Đà Nẵng sắp xếp lại vùng tính lương tối thiểu, người lao động cần lưu ý gì?

Đà Nẵng sắp xếp lại vùng tính lương tối thiểu, người lao động cần lưu ý gì?

Nguyễn Duy Cường

Nguyễn Duy Cường

Thứ 4, 09/07/2025 15:17

Theo cơ quan BHXH, người lao động cần xác định đúng địa điểm hoạt động của doanh nghiệp hoặc chi nhánh để áp dụng mức lương tối thiểu phù hợp, tránh ảnh hưởng chế độ bảo hiểm.

Từ ngày 1/7/2025, Đà Nẵng áp dụng 3 mức lương tối thiểu vùng mới. Để giúp người lao động hiểu rõ địa bàn làm việc và mức lương tương ứng, tránh bị doanh nghiệp áp sai dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi bảo hiểm, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Văn Phú Quân, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội khu vực XXII.

PV: Thưa ông, từ 1/7, vùng tính lương tối thiểu tại thành phố Đà Nẵng thay đổi ra sao?

Ông Văn Phú Quân: Theo Nghị quyết 1659/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định 128/2025/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2025, thành phố Đà Nẵng áp dụng 3 mức lương tối thiểu theo vùng:

Vùng II: 4.410.000 đồng/tháng, 23.800 đồng/giờ; gồm các phường: Hải Châu, Hòa Cường, Thanh Khê, An Khê, An Hải, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Khánh, Hải Vân, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hòa Xuân, Tam Kỳ, Quảng Phú, Hương Trà, Bàn Thạch, Hội An, Hội An Đông, Hội An Tây và các xã Hòa Vang, Hòa Tiến, Bà Nà, Tân Hiệp và đặc khu Hoàng Sa.

Vùng III: 3.860.000 đồng/tháng, 18.600 đồng/giờ; gồm các phường: Điện Bàn, Điện Bàn Đông, An Thắng, Điện Bàn Bắc và các xã Núi Thành, Tam Mỹ, Tam Anh, Đức Phú, Tam Xuân, Tam Hải, Tây Hồ, Chiên Đàn, Phú Ninh, Thăng Bình, Thăng An, Thăng Trường, Thăng Điền, Thăng Phú, Đồng Dương, Quế Sơn Trung, Quế Sơn, Xuân Phú, Nông Sơn, Quế Phước, Duy Nghĩa, Nam Phước, Duy Xuyên, Thu Bồn, Điện Bàn Tây, Gò Nổi, Đại Lộc, Hà Nha, Thượng Đức, Vu Gia, Phú Thuận.

Vùng IV: 3.450.000 đồng/tháng, 16.600 đồng/giờ; gồm các xã, phường còn lại.

Đà Nẵng sắp xếp lại vùng tính lương tối thiểu, người lao động cần lưu ý gì?- Ảnh 1.

Ông Văn Phú Quân, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội khu vực XXII.

PV: Nếu người lao động làm việc ở một doanh nghiệp có nhiều chi nhánh (các chi nhánh thuộc các vùng tính lương tối thiểu khác nhau) thì cần lưu ý điều gì để đảm bảo không bị doanh nghiệp áp sai mức?

Ông Văn Phú Quân: Người lao động cần xác định địa điểm hoạt động của doanh nghiệp hoặc đơn vị sử dụng lao động, vì đây là căn cứ pháp lý để áp dụng mức lương tối thiểu. Theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP:

Doanh nghiệp hoạt động ở vùng nào thì áp dụng mức lương vùng đó.

Nếu có nhiều chi nhánh ở các địa bàn khác nhau, chi nhánh ở đâu áp dụng mức lương vùng tại địa bàn đó.

Khu công nghiệp nằm trên địa bàn có nhiều mức lương khác nhau thì áp dụng theo vùng có mức lương cao nhất.

Việc nắm rõ nơi đặt trụ sở, chi nhánh là yếu tố then chốt để người lao động bảo vệ quyền lợi về lương tối thiểu.

PV: Cơ quan BHXH kiểm soát việc các doanh nghiệp điều chỉnh đúng mức lương tối thiểu sau ngày 1/7 như thế nào?

