Mảnh đất Tây Nguyên không chỉ gây ấn tượng với cao nguyên hùng vĩ, núi non bạt ngàn mà còn hấp dẫn du khách bởi những món đặc sản "độc, lạ". Trong số đó không thể không nhắc tới món sâu muồng.
Sâu muồng là loại sâu có ở cây muồng. Loài sâu này nhỏ, có lưng màu vàng, hai bên mình có sọc đen, mình trơn. Chúng di chuyển bằng cách cong thân mình lại và bắn về phía trước. Loài này rất háu ăn nên con nào con nấy thường mập mạp.
Cuối tháng 3 - đầu tháng 4, thời điểm mà Tây Nguyên nóng nhất, là lúc hàng ngàn con bướm vàng bay rợp những cánh rừng muồng để đẻ trứng. Chỉ vài ngày sau, chúng nở thành những con sâu bám vào dưới các lá cây để sống.
Với người Ê Đê, những người vốn rất gần gũi và am hiểu về thiên nhiên, từ lâu sâu muồng đã là một loại thực phẩm sạch mà thiên nhiên ban tặng. Vào mùa, chỉ cần rảo bước quanh những gốc muồng là có thể thu về những bao sâu to đầy sụ.
Theo Dân Việt, cách làm món sâu muồng rất đơn giản. Sâu bắt về, để chừng nửa buổi cho sâu tiêu hết phân trong ruột rồi rửa qua cho sạch, để ráo nước. Đợi cho chảo nóng già, phi hành mỡ cho thơm rồi cho sâu vào xào, đảo nhẹ tay để tránh sâu bị giập nát. Nêm một chút muối và bột ngọt cho vừa ăn. Nếu muốn, có thể rắc thêm một ít lá chanh thái chỉ và một vài lát ớt tươi.
Lần đầu được mời ăn món này, có người cứ e dè, đũa trên tay cứ ngại ngần, nhưng đánh bạo gắp một gắp thử xem, nếm xong đũa thứ nhất lại muốn gắp thêm đũa thứ hai, rồi đũa nữa …
Sâu muồng xào, ăn mềm và hơi dai, có vị bùi và ngọt rất đặc trưng. Có thêm vị thơm thơm của lá chanh, vị cay cay của ớt. Tất cả hòa quyện, thật khó có thể cưỡng lại vị ngọt ngon của món ăn này.
Ngoài món sâu muồng còn có món nhộng sâu muồng. Nhộng sâu muồng là do những con sâu già lột xác hóa thành, nằm im trong tán lá xanh. Nhộng có hình thoi, nhỏ hơn đầu đũa một chút, màu xanh như cốm non, nhìn thoáng qua trông như những hạt ngọc của chuỗi vòng ngọc thạch.
Chia sẻ với Tri thức & Cuộc sống, chị Mai (ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết: "Khi cây muồng ra lá non, những con sâu sẽ ăn lá muồng rồi lột thành nhộng. Trước đây bà con nhặt nhộng sâu muồng về chế biến món ăn. Những con sâu muồng nhả tơ cố định vào lá, chờ thành nhộng và không còn ngọ nguậy là ăn ngon, bổ nhất".
Chị Mai nói thêm, cây muồng được trồng để những cây tiêu bám vào, còn loài sâu này chỉ ăn lá muồng, không ăn lá tiêu nên người ta không phun thuốc, chờ đến lúc nó đóng kén rồi đem về ăn.
Từ nhộng sâu muồng có thể làm thành các món: chiên, xào, lăn bột, luộc... nhưng ngon nhất vẫn là nhộng rang mỡ. Nhộng sâu muồng rang chín có màu vàng ươm, thơm như châu chấu rang, vỏ ngoài giòn giòn, ăn ngậy, béo và bùi. Có người bảo nhộng sâu muồng ăn giống như nhộng tằm nhưng thơm hơn và không ngấy.
Bà con dân tộc Ê Đê, những cư dân lâu đời của vùng đất Tây Nguyên, bằng kinh nghiệm sống của mình cho biết, món sâu muồng, nhộng muồng không chỉ ngon miệng mà còn có khả năng phòng chống bệnh sốt rét. Còn với cánh mày râu thì đây vừa là món nhậu khoái khẩu vừa như vị thuốc bổ thận tráng dương. Bởi vậy, sâu muồng, nhộng sâu muồng vốn chỉ là món ăn dân dã của người Ê Đê, ít ai biết đến, bây giờ trở thành đặc sản của đất Tây Nguyên, được nhiều người ưa chuộng.
Được biết, để bắt được sâu muồng, người dân phải đi từ sáng sớm, vạch những tán lá phía dưới gốc muồng hoặc trèo lên cây cao để bắt sâu muồng. Sâu muồng giờ đây cũng ít hơn xưa, nếu chịu khó, mỗi ngày một người chỉ bắt được 1-2 kg thành phẩm. Sau khi bắt về, sâu muồng được thương lái và các nhà hàng thu mua tận nơi.
"Nhộng sâu muồng bây giờ cũng hiếm hơn nhưng rất nhiều người hỏi mua nên giá cả vì thế mà tăng cao. Có thời điểm 1kg sâu muồng được bán với giá lên tới 200.000 đồng. Bạn bè tôi ở ngoài Bắc nhờ mua hộ nhưng loài này nếu để lâu sẽ chết, mất ngon nên thường phải luộc sơ qua, đóng đá rồi bảo quản thùng xốp sau đó mới gửi xe", anh Ngọc (ở Đắk Lắk) chia sẻ.
Theo người dân địa phương, nhộng sâu muồng rất ngon và bổ nhưng không phải ai cũng có thể ăn được vì một số người ăn không quen sẽ bị dị ứng, nổi mề đay. Vì vậy, trước khi ăn phải nếm thử 1-2 con, nếu không thấy hiện tượng lạ mới tiếp tục sử dụng nhộng sâu muồng làm thức ăn.
Minh Hoa (t/h)