Đại gia đình 3 đời bám biển, giữ ngư trường Hoàng Sa

Đại gia đình 3 đời bám biển, giữ ngư trường Hoàng Sa

Thứ 5, 13/06/2013 20:07

Đã qua 3 đời, đại gia đình cụ Trương Văn Trọng đều lấy nghề đánh cá ngoài biển khơi làm cuộc mưu sinh.

Giờ đây, cụ tự hào vì 9 người con trai đều là thuyền trưởng của gần chục chiếc thuyền có công suất bậc nhất TP. Đà Nẵng. Nhưng niềm vui lớn nhất của cụ là những người con này đã kế tiếp giữ vững ngư trường truyền thống Hoàng Sa của cha ông.

Trăm năm đạp sóng ra khơi

Căn nhà nhỏ của vợ chồng cụ Trương Văn Trọng nằm sâu trong con hẻm ở phường Xuân Hà (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng). Dù đã ở tuổi ngoài 80 nhưng trông cụ còn rất tinh tường, cơ thể còn hằn những đường cơ bắp của một đời trai trẻ "vật lộn với sóng biển". Đã hơn 20 năm "nghỉ hưu" nhưng cụ vẫn nhớ như in những chuyến mưu sinh ngoài biển lớn. Cụ hồi tưởng: "Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề biển, 13 tuổi tôi đã theo ba mẹ xuống ghe thuyền để phụ giúp những công việc trên biển và lớn dần lên cùng với sóng nước đại dương".

Miền trung - Đại gia đình 3 đời bám biển, giữ ngư trường Hoàng Sa

Những đứa con trai của cụ Trọng luôn khắc ghi nhớ lời cha "Quyết giữ vững ngư trường Hoàng Sa của cha ông".

Nhắc đến bố mình, cụ Trọng vẫn chưa quên giây phút sinh tử của bố và người chú ruột của mình. Cụ Trọng chia sẻ: "Ngày đó, trước chuyến đi, như có linh tính báo trước, mẹ tôi đã khuyên ngăn bố tôi không nên ra khơi. Nhưng bố tôi bỏ ngoài tai lời mẹ, cùng chú ruột dong buồm đi. Bố tôi và chú cất được mẻ lưới đầu tiên thì trời bắt đầu nổi gió, sóng gầm lên những làn bọt trắng xóa. Bố tôi và chú ra sức chống đỡ nhưng "thần biển" quá hung dữ  nên hai người đã... mãi mãi chìm dưới đáy biển khơi". Nói tới đây giọng cụ nấc nghẹn.

Rồi cụ Trọng kể tiếp: "Nhưng tui vẫn quả quyết không thể bỏ nghề của cha ông. Năm 20 tuổi, tui vay mượn khắp nơi rồi đóng được một con thuyền vài chục CV (mã lực - PV), đủ để vượt sóng ra ngư trường Hoàng Sa truyền thống".  Với sức trai trẻ, nhanh nhẹ và thừa hưởng những kinh nghiệm của cha ông đi trước, nên mỗi chuyến ra khơi thuyền luôn đầy ắp cá. Chẳng mấy chốc mà số tiền cụ Trọng vay mượn đóng tiền được trả hết, dần dà có miếng cơm bát gạo cho 4 mẹ con sống qua thời kỳ đói khổ.

 Cụ Trọng tâm sự: "Năm 1977, trong một chuyến ra khơi cuối cùng của năm. Tôi đang đánh bắt cá ngoài ngư trường Hoàng Sa thì bị nhóm người vượt biên nhảy lên tàu uy hiếp, rồi chúng đuổi bọn tui xuống cái ghe nhỏ của chúng. Khi đó trên thuyền có vài ba người, chúng tui đành chịu mất thuyền để giữ tính mạng cho anh em. Dù khánh kiệt nhưng tui vẫn tỉnh táo để xoay xở vay mượn tiền đóng chiếc tàu mới".

Thấm thoắt cũng đã hơn 60 năm cuộc đời "vật lộn" ngoài biển cả, cụ Trọng vẫn không quên được những chặng đường đã qua. Cụ kể,  có những khi phải đối mặt với phút sinh tử cùng với bão táp, mưa giông, nhưng cụ không bao giờ có ý định bỏ nghề, đối với cụ, bỏ nghề biển là có tội với tổ tiên, với đất nước. "Tôi luôn căn dặn các con của mình là không bao giờ được bỏ nghề, bỏ ngư trường truyền thống", cụ Trọng chia sẻ.

Miền trung - Đại gia đình 3 đời bám biển, giữ ngư trường Hoàng Sa (Hình 2).

Cụ Trương Văn Trọng cả một đời đạp sóng ra biển khơi.

Hào hùng tiếp bước ông, cha...