Ông Văn Phú Quân: Khi có thay đổi về vùng tính mức lương tối thiểu, cơ quan BHXH sẽ thông tin đến các doanh nghiệp, qua đó, doanh nghiệp điều chỉnh tiền lương phù hợp với mức lương tối thiểu được thay đổi để tham gia BHXH. 

Đồng thời, cơ quan BHXH thường xuyên đôn đốc doanh nghiệp kê khai hồ sơ điều chỉnh mức lương tối thiểu khi phát hiện doanh nghiệp chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu theo quy định.

PV: Thưa ông, việc thay đổi phân chia vùng lương có ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp của người lao động tại Đà Nẵng không?

Ông Văn Phú Quân: Hiện nay, việc áp dụng mức lương tối thiểu vẫn thực hiện theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Từ ngày 1/7/2025, thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Đà Nẵng, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng nào thì sẽ áp dụng lương tối thiểu tại vùng đó.

Nguyên tắc khi người tham gia BHXH, BHTN ở tiền lương cao thì mức hưởng chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và bảo hiểm thất nghiệp sẽ cao tương ứng.

PV: Ông có khuyến nghị gì cho người lao động để tự kiểm tra quyền lợi và phản ánh kịp thời nếu phát hiện doanh nghiệp đóng bảo hiểm chưa đúng theo mức lương tối thiểu mới?

Ông Văn Phú Quân: Để đảm bảo quyền lợi, người tham gia BHXH, BHYT có thể kiểm tra mức đóng, thời gian đóng trên BHXH số - VssID.

Trong trường hợp phát hiện mức đóng không đúng quy định, người tham gia trước tiên phản ánh với đơn vị sử dụng lao động để điều chỉnh.

Trường hợp đơn vị không xử lý, người lao động có thể liên hệ với các cơ quan liên quan như: BHXH, Sở Nội vụ… để phản ánh, xử lý.

Đà Nẵng sắp xếp lại vùng tính lương tối thiểu, người lao động cần lưu ý gì?- Ảnh 2.

Cơ quan BHXH khuyến nghị người lao động cần chủ động kiểm tra mức đóng, thời gian đóng BHXH trên VssID và phản ánh nếu có sai sót.

PV: Tại Đà Nẵng có nhiều lao động thời vụ, làm theo giờ. Họ sẽ được áp dụng mức lương  như thế nào, và làm sao để biết mình đang được đóng đúng mức bảo hiểm?

Ông Văn Phú Quân: Từ ngày 1/7/2025, theo quy định của Luật BHXH số 41/2024/QH15 thì người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất thì thuộc đối tượng tham gia BHXH.

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng quy định tại điểm I khoản 1 điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội là tiền lương tính trong tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Trường hợp trong hợp đồng lao động thỏa thuận lương theo giờ thì tiền lương tính trong tháng bằng tiền lương theo giờ nhân với số giờ làm việc trong tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Trường hợp trong hợp đồng lao động thỏa thuận lương theo ngày thì tiền lương tính trong tháng bằng tiền lương theo ngày nhân với số ngày làm việc trong tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Trường hợp trong hợp đồng lao động thỏa thuận lương theo tuần thì tiền lương tính trong tháng bằng tiền lương theo tuần nhân với số tuần làm việc trong tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Để kiểm tra mức đóng BHXH, người tham gia có thể kiểm tra trên ứng dụng BHXH số - VssID.

PV: Từ ngày 1/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bắt đầu có hiệu lực với nhiều điểm mới quan trọng. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những thay đổi nổi bật?

Ông Văn Phú Quân: Từ ngày 1/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 chính thức có hiệu lực, mang đến nhiều thay đổi quan trọng nhằm tăng cơ hội hưởng lương hưu cho người lao động. Theo đó, điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu được giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm, giúp mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách an sinh dài hạn.

Luật cũng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để chờ đủ điều kiện nghỉ hưu thay vì lựa chọn nhận BHXH một lần, góp phần đảm bảo an sinh khi về già.

Đáng chú ý, hệ thống BHXH sẽ được xây dựng theo hướng đa tầng với việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội cho những người không đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Đồng thời, phạm vi đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cũng được mở rộng, bao gồm: chủ hộ của các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; lao động làm việc không trọn thời gian; người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã không hưởng lương.

PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.