Sự việc này đã bị đoàn kiểm tra của chi cục Thú y Đà Nẵng bắt quả tang, khi tiến hành khám xét các cơ sở giết mổ, gây hoang mang dư luận...
Mánh khóe để bò tăng trọng lượng
Theo tìm hiểu của PV, thời gian qua đã có không ít người buôn bán thịt bò dính phải thủ đoạn lừa đảo của các chủ lò mổ khi số thịt lấy về đều bị thúc nước để tăng trọng lượng. Theo chân cán bộ chi cục Thú y TP.Đà Nẵng, chúng tôi đã cùng kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở giết mổ trên địa bàn, phát hiện hai cơ sở đang sử dụng thủ đoạn này. Đó là cơ sở giết mổ gia súc do bà Hoàng Thị Minh Huy (60 tuổi) làm chủ trên đường Lê Trọng Tấn (P.Hòa Phát, Q.Cẩm Lệ) và cơ sở hợp tác xã P.Hòa Thọ Tây (Q.Cẩm Lệ). Tại hiện trường, các cán bộ trong đoàn kiểm tra của chi cục Thú y Đà Nẵng đã bắt giữ hàng chục mét ống nước cỡ lớn và các dụng cụ dùng để thúc nước vào ruột bò.
Theo quan sát của chúng tôi, những người nhận nhiệm vụ sục nước vào bụng bò này rất cảnh giác đối với các cán bộ kiểm tra và kể cả người dân sống gần đó. Họ rất cẩn thận, một tay cầm ống thúc nước vào bụng, một tay cầm thêm một ống khác khi có người đi ngang thì vờ xịt nước giả dạng là đang tắm cho bò. Chính động tác giả này đã khiến nhiều người không nhận ra được trò lừa đảo của các chủ lò mổ. Thông thường thì họ sẽ thúc nước vào ruột bò từ chiều cho đến khuya rồi sẽ đem đi mổ, trung bình mỗi con sẽ tăng thêm khoảng 20% trọng lượng cơ thể, tăng lợi nhuận 2 - 3 triệu đồng. Mặt khác, chúng tôi nhận thấy nguồn nước mà các đối tượng này thúc vào bụng bò chủ yếu là nước ở các giếng bơm, không đảm bảo vệ sinh, nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tại hiện trường kiểm tra hai cơ sở lò mổ bị chi cục Thú y phát hiện hành vi gian lận, quan sát số thịt đã được các chủ lò mổ phi tang từ trước, PV nhận thấy thịt vô cùng nhão, không còn màu đỏ tươi mà có vẻ như bị tái đi vì hút nước quá nhiều. Đè nhẹ tay vào thịt, thấy thịt bò đã mềm đi rất nhiều và không còn khả năng đàn hồi. Theo các cán bộ Thú y, thịt bò sau khi mổ phải có độ đàn hồi tốt, màu sắc đỏ tự nhiên, cầm lên không nhỏ ra nước và các thớ thịt có độ liên kết rất chắc chắn.
Tìm đến các lò mổ khác trên địa bàn TP.Đà Nẵng, chúng tôi ghi nhận được các lò này cũng sử dụng thủ đoạn tương tự như hai lò bị phát hiện trên. Vào vai một người dân đi tìm nguồn cung cấp thịt bò tại một lò mổ ở địa bàn Q.Liên Chiểu, chúng tôi nhận thấy những cảnh tượng và thủ đoạn còn tinh vi hơn. Bò được cột cố định vào một nơi, hàng chục mét ống nước cỡ lớn bơm từ giếng cho thẳng vào bụng bò. Những con bò nằm la liệt trên sàn với cái bụng trương phình, miệng sùi bọt mép. Không chỉ dừng lại ở phương thức này, nhiều chủ lò mổ còn liên kết với các chủ trang trại thúc cho bò ăn các hóa chất tăng trọng để bò to và mập nhanh hơn bình thường.
