Theo đó, xe buýt nhanh (BRT) của Đà Nẵng khi triển khai sẽ hoạt động theo 3 tuyến, trong đó 2 tuyến có cùng điểm xuất phát là Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, với điểm đến Bà Nà và Hội An. Tuyến còn lại có tổng chiều dài gần 25 km, xuất phát từ khu công nghiệp Hòa Khánh đến trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin Việt Hàn.
Phó trưởng Ban quản lý các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên Tp. Đà Nẵng, ông Mai Đình Khánh, cho biết tổng số vốn đầu tư cho dự án là 70,2 triệu USD. Thành phố đã lên kế hoạch mua 66 xe buýt tiêu chuẩn, bao gồm 30 xe buýt thường và 36 xe buýt BRT. Cùng với việc triển khai kế hoạch thiết kế logo, tên thương hiệu, màu sơn nhận diện xe buýt, xây dựng sơ đồ tuyến..
Nhằm chuẩn bị, thành phố dã thực hiện triển khai các hạng mục về đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống bán vé điện tử, giao thông thông minh ITS, tín hiệu giao thông… Khởi đầu, công trình hầm chui nút giao thông Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ với số vốn đầu tư 120 tỷ đồng đã được khởi công vào ngày 29/12 năm ngoái.
Dự án xe buýt BRT Đà Nẵng dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019 hứa hẹn giải quyết những vấn đề kẹt xe có thể trầm trọng hơn trong tương lai không xa khi mà tỷ lệ tăng trưởng ô tô và xe máy tại thành phố liên tục tăng trong khoảng thời gian gần đây.
Trước đó, vào ngày 10/12/2016, thành phố đã khánh thành nhiều tuyến buýt hoạt động trong phạm vi Tp. Đà Nẵng và Quảng Nam, trong đó đáng chú ý là việc triển khai hoạt động kinh doanh xe buýt mui trần loại 1 tầng và 2 tầng trên một số tuyến đường trung tâm thành phố. Tuyến buýt có mức đồng giá 5.000 đồng/lượt, hoặc hành khách có thể mua vé tháng với giá ưu tiên 45.000 đồng/tháng, hoặc không ưu tiên là 90.000 đồng/tháng.
An Nhiên