“Đại học” và “trường đại học”: Góc nhìn của các chuyên gia

“Đại học” và “trường đại học”: Góc nhìn của các chuyên gia

Vũ Thị Thủy Tiên

Vũ Thị Thủy Tiên

Chủ nhật, 29/09/2019 06:20

Những ngày qua, dư luận đang đặc biệt quan tâm và không ít băn khoăn với ý nghĩa của “đại học” với “trường đại học”. Trước những băn khoăn ấy, các chuyên gia giáo dục và ngôn ngữ đã bày tỏ những góc nhìn riêng về hai thuật ngữ này.

Trao đổi về hai thuật ngữ “đại học” và “trường đại học”, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký hội Ngôn ngữ học Việt Nam đánh giá: “Về mặt ngôn ngữ thì “đại học” và “trường đại học” không có khác biệt. Tuy nhiên, bộ GD&ĐT hiện tại đang có sự phân biệt “trường đại học” và một bậc cao hơn là “đại học vùng”, chẳng hạn, đại học Quốc gia Hà Nội, đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, đại học Vinh, đại học Huế, đại học Đà Nẵng… với nhiều trường đại học thành phần. Tức là “đại học” bao gồm nhiều “trường đại học” trực thuộc Bộ. Điều này cũng đang khiến giới khoa học băn khoăn”.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, khái niệm này theo xu hướng chung, hiện nay, ở Việt Nam đang có hai cấp, trường đại học và đại học cấp to, lớn hơn (đại học vùng).

“Nếu gọi là trường đại học Quốc gia Hà Nội thì không đúng, mà là đại học Quốc gia Hà Nội bao hàm các trường đại học nằm trong đó. Sắp tới, có thể sẽ có thêm đại học Khoa học Sức khỏe như lời Bộ trưởng bộ Y tế đề xuất, bao gồm các trường về y, dược, kỹ thuật,… liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”, ông dẫn chứng thêm.

Giáo dục