Sau những “Blogger” (Nxb Hội Nhà văn 2009, Nxb Văn học tái bản 2013), “Ga ký ức” (Nxb Trẻ 2015), “Vực gió” (Nxb Trẻ 2015), mạch tiểu thuyết của Phong Điệp bỗng bất ngờ chạm vào vỉa hình sự tâm lý. Kết quả là quý 3 năm 2023, tức mới đây thôi, chị đã cho ra mắt bạn đọc một tác phẩm dày dặn, có cái nhan đề khá hút: “Cuốn sổ máu” (Nxb Phụ nữ Việt Nam).
Phong Điệp ghi rõ trên bìa một cuốn sách rằng đây là “tiểu thuyết tâm lý, hình sự”. Nhưng tôi nghĩ cách gọi chính xác nhất cho cuốn tiểu thuyết này phải là “phản trinh thám”. Trinh thám, vì nó có đủ các yếu tố mà mọi tiểu thuyết trinh thám, từ cổ điển đến hiện đại, đều cần cho việc kiến tạo nội dung thể loại: tội ác, tội phạm, mối thù dẫn đến sự phạm tội như một hành động trả thù, người điều tra và cuộc đấu trí đấu lực giữa anh ta với kẻ phạm tội, cuối cùng là bí ẩn quanh vụ án được phanh phui. Nhưng “Cuốn sổ máu” của Phong Điệp, như đã nói, lại là “phản trinh thám”, bởi vì tất cả các yếu tố cần thì đều có trong tác phẩm, nhưng nhà văn luôn khiến người đọc sống cái cảm giác rằng chúng không giống, không phải, rằng hình như cuốn tiểu thuyết trinh thám này đang dẫn chúng ta đi một con đường khác, đến một đích khác.
Câu chuyện được bắt đầu từ một đứa bé trai sinh ra trong một gia đình thiếu tình thương nghiêm trọng, và còn què quặt tệ hại hơn cả gia đình Thénadier trong “Những người khốn khổ” của Hugo vĩ đại. Năm mười bốn tuổi nó bỏ nhà ra đi, vật lộn với đời rồi dần dần trở thành một ông trùm lớn trong giới xã hội đen, tự xưng là “giáo chủ” trong băng của mình. Buôn ma túy xuyên quốc gia, đầu cơ bất động sản, triệt hạ đối thủ giang hồ, hối lộ và thao túng quan chức chính quyền..., cái gì hắn cũng làm hết, một cách táo bạo, tàn bạo nhưng cũng vô cùng khôn khéo. Nhưng vẫn có một kẽ hở: cuốn sổ mà hắn ghi lại những hành động tội phạm của mình có lẽ đã bị cô vợ lẽ đánh cắp, và có lẽ cô vợ lẽ đã trao cuốn sổ ấy cho tình nhân là một gã bác sỹ, kẻ phải chịu trách nhiệm về cái chết của mẹ con cô vợ kế tiếp của hắn, trong bệnh viện. Vậy là hắn xuống tay, sai đệ tử giết sạch gia đình mười một người của gã bác sỹ. May có hai người, là vợ con của người anh trai gã bác sỹ ngẫu nhiên thoát được, thì sau đó, chỉ vì bị hắn nghi cất giữ cuốn sổ mà cả hai cùng chịu cảnh truy cùng đuổi tận vô cùng thảm thương.
Mặt khác, “giáo chủ” có một cậu con trai, con của người vợ đầu đã qua đời, một cậu bé bị liệt chân, u não, khắp người lở lói bốc mùi như chuột chết, sinh ra như chỉ để gánh mọi tai ách cho hắn. Chính cậu bé này, bằng cách lạ kỳ nào đó, vẫn sống, vẫn lớn lên dưới cùng một mái nhà với hắn, đã nhìn thấy đám tang của cái gia đình bị thảm sát kia đi ngang nhà mình và đã bị những hình ảnh ấy ám ảnh mãi không thôi. Để rồi sau này, bằng việc chắp nối tích tụ những nghi ngờ về cha mình trong suốt nhiều năm, bằng việc ngẫu nhiên nhìn thấy ánh mắt của một cô gái nào đó trên báo giống như tạc ánh mắt của người phụ nữ may mắn sống sót trong cái gia đình bị thảm sát trước đây, cậu đã biết cha mình thật sự là ai. Và cậu cũng biết, cuốn sổ vô tình lạc trong cái ngăn sách cũ lộn xộn của mình thật sự là gì. Nó chính là cuốn sổ máu mà “giáo chủ” cha cậu luôn không ngừng tìm kiếm.
Ấy là câu chuyện mà tôi đã kể lại cho trơn tru xuôi lọt từ “cái viết” với rất nhiều tầng tuyến và đảo mạch thời gian cùng kỹ thuật di chuyển điểm nhìn tự sự mà Phong Điệp đã tạo ra trong tiểu thuyết “Cuốn sổ máu”. Kết thúc truyện kể là “giáo chủ” bị bắt sau biết bao công sức mà lực lượng công an hình sự đã phải bỏ ra để điều tra, theo dõi tổ chức tội phạm của hắn trong suốt nhiều năm ròng. Nhưng điều đáng nói là ở chỗ: công an – tức vai “người điều tra” trong tiểu thuyết trinh thám thông thường - ở đây lại được nói đến rất ít, dù họ mới đích thực là người lập chuyên án, cài người vào tổ chức tội phạm, theo dõi, thu thập bằng chứng và tóm cổ con thú. Dường như Phong Điệp không quan tâm lắm đến điều đó. Chị dành tâm huyết (và số trang) để viết về những đứa trẻ xấu số, những đứa trẻ phải sống trong nghịch cảnh như Phượng (cô bé may mắn sống sót cùng mẹ trong gia đình bị thảm sát, nhưng rồi sau cũng phải vào sống trong nhà tình thương một thời gian dài, sau đó nữa phải lưu lạc vào Nam làm công nhân khu chế xuất), như cậu con trai của “giáo chủ”, thân thể tật bệnh nhưng tâm hồn đầy thiện lương. Thực sự là những trang viết với rất nhiều tình thương, thương yêu và thương xót, và không thôi hy vọng vào những điều tử tế vẫn sẽ còn lại trong thế giới toàn giông bão này.
Cái chất viết duy cảm ấy thật ra không hợp cách cho lắm để chiếm lĩnh một thể loại cần đến rất nhiều duy lý như tiểu thuyết trinh thám. Chính vì thế mà tôi gọi “Cuốn sổ máu” của Phong Điệp là một tiểu thuyết “phản trinh thám” – khác với “trinh thám kinh dị” như trong các tiểu thuyết “Trại hoa đỏ” hay “Câu lạc bộ số 7” của Di Li vài năm trước – nhưng nó gây xúc động. Và biết đâu đấy, chính cái “phản” ấy lại khiến tiểu thuyết trinh thám Việt Nam hiện đại, vốn rất lèo tèo, ít thành tựu, lại có cơ vươn lên và làm cho tình hình trở nên khác đi một cách tích cực?.