Ngày 15/12, tại Đà Nẵng diễn ra hội thảo Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thành phố Đà Nẵng. Tham dự hội thảo có lãnh đạo bộ NN&PTNT, lãnh đạo Đà Nẵng và các địa phương trong cả nước cùng các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, địa phương đã tạo cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Mà cụ thể hơn là thông qua Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND nhằm ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Với những chính sách này, Đà Nẵng mong muốn sẽ thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới và đặc biệt là thông qua hội thảo này sẽ có ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu và quyết định đầu tư vào lĩnh vực này tại thành phố.
Bên cạnh đó, ông Minh thừa nhận đóng góp của nông nghiệp ở Đà Nẵng luôn ở mức thấp so với các ngành nghề còn lại. Tuy nhiên, mặc dù có được lợi thế nhất định để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập...
TS. Nguyễn Văn Hùng, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng nêu quan điểm, thời gian qua Đà Nẵng đạt được một số thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như trồng trọt, chăn nuôi,... Một số tồn tại cần giải quyết của địa phương khi ứng dụng công nghệ cao như vấn đề quy hoạch (xóa tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chưa xác định vùng sản xuất...), thực tế việc ứng dụng công nghệ cao mới chỉ dừng lại ở yếu tố như giống, vật nuôi... trong khi quá trình tự động hóa, công nghệ sinh học, quy trình tiên tiến để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng còn ít.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam thông tin rằng, hiện tại trong nền nông nghiệp của Việt Nam chỉ có khoảng 4.000 doanh nghiệp, chiếm chưa đến 1%, là rất ít. Theo ông Thiên cần lấy doanh nghiệp làm trụ để thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. "Đà Nẵng phải luôn chú trọng song hành cặp đôi “Du lịch đẳng cấp cao và nông nghiệp công nghệ cao...”, TS. Thiên nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo này, lãnh đạo ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng đã công bố 5 dự án kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Đó là các dự án trọng điểm trong lĩnh vực này của Đà Nẵng. Hiện tại, đa phần các vùng dự án đang trong quá trình quy hoạch, đất đai vẫn do người dân sử dụng. Đà Nẵng khẳng định sẽ tạo cơ chế tốt nhất để mời gọi nhà đầu tư.
Thứ nhất, dự án khu chăn nuôi và chế biến gia súc, gia cầm tập trung. Dự án được quy hoạch tại thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang với tổng diện tích 30ha, dự kiến có tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng (100% vốn nhà đầu tư).
Thứ 2, dự án sản xuất rau an toàn có 3 địa điểm, tổng vốn đầu tư dự kiến 110 tỷ đồng (100% vốn nhà đầu tư), gồm: Vùng rau Nam Thành, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang với diện tích 20ha; thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang với diện tích 35ha; thôn Đồng Lăng và Đồng Lâm, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang với tổng diện tích 22,1ha. Hiện tại, ở các khu vực này người dân vẫn đang trồng cây lâu năm.
Dự án tiếp theo là trồng cây dược liệu có 2 địa điểm với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng (100% vốn nhà đầu tư) tại huyện Hòa Vang và dự án sản xuất giống nấm và thương phẩm nấm ăn, nấm dược liệu thực hiện tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn với diện tích 3ha, tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng (100% vốn nhà đầu tư). Cả 2 dự án này đều đang được khởi động quy hoạch, trong đó, dự án trồng nấm chiếm ưu thế bởi hạ tầng cơ sở ở đây được phát triển tốt.
Và cuối cùng cũng như đáng chú ý hơn cả là dự án cảng cá Thọ Quang, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng trên diện tích 24ha mặt đất và 58ha mặt nước. Theo ban Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, dự án sẽ được kêu gọi thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Hiện tại ở cảng cá và khu vực lân cận đã có cơ sở vật chất tương đối bài bản như chợ hải sản, 11 xí nghiệp đóng tàu, 22 cơ sở sản xuất đá lạnh, 2 cây xăng...
Nội dung của dự án tập trung để xây dựng bến cảng hiện đại đạt chuẩn, kết nối với cảng Tiên Sa, phát triển hạ tầng phụ trợ bến cảng toàn diện, hợp tác tiêu thụ sản phẩm hải sản, nâng cao năng lực quản lý điều hành, giải quyết vấn đề môi trường…
Đặc biệt, dự án sẽ nâng cấp và mở rộng chợ thủy sản kết hợp chuỗi nhà hàng phục vụ du khách, du lịch. Với dự án này, Đà Nẵng kỳ vọng đây không đơn thuần chỉ là cảng cá mà còn kết hợp phát triển nhà hàng, du lịch. Dự án đi vào hoạt động sẽ là nơi du khách lui tới tham quan, tương tự các mô hình ở nhiều nước trên thế giới như Đài Loan, Nhật Bản…
Được biết, tại cảng cá Thọ Quang còn tồn tại một vấn đề là ô nhiễm môi trường. Trong những năm qua, người dân sinh sống ở quanh khu vực này nhiều lần phản ánh, yêu cầu cải thiện chất lượng môi trường nước, không khí... cảng.