Đại án Vạn Thịnh Phát: Những khúc mắc đang chờ tòa phúc thẩm phán quyết

Võ Công Thư

Võ Công Thư

Thứ 2, 02/12/2024 18:43

Ngày mai (3/12), TAND Cấp cao tại Tp.HCM sẽ tuyên án đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan (giai đoạn 1).

Đại án Vạn Thịnh Phát: Những khúc mắc đang chờ tòa phúc thẩm phán quyết- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan khẩn thiết xin HĐXX không tuyên án tử hình đối với mình.

Trước đó, cấp tòa này đưa 48 bị cáo có kháng cáo, trong đó có Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát); Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan), Trương Huệ Vân (cháu bị cáo Lan)…ra xét xử phúc thẩm. 

Tại tòa, tất cả các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt mới với hy vọng được giảm án.

Ngoài ra, nhiều cá nhân, tổ chức được xác định vai trò là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng có kháng cáo. Nhiều pháp nhân xác nhận đã nhận từ Trương Mỹ Lan hàng ngàn tỷ đồng và cam kết trả lại với nhiều điều kiện kèm theo.

Tranh cãi về số liệu cáo buộc hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan

Đáng chú ý, bị cáo Trương Mỹ Lan không còn kêu oan nữa, mà cho biết "đã thay đổi nhận thức". Tuy nhiên, bị cáo Lan xin HĐXX xem xét lại số liệu cáo buộc về tội Tham ô tài sản và thiệt hại trong vụ án. Đồng thời, bị cáo cam kết bằng mọi cách bồi thường toàn bộ thiệt hại của vụ án, với mong muốn được hưởng sự khoan hồng, không bị án tử hình.

Cụ thể, trong quá trình diễn ra phiên tòa, bản thân bị cáo Trương Mỹ Lan và luật sư bào chữa cho bị cáo này đã yêu cầu SCB cung cấp số liệu và các tài liệu liên quan đến khoản nợ cũ của SCB trước thời điểm hợp nhất; dư nợ gốc và lãi đến thời điểm 31/12/2017; dư nợ gốc và lãi từ 1/1/2018 đến 7/10/2022 là thời điểm khởi tố vụ án.

Đại diện VKS cũng đề nghị SCB cung cấp các số liệu nêu trên bằng văn bản, kèm với việc bóc tách trong tổng số dư nợ từng giai đoạn nêu trên, xem có bao nhiêu tiền là vay để đảo nợ, bao nhiêu tiền do bị cáo Lan rút ra khỏi SCB.

Tuy nhiên, với những yêu cầu này, SCB từ chối cung cấp, với lý do mình là bị hại và các thiệt hại đã được cơ quan tố tụng chứng minh, thể hiện trong quá trình điều tra và ghi nhận tại bản án sơ thẩm.

Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, vì SCB cung cấp các số liệu mập mờ trong quá trình điều tra, khiến việc quy kết hành vi của bị cáo chưa rõ ràng.

Đại diện VKS cũng cho rằng, việc SCB không cung cấp tài liệu khi được yêu cầu là đang hiểu sai vấn đề và tự từ bỏ quyền lợi chính đáng của mình.

Lý do VKS đề nghị giữ nguyên mức án tử hình đối với Trương Mỹ Lan

Trong quá trình diễn ra phiên tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan tỏ ra thành khẩn khai báo, đưa ra nhiều phương án để khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án.

Bị cáo Lan nói tự nguyện dùng cả những tài sản không bị kê biên đưa vào để khắc phục hậu quả. Cạnh đó, bị cáo này cũng đề nghị tòa phúc thẩm giải tỏa kê biên nhiều tài sản có giá trị vì cho rằng, những tài sản này được hình thành trước thời điểm xảy ra vụ án, hoặc tài sản không liên quan gì đến tiền của SCB.

Đại án Vạn Thịnh Phát: Những khúc mắc đang chờ tòa phúc thẩm phán quyết- Ảnh 3.

Đại diện VKSND Cấp cao thực hành quyền công tố tại tòa.

Luật sư của bị cáo Trương Mỹ Lan nêu nhiều lý do và cả lợi ích khi không tử hình bị cáo Lan. Đồng thời, nhóm luật sư của bị cáo Lan cho biết, hiện thân chủ của họ đã ý thức được hành vi phạm tội, có thái độ thành khẩn và chủ động, tìm nhiều cách để khắc phục hậu quả vụ án.

Tuy nhiên, đại diện VKS vẫn đề nghị giữ nguyên án phạt tử hình đối với bị cáo Lan về các tội Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Đưa hối lộ.

Theo VKS, bị cáo Trương Mỹ Lan nắm giữ 91,5% cổ phần và là người điều hành, chỉ đạo toàn diện tại SCB. Bị cáo là người tự bố trí các nhân sự chủ chốt và chỉ đạo các nhân sự này giúp sức trong việc rút tiền từ SCB để sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thiệt hại cho SCB, không có khả năng thu hồi.

Bị cáo Trương Mỹ Lan đã cùng lúc thực hiện nhiều hành vi phạm tội, trong một thời gian dài mà chính sách pháp luật có nhiều thay đổi. Việc truy tố bị cáo Lan tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (xảy ra trước ngày 1/1/2018) và tội Tham ô tài sản (xảy ra sau ngày 1/1/2018) là phù hợp, đúng quy định pháp luật.

Cũng theo VKS, trong số 1.284 khoản vay tại SCB của nhóm bị cáo Lan, ngoài việc vay để đảo nợ thì bị cáo đã dùng một số tiền lớn vào mục đích cá nhân, như: Trả nợ cho bạn bè, tiền mua lại các dự án, chi phí cho hoạt động của SCB… Việc đảo nợ thực chất là để rút tiền ra khỏi SCB nên hành vi phạm tội của bị cáo được cấu thành từ lúc tiền ra khỏi SCB.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã kê biên 1.169 tài sản liên quan đến bị cáo Lan. Trong số này, chỉ có 60 tài sản được xác định hình thành trước thời điểm năm 2012 (là thời điểm Trương Mỹ Lan chưa nhận tái cơ cấu SCB). Từ đó cho thấy, có đến 84% tài sản được hình thành sau năm 2012. Thời điểm hình thành các tài sản này trùng với thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.

Cũng theo VKS, căn cứ điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS quy định người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản mà chủ động nộp lại 3/4 tài sản đã tham ô, chủ động hợp tác, hoặc lập công lớn sẽ không bị tử hình.

Trong vụ án này, bị cáo Lan bị quy kết tham ô 304.000 tỷ đồng (nợ gốc), nếu tính theo tỉ lệ 3/4 thì bị cáo phải giao nộp 280.000 tỷ đồng thì mới có cơ sở đề nghị giảm mức án tử hình. Tại thời điểm xét xử, toàn bộ việc khắc phục hậu quả của bị cáo Lan mới chỉ là phương án, chưa có con số cụ thể.

"Vì vậy việc xem xét sẽ phụ thuộc trong giai đoạn thi hành án như hợp tác tích cực SCB, cơ quan thi hành án và các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan để làm sao xử lý tài sản nhanh nhất, nhằm khắc phục hậu quả vụ án, từ đó mới có căn cứ xem xét", đại diện VKS nói và cho biết thêm, rằng đây là nhận định của VKS, còn lại sẽ do HĐXX quyết định.

VKS cũng ghi nhận sự chuyển biến trong nhận thức và thừa nhận hành vi phạm tội của bị cáo Lan, tuy nhiên, do hậu quả bị cáo gây ra là đặc biệt lớn, số tiền tham ô lớn, chưa từng có trong lịch sử tố tụng Việt Nam và không biết đến bao giờ mới khắc phục được. 

Do đó, đại diện VKS cho rằng cần có mức phạt thật nghiêm khắc đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, đề nghị giữ nguyên mức án tử hình đối với bị cáo này.

Bị cáo Chu Lập Cơ xin tòa khoan hồng cho vợ

Nói lời sau cùng, bị cáo Lan mong HĐXX khách quan, công tâm, tạo điều kiện để bị cáo trả được nợ cho Nhà nước, cho người dân trong vụ trái phiếu. Sau quá trình thi hành án mà còn dư tiền, bị cáo Lan mong tòa ghi nhận cho bị cáo dùng số tiền còn dư của vụ án để xây dựng trường học và nhà ở xã hội.

Cuối cùng, bị cáo Trương Mỹ Lan mong tòa giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo trong vụ án, đặc biệt là bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan); cháu ruột Trương Huệ Vân và bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước).

Đại án Vạn Thịnh Phát: Những khúc mắc đang chờ tòa phúc thẩm phán quyết- Ảnh 4.

Bị cáo Chu Lập Cơ mong tòa khoan hồng cho vợ.

Chồng bị cáo Lan là bị cáo Chu Lập Cơ khi nói lời sau cùng cũng "nói tốt" về vợ. Theo bị cáo Cơ, bị cáo Trương Mỹ Lan nhận lời tái cơ cấu SCB và vì nhiều lý do đã rơi vào hoàn cảnh như ngày hôm nay. Từ đó, bị cáo Chu Lập Cơ mong tòa ghi nhận các tình tiết, ghi nhận công sức, sự thiện nguyện của vợ mình đối với cộng đồng để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Lan.

VKS đề nghị không giao tài sản của Trương Mỹ Lan cho bị hại xử lý

Trong vụ đại án này, SCB được xác định là bị hại và có kháng cáo về phần dân sự. Cụ thể, đại diện SCB yêu cầu Công ty Tuần Châu hoàn trả hơn 6.000 tỷ đồng; yêu cầu Công ty Thành Hiếu hoàn trả các khoản vay có tổng giá trị 1.200 tỷ đồng; giao cho SCB quản lý dự án 6A Bình Chánh; giao cho SCB quản lý 1.121 mã tài sản.

Với kháng cáo yêu cầu giao dự án 6A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho SCB, đại diện VKS cho rằng, dự án 6A không bị kê biên trong vụ án này và không là tài sản bảo đảm cho bất cứ khoản vay nào tại SCB. Hiện, dự án 6A không bị kê biên nên việc bị cáo Lan tự nguyện giao dự án 6A cho cơ quan thi hành án cần được ghi nhận.

Cũng theo VKS, bị cáo Trương Mỹ Lan có đề nghị không giao tài sản đang bị kê biên cho SCB xử lý, vì SCB không có kinh nghiệm xử lý tài sản và sẽ gây thiệt hại cho Nhà nước. VKS xét thấy, đây là bản án hình sự nên phải áp dụng theo Luật Thi hành án hình sự và Luật Thi hành án dân sự.

Do đó, không thể giao cho SCB quản lý để xử lý tài sản, mà cần có cơ quan có thẩm quyền xử lý, đặt dưới sự kiểm sát chặt chẽ của VKSND TP.HCM và VKSND Tối cao.


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.