Cán bộ chi cục Thú y tiến hành kiểm tra các chủ lò mổ khác
Người dân hoang mang
Tạm đình chỉ hai cơ sở giết mổ vi phạm Trao đổi với PV, ông Trần Tới (Phó Chi cục trưởng chi cục Thú y TP.Đà Nẵng) cho biết: "Bơm nước vào bò trước khi giết mổ là hành vi gian lận thương mại, vi phạm đạo đức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Mặc dù các đối tượng có nhiều chiêu trò để né tránh sự kiểm tra của phía cơ quan chức năng nhưng với tinh thần vào cuộc quyết liệt, vì quyền lợi của người dân, chúng tôi đã bóc mẽ được quá trình gian lận này. Hiện, chúng tôi đã tạm đình chỉ hai cơ sở giết mổ vi phạm nói trên và trong thời gian tới, nếu lò mổ nào còn tái phạm thì sẽ tước giấy phép kinh doanh và xử phạt theo quy định của pháp luật". |
Sự việc đã khiến không ít người bán lẫn người tiêu thụ lo lắng vì đã ăn phải thịt bò nhiễm nước bẩn từ trước. Đảo một vòng quanh các chợ trên địa bàn TP.Đà Nẵng, PV nhận thấy các quầy bán thịt bò có phần ế ẩm hơn so với các mặt hàng khác. Chị Nguyễn Thị T. (40 tuổi, bán thịt ở chợ Phước Tường, TP.Đà Nẵng) cho biết: "Trước đây, khi chưa nghe về thông tin này, tôi không hiểu vì sao mà từ sáng đến trưa là thịt bò tự nhiên bị sụt kí, cứ nghĩ do trời nắng quá nên thịt bị khô chứ ai ngờ là do bị bơm nước".
Nhiều hộ kinh doanh thịt trong chợ cũng đồng quan điểm khi mấy ngày trở lại đây, số thịt bò nhận về bán có phần nhão hơn hẳn trước đây. Mặc dù thủ đoạn này mới được các cơ quan chức năng tìm ra nhưng thực tế cho thấy, gần đây người dân mua thịt bò về ăn không nhiều bởi thịt nhìn nhão nhoẹt và ứa nước, chẳng khách hàng nào dám mua.
Bức xúc về thực trạng bơm nước vào ruột bò, chị Trần Thanh H. (35 tuổi, chủ một quầy bán thịt bò ở chợ Hòa Khánh) chia sẻ: "Bữa trước có một khách hàng đến mua tôi 1kg thịt bò, sau một lúc đi chợ người khách đó quay lại chửi tôi một trận tội cân gian vì chưa đủ 1kg. Tôi vô cùng bất ngờ vì lúc bán tôi đã rất cẩn thận, khi mang lên cân là vừa đủ thế mà chỉ vài tiếng đồng hồ sau thì đã còn có hơn tám lạng".
Bên cạnh đó, ở gần các trường đại học trên địa bàn thành phố, trong các khu trọ sinh viên thường có các quầy bán rau thịt cũng trở nên "vắng bóng thịt bò". Nhiều chủ tiệm ở đây cho biết, do sinh viên ngày nào cũng xem báo nên tiếp cận tin tức rất nhanh, thông tin bò nhiễm bẩn nhanh chóng được lan truyền và chẳng còn mấy sinh viên nào dám mua".
Lo lắng về thịt bò nhiễm bẩn trong thời gian gần đây, chị Lê Thị Hương (35 tuổi, trú Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) tâm sự: "Mấy bữa nay, nghe chồng đọc báo nói thịt bò bị nhiễm bẩn, tôi đi chợ chẳng dám mua, mặc dù thịt bò là nguồn cung cấp rất nhiều dinh dưỡng. Không biết chất lượng thịt bò trong chợ có thật sự bị thúc nước bẩn hay không nhưng vì sức khỏe của toàn gia đình, tôi tạm thời ít sử dụng thịt bò trong các bữa ăn gia đình thời gian này".
Đồng ý kiến với chị Hương, chị Nguyễn Thu Huệ (42 tuổi, trú Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) cho biết: "Có thể nói thịt bò là thực phẩm không thể thiếu của gia đình tôi bởi nhà tôi ai cũng thích ăn. Nhưng từ khi nghe tin bò bị thúc nước trước khi mổ đem bán thì tôi cảm thấy e ngại khi sử dụng nguồn thực phẩm này".
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Tiến (Chi cục trưởng chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TP.Đà Nẵng) cho biết: "Việc sục nước vào ruột bò trước khi mổ là một hành vi gian lận, làm cho thịt dễ nhiễm vi sinh vật hoặc các chất độc hại khác từ nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Nước bẩn chứa các vi khuẩn sẽ thấm qua dạ dày bò đi vào các ngũ tạng và sau đó là đến các mô thịt, khi đó thịt sẽ bị nhiễm khuẩn. Người dân ăn phải thịt này có thể sẽ dẫn đến hai trường hợp: Nhẹ thì bị ngộ độc cấp tính do nhiễm vi sinh vật gây bệnh, dẫn đến bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, đau bụng, nôn mửa và có triệu chứng tiêu chảy. Trường hợp nặng thì bị ngộ độc mạn tính do nhiễm các kim loại nặng trong nước bẩn, sử dụng lâu dài có thể sẽ dẫn đến ung thư và các bệnh mạn tính khác".
DU NGOẠN