Dòng máu nghề biển đã chảy mãi trong tim qua bao thế hệ đại gia đình cụ Trương Văn Trọng. Dù tuổi cao, sức khỏe không cho phép ra khơi như thời trai trẻ, nhưng chiều nào cụ cũng đi bộ ra bờ biển để hưởng những ngọn gió thổi từ biển vào và ngắm ngía những chiếc thuyền đang neo đậu. Con cháu cụ cho biết: "Cụ thèm ra biển lắm. Mỗi lần ngỏ ý muốn ra biển thì con cháu lại ngăn, ở nhà vui cùng con cháu, già rồi ra ngoài đó, có chuyện chi lại khổ chúng con". Gia đình cụ có 10 người con thì có 9 đứa theo nghề bố. Cụ cười hiền rồi nói: "Lúc 27 tuổi tôi gặp bà Nguyễn Thị Ngói (nay 76 tuổi), bà cũng người làng biển nên sáng nào cũng theo mẹ ra bờ biển bán cá. Qua nhiều lần gặp gỡ, tìm hiểu, chúng tôi nên duyên vợ chồng".

Nhấp ngụm nước trà đặc sánh, cụ kể tiếp: "Hồi đó, dù có một chiếc tàu cá nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu, lại đông con nên nghèo khó lắm. Thằng con đầu cũng giống tui hồi nhỏ. 13 tuổi cũng đã theo chân bố xuống thuyền. Anh em cứ nối tiếp nhau, cứ độ tuổi 13, 14 lại xuống tàu làm nghề biển".  Được cụ Trọng giới thiệu, chúng tôi tìm đến ngư trường Thọ Quang (TP. Đà Nẵng) tìm gặp anh Trương Văn Hay, con trai thứ năm của cụ để chiêm ngưỡng con tàu "lực lưỡng" lớn nhất nhì TP. Đà Nẵng. Nét mặt vui vẻ, dáng bệ vệ của một thuyền trưởng, anh Hay khoe: "Con tàu này anh đóng  năm 2002 hết 1,2 tỷ với công suất 390 CV. Thời điểm đó đây con tàu lớn nhất ngư trường Thọ Quang". 

Anh tâm sự: "Thời còn nhỏ, thấy mấy anh trai lớn đều được bố cho ra biển, mình cũng "thèm" lắm. Lớn lên chút nữa, mình luôn ấp ủ mình sẽ theo nghề biển như bố và các anh. Năm 15 tuổi mình đã theo cha đi biển. Năm 22 tuổi, với sự nhanh nhẹn của bản thân, cộng với khả năng "đọc tình huống" mình được  tín nhiệm chỉ huy một thuyền lớn, ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt". Vài năm sau được sự giúp đỡ của gia đình, anh đã đóng chiếc tàu lớn cho riêng mình, rồi nâng cấp từ 60 CV, 190 CV, 390 CV. Trước năm 2006, anh có trong tay 3 con thuyền lớn có công suất từ 300 CV trở lên, nhưng sau trận bão Chanchu và Xangsane (2006), anh thua lỗ nặng, đành phải bán 2 chiếc thuyền nhỏ hơn để cải hoán và sửa chữa cho chiếc tàu bây giờ.

Quả cảm và nhân hậu

Đưa mắt nhìn về phía bên kia ngư trường, anh Hay chỉ cho chúng tôi biết "Con tàu biển số ĐNg 09304 là của em trai Trương Văn Minh, ĐNg 09328 là của anh thứ Trương Văn Tình. Gia đình chúng tôi bây giờ có gần chục chiếc tàu cỡ lớn, vừa làm chủ vừa làm thuyền trưởng. Cứ lần lượt những người anh đi trước góp vốn giúp những đứa em sau đóng tàu và chia sẻ, giúp đỡ nhau ngoài biển khơi. Những lúc gặp luồng cá, trúng lớn hay khi gặp nạn, hết dầu, thực phẩm... anh em đều có nhau. Tình đoàn kết giúp đỡ nhau không chỉ anh em ruột thịt mà tinh thần cứu hộ, cứu nạn còn được ghi nhận qua những lần các thuyền viên khác gặp nạn. Đơn cử, năm 2011, khi nhận được cuộc gọi cứu hộ từ Bộ đội biên phòng Đà Nẵng có một tàu lớn của ngư dân bị chết máy đang trôi dạt trên biển. Dù cách xa hàng trăm hải lý, anh Hay vẫn cho tàu quay lại, vất vả suốt 2 ngày đêm để kéo tàu vào bờ. Năm 1999, tàu của anh Trương Văn Kinh đã cứu sống được 6 ngư dân của tỉnh Quảng Bình khi tàu họ bị sóng nhấn chìm...

Quyết giữ vững ngư trường truyền thống

Cụ Trương Văn Trọng luôn căn dặn những đứa con yêu quý của mình: "Dù biết "biển giả" (theo cách hiểu của cụ Trọng là sự chông chênh của nghề biển) nhưng kiên quyết phải bám biển, không được bỏ nghề, không nản trước bão tố... phải luôn giữ vững ngư trường truyền thống Hoàng Sa của cha ông". Đó vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm của mỗi ngư dân cả đời bám biển như gia đình ông.

HỒNG SƠN

> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.