Vấn nạn phân biệt đối xử trong ngành dệt may, da giày
Mặc dù Luật Lao động quy định đối xử bình đẳng tại nơi làm việc, nhưng nhìn chung, sự né tránh thực hiện chế độ CSSKSS và trợ cấp thai sản của nhiều doanh nghiệp trên khắp cả nước vẫn là một vấn nạn nhức nhối, dẫn đến bất công trong cơ hội việc làm, xâm phạm quyền lao động cơ bản, kiềm chế khả năng thăng tiến và phát triển của lao động nữ, và thậm chí còn gây ra những hậu quả đau lòng.
Không ít doanh nghiệp lẫn tập đoàn lớn trong nước, trong quá trình tuyển dụng đã buộc lao động nữ thử thai và phải ký thêm một hợp đồng phụ nêu rõ không được mang thai trong thời gian 1 - 2 năm đầu làm việc. Ngay cả quy định cho phép lao động nữ nghỉ 30 phút trong thời gian hành kinh cũng bị bộ phận nhân sự - hành chính của các công ty phớt lờ.
Có không ít trường hợp lao động nữ vẫn còn làm việc tốt trong thời gian đầu và giữa thai kỳ, mặc dù hoàn cảnh người lao động khá khó khăn nhưng công ty vẫn buộc nghỉ việc, với lý do HĐLĐ đã hết thời hạn và kiên quyết không cho gia hạn thêm. Chưa kể, nhiều trường hợp cắt giảm lao động, công nhân nữ đang mang thai luôn nằm trong danh sách loại trừ hàng đầu nhằm giảm áp lực trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn
Xét công bằng, đứng ở góc độ của doanh nghiệp, nếu một doanh nghiệp nhỏ có đến 2 – 3 lao động nữ nghỉ thai sản cùng lúc sẽ dẫn đến nhiều xáo trộn về mặt nhân sự lẫn tài chính của doanh nghiệp. Trong khi buộc phải tuyển dụng người mới, doanh nghiệp còn mất thời gian đào tạo nhưng khoảng 5 – 6 tháng sau nhân sự cũ quay trở lại, người mới thì đã quen việc mà khối lượng công việc lại không đủ để đáp ứng. Thành ra, phía doanh nghiệp thường rơi vào tình thế chẳng đặng đừng, gặp nhiều khó khăn và lúng túng khi quyết định sử dụng lao động nữ mang thai hoặc vừa mới lập gia đình.
Tấm gương tiêu biểu trong công tác khắc phục vấn nạn phân biệt đối xử
Chị Hoàng Thị Ngọc Anh - Phụ trách kho nguyên phụ liệu tại Maxport chia sẻ: “Tổ mình có 3 người mang bầu. Cả ba người đều ngày làm 7 tiếng được nhận lương 8 tiếng, không phải tăng ca, cứ 3 tháng lại có chế độ thuốc, khám thai định kỳ, mỗi kỳ như vậy được nghỉ 5 ngày”.
Thực vậy, chế độ CSSKSS đối với nhân sự nữ của Maxport trong khoảng thời gian trước, trong, và sau quá trình mang thai đều được hưởng các chế độ về thời gian làm việc, tiền lương, thưởng, trợ cấp, bảo hiểm đầy đủ, phù hợp với quy định của Luật lao động. Bên cạnh đó, CSSK giới tính cũng được Ban lãnh đạo dành sự quan tâm sâu sắc, cụ thể như nhân sự nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ 30 phút/ngày và 3 ngày/ tháng mà vẫn được hưởng lương theo HĐLĐ.
Tại Maxport, nhân sự nữ đảm nhận rất nhiều chức vụ quan trọng từ tổ trưởng, trưởng các phòng ban, bộ phận cho đến thành viên Ban Giám đốc. Theo Maxport, tỷ lệ lao động nữ giữ chức vụ tổ trưởng chuyền may chiếm tới 72% tổng số tổ trưởng. Công ty có những lộ trình bài bản, cùng với sự tư vấn của các chuyên gia đến từ trong nước và nước ngoài để hỗ trợ người lao động phát triển sự nghiệp của mình.
Chị Nguyễn Thị Hợp, làm việc tại phân xưởng cắt nhà máy Maxport chia sẻ: “Với lao động tại nhà máy, mỗi năm lại khảo sát tay nghề một lần. Chúng tôi được căn cứ vào năng suất, tay nghề để nâng lương".
Nhiều doanh nghiệp quan tâm tham khảo kinh nghiệm của Maxport
Được ghi nhận là doanh nghiệp tiêu biểu trong công tác CSSKSS và chống phân biệt đối xử, Maxport đã nhận lời mời từ Better Work - một dự án toàn cầu được sáng lập bởi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), cùng Better Work đồng hành tổ chức chương trình Hội thảo chuyên môn mang tên “Chăm sóc sức khoẻ cho nữ công nhân mang thai, nuôi con nhỏ và vấn đề phân biệt đối xử”, nhằm chia sẻ và truyền đạt kinh nghiệm của Maxport tới các đại diện từ nhiều doanh nghiệp, nhà máy thuộc khu vực và lân cận tỉnh Thái Bình.
Hội thảo diễn ra vào ngày 5/4/2019, tại khách sạn White Palace (số 245B, đường Trần Thái Tông, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và cơ sở Maxport 09 (Quốc lộ 10, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Tham dự chương trình ngoài ban tổ chức gồm Better Work và Maxport, đại diện các doanh nghiệp, nhà máy (đăng ký tham dự tối đa 60 người), còn có sự góp mặt của Bác sỹ, Thạc sỹ Đỗ Việt Dũng - Chuyên gia về giới và chăm sóc sức khoẻ .
Dựa trên kết quả đánh giá và phản hồi tích cực từ 60 đại diện tham dự, cho thấy chương trình Hội thảo của Better Work và Maxport hứa hẹn sẽ mở ra nhiều tín hiệu tốt cho tương lai của ngành công nghiệp may mặc, da giày của tỉnh Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung. Hơn thế nữa, chúng ta còn có quyền tin vào một viễn cảnh nền công nghiệp nhân văn, bình đẳng, đảm bảo cơ hội và nền tảng tốt nhất cho các thế hệ tương lai.
Xuân Mai