Nêu tên để nỗ lực giảm... kẹt xe
Theo đó, các lực lượng chức năng sau khi phạt phụ huynh đậu đỗ xe vi phạm luật Giao thông sẽ làm việc với hiệu trưởng các nhà trường để công bố dưới cờ. Có lẽ, đây là cách làm khá mới lạ mà chưa một địa phương nào trên cả nước thực hiện.
Tôi còn nhớ, nhiều lần đi qua đường Thụy Khuê, Nguyên Hồng và nhiều đường phố khác của Hà Nội khu vực có các trường học vào giờ tan học của học sinh, cả đoạn đường quanh trường chật kín các loại xe đưa đón của các bậc phụ huynh gây ách tắc trong một khoảng thời gian dài. Đây là tình trạng chung của các đô thị lớn. Thế nhưng, liệu phương án nêu tên phụ huynh học sinh vi phạm luật Giao thông dưới cờ như cách làm của UBND quận Hải Châu có khả thi?
Trao đổi với PV Người Đưa Tin sáng 12/9, ông Lê Anh cho biết: "Nếu các bậc phụ huynh vi phạm luật Giao thông thì chúng tôi sẽ có phương án nói riêng với học sinh để các em về nói với ba mẹ không được vi phạm, không được đậu xe trước cổng trường. Việc này sẽ được tiến hành liên tục. Phụ huynh vi phạm một lần được nhắc nhở mà họ chấp hành thì thôi nhưng vi phạm nhiều lần sẽ nêu tên".
Cũng theo ông Lê Anh, phương án nêu trên sẽ được làm ở tất cả những trường trong quận có tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm (khoảng 5 - 6 trường) như trường Hoàng Văn Thụ, Phù Đổng, Trưng Vương, Nguyễn Huệ…Khi được hỏi khi nào phương án nêu tên phụ huynh vi phạm luật Giao thông được tiến hành, vị Chủ tịch UBND quận Hải Châu nói: "Chúng tôi đã làm cách đây khoảng 4 ngày. Phương án này được đưa ra từ trước đó chứ không phải mới đề cập trong hội nghị sơ kết ngày 10/9. Trên thực tế, chúng tôi chưa nêu tên phụ huynh nào trước cờ, nếu phụ huynh vi phạm nhiều lần thì phải nêu".
Luật sư Phạm Công Út, Giám đốc công ty luật TNHH MTV Phạm Nghiêm
"Phương án này tôi nghĩ hết sức tích cực vì khi con cái nói chắc chắn phụ huynh nghe. Ba mẹ các em sẽ ý thức ngay vấn đề đó và sẽ để xe đúng nơi quy định", ông Lê Anh chia sẻ.
Theo lời của vị chủ tịch này, quận có thẩm quyền làm việc về vấn đề an toàn giao thông và phía thành phố cũng đồng thuận. Phương án nêu tên phụ huynh học sinh vào các buổi chào cờ thứ Hai chẳng theo tiêu chí nào mà dựa trên vấn đề điểm nóng là an toàn giao thông. Nhiều người chưa có ý thức làm cản trở giao thông nên phía quận phải nghĩ cách xử lý. Trước đó, một số đơn vị trong quận Hải Châu đã nắm được biển số xe của các phụ huynh rồi nhắn tin cho từng người, từng trường để nhắc phụ huynh không vi phạm. Phản ứng trước những lo ngại của chúng tôi xung quanh phương án này, ông Lê Anh nhấn mạnh, cứ để làm rồi mới tính được, trong quá trình làm sẽ xử lý mọi thứ phát sinh.
Hình thức bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác?
Phản giáo dục "Ngoài việc không hề có tác dụng giáo dục con trẻ thì nó còn gây hệ lụy lớn. Các em học sinh xem việc bố mẹ bạn khác bị nêu tên trước trường như là điểm yếu của bạn mình. Các em sẽ chế giễu lẫn nhau, thậm chí coi đó là tội phạm. Điều này dẫn đến những mặc cảm cho học trò trong sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt tập thể. Như vậy là phản giáo dục. Người ta chỉ nên làm cái ngược lại, tức là thông báo cho phụ huynh những vi phạm, lỗi lầm của con trẻ" - TS. Xã hội học Trịnh Hòa Bình. |
Từ góc nhìn của một người làm luật, ông Phạm Công Út, Giám đốc công ty luật TNHH MTV Phạm Nghiêm cho rằng, luật Giáo dục không cho phép xử lý hành chính đối với việc cản trở giao thông đường bộ. Mặc dù trước cổng trường nhưng nó thuộc phạm vi của cơ quan chức năng khác chứ không thuộc ngành giáo dục. Ngoài ra, việc xử phạt đó cũng không thuộc một trong các loại xử phạt hành chính.
Tiếp đó, trong pháp lệnh xử phạt hành chính không có biện pháp xử phạt bằng cách nêu tên cha mẹ phụ huynh của học sinh nào vi phạm. "Đó là hình thức mang tính chất bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác. Vấn đề này nằm trong Bộ luật Dân sự là quyền về hình ảnh, tên tuổi, quyền đó được pháp luật bảo hộ. Cho dù vị Chủ tịch UBND quận Hải Châu có ra văn bản quy định nêu tên phụ huynh vi phạm luật Giao thông trước cờ thì nó cũng phạm quy. Cái này sẽ do phòng Kiểm tra văn bản pháp quy bên sở Tư pháp tuýt còi. Dưới góc độ luật sư, tôi đánh giá văn bản này xứng đáng được tuýt còi", luật sư Phạm Công Út nhấn mạnh.
Vị luật sư này cũng đánh giá, phương án mà phía quận Hải Châu đưa ra sẽ làm cả phụ huynh và học sinh ê mặt. Việc xúc phạm danh dự người khác về việc nêu tên tuổi, hình ảnh sẽ ảnh hưởng đến người thân của họ. Không riêng gì học sinh đó mà có thể người vợ, người con không học cùng trường cũng cảm thấy phiền. Ngoài ra còn là những thiệt hại khác về mặt tinh thần. Chẳng hạn, người khác đang cạnh tranh với vị phụ huynh bị nêu tên này về một chức vụ để ứng cử, bầu cử thì họ sẽ lấy thông tin vi phạm giao thông bị bêu tên trước cờ để bôi nhọ nhau. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến người bị nêu tên. Trong khi năng lực, đạo đức của mỗi cá nhân bao gồm nhiều khía cạnh, nhiều thứ chứ không chỉ có hành vi bị nêu tên trước trường của con. Nếu có kẻ xấu dùng thông tin này bôi nhọ người khác thì mức độ thiệt hại rất nghiêm trọng. Theo luật sư Út, khi người bị bêu tên trước cờ chứng minh được thiệt hại của bản thân thì người ra văn bản và người nêu đích danh phụ huynh nào đó có thể phải bồi thường rất nhiều thứ.
Đứng ở góc độ khác, TS. Xã hội học Trịnh Hòa Bình (Giám đốc trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng, viện Khoa học xã hội, nêu quan điểm: "Đây là một cách làm vô nguyên tắc. Không thể có chuyện bêu xấu cha mẹ học sinh trước mặt con trẻ. Điều này không phải nhẽ. Theo tôi được biết thì chẳng có văn bản nào cho phép nhà chức trách địa phương, chủ tịch quận làm việc đó trước trường. Họ sẽ viện dẫn làm như thế để hướng tới việc làm lành mạnh cộng đồng và an toàn giao thông nhưng không được phép vì hai "sân chơi" khác hẳn nhau. Nếu quận Hải Châu chọn cách nêu tên phụ huynh trước cờ tức là xúc phạm vào quyền cá nhân của họ. Chúng ta thiếu gì cách để làm nhằm giảm vi phạm, ách tắc giao thông. Nên thực hiện chủ trương hệ thống phạt nguội, hệ thống camera, hệ thông ghi hình thật tốt".
Yến Dương