống yêu nước, nhân văn, hướng thiện trong tinh thần đoàn kết dân tộc.
Tại hội nghị, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng có một tham luận bằng thơ. Chúng tôi xin gới thiệu bản tham luận thơ này.
TRONG HỒN NGƯỜI CÒN TIẾNG NÓI NÀO KHÔNG?
Đêm mưa lớn, mẹ chong đèn thao thức
Lũ cuốn trôi ngập xoá những cánh đồng
Con tự hỏi, ngọn đèn kia tự hỏi:
Trong hồn người còn thao thức nào không?
Đêm đất lở vùi chôn bao đứa trẻ
Miền đau thương thảm họa lại chất chồng
Đêm tự hỏi và đất kia tự vấn:
Trong hồn người còn đau đớn nào không?
Đêm trận mạc, lửa bùng trong ký ức
Dưới đạn bom những đứa trẻ da vàng
Bị đốn gục tả tơi trong rừng rậm
Trong hồn người còn thương tích nào không?
Đêm mất đảo, xác người phơi trên biển
Hoàng Sa trôi như một đọi máu hồng
Trường Sa dựng một vòng tròn bất tử
Trong hồn người còn uất hận nào không?
Đêm xa xứ, ai thương về quê mẹ
Ai làm mây vượt trời thẳm ngóng trông
Ai làm muối vượt muôn trùng sóng bể
Trong hồn người còn tiếng nói nào không?
Qua đêm thẳm của một thời chia cắt
Bạn lại về trên đất mẹ cùng tôi
Thơ ta vượt qua một trời nước mắt
Giọt máu thơ bừng ấm những làn môi
Nguyễn Việt Chiến