Nông nghiệp 4.0, cốt lõi vẫn là giáo dục
Trong nền “nông nghiệp thông minh”, xu hướng sản xuất với sản phẩm ngày càng tích hợp nhiều loại hình công nghệ cao, đã, đang đòi hỏi người lao động những trình độ và năng lực cao hơn nữa.
Chúng ta nói nhiều về việc ứng dụng công nghệ cao để tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng vấn đề đặt ra ở đây là giáo dục nông nghiệp.
Nông nghiệp Việt Nam là một ngành kinh tế với độ mở lớn, rất nhiều nông sản xuất khẩu với tỉ lệ cao như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, cao su, gạo, thủy hải sản … Mọi thay đổi về nhu cầu của thị trường (chất lượng, khối lượng, thời gian) đều ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất. Chính vì vậy, nhu cầu chuyển đổi tư duy, nâng cao năng lực cho đội ngũ lao động trực tiếp ngày càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Trong “Dự thảo Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” của Bộ NN-PTNT đề cập đến một nhân tố vô cùng quan trọng: “Nông dân thông minh”.
Hiện nay, vấn đề ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn bởi đa phần người nông dân có trình độ và khả năng tiếp thu những kiến thức, kỹ thuật mới còn chậm. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc họ chưa được trang bị những kiến thức cơ bản nhất về nông nghiệp, công nghệ…
Chính vì vậy, con đường ngắn nhất để hoàn thành chuyển đổi số, tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải dựa trên nền tảng là một nền giáo dục phổ cập.
Đa dạng hình thức giáo dục nông nghiệp, thúc đẩy phát triển bền vững
Theo Tiến sĩ Đoàn Văn Công, thành viên của Tổ chức đổi mới sáng tạo ViNEU, để xây dựng một mô hình giáo dục nông nghiệp thành công, nhất thiết cần có 3 yếu tố chính: Cơ sở đào tạo giáo dục nông nghiệp, Người học nông nghiệp và Người sử dụng lao động nông nghiệp. Đây là 3 chủ thể tương tác mang tính qua lại và bổ trợ.
Tại Việt Nam hiện nay, có hai mô hình giáo dục nông nghiệp là chính quy và phi chính quy.
Giáo dục nông nghiệp chính quy được thể hiện qua các cơ sở đào tạo của Nhà nước với các cấp học và được cấp chứng chỉ theo quy định của Chính phủ như Trung tâm dạy nghề, Trung cấp, Cao đẳng nghề và Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ…
Loại hình giáo dục nông nghiệp chính quy có nhiều thế mạnh vì đây là mô hình giáo dục truyền thống, là cốt lõi của nền giáo dục nông nghiệp trong hiện tại lẫn tương lai. Có cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc học tập và nghiên cứu được đầu tư khá đầy đủ và bài bản, nhà thực nghiệm, phòng thí nghiệm...
Chương trình dạy và học được xây dựng bởi đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm lâu năm, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động nông nghiệp và người học.
Tuy nhiên, giáo dục nông nghiệp chính quy còn tồn tại nhiều hạn chế bởi có sự lựa chọn người học theo một số tiêu chí sàng lọc nhất định (thi tuyển), nên không mang tính phổ cập hay đại trà. Bên cạnh đó, nội dung giảng dạy chưa linh hoạt, liên kết đào tạo kiến thức giữa các cơ sở trong và ngoài nước còn nhiều hạn chế, khó bắt kịp theo xu hướng thay đổi trong tình hình phát triển mới.
Từ thực trạng đó, loại hình giáo dục nông nghiệp phi chính quy như một cánh cửa mới, mở ra cơ hội tiếp cận nền tri thức nông nghiệp đối với những người có đam mê và quan tâm đến ngành này nhưng không đủ điều kiện để đáp ứng các yêu cầu sàng lọc của loại hình chính quy.
Phần lớn trong số họ bắt đầu bằng việc tự thu lượm kiến thức qua các kênh như sách vở, báo đài, internet và kinh nghiệm truyền thừa qua các thế hệ hoặc tham gia vào các lớp đào tạo kiến thức nông nghiệp ngắn hạn do các tổ chức, cá nhân thành lập ra, tồn tại song song với hệ thống giáo dục của Chính phủ.
Ưu điểm của các loại hình giáo dục phi chính quy này là bám sát vào nhu cầu thực tế của thị trường, yêu cầu chất lượng, trình độ nhân lực của người sử dụng lao động nông nghiệp để thiết kế nên những giáo trình phù hợp, cung cấp lượng kiến thức cơ bản cho người học.
Với mục đích đáp ứng nhu cầu thị trường, không áp dụng sàng lọc, mô hình giáo dục này sẽ dễ dàng phổ cập kiến thức đến với đa dạng đối tượng. Chỉ cần là người có quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, các vấn đề cấp thiết của cộng đồng thì đều có thể tham gia.
Bên cạnh đó, việc kết hợp với nhiều chuyên gia, cơ sở trong và ngoài nước, đến từ các nền kinh tế phát triển, mô hình này có thể thiết kế lên các chương trình học rất đa dạng và linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu của ngành nông nghiệp, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ lao động.
Tại Việt Nam, mô hình giáo dục nông nghiệp phi chính quy hiện nay còn khá mới mẻ, chưa chính thức được thừa nhận nên còn gặp khá nhiều khó khăn trong công tác phát triển.
Tuy nhiên, nếu được quản lý tốt, loại hình giáo dục phi chính quy sẽ khiến cho mô hình giáo dục nông nghiệp tại Việt Nam trở lên đa dạng, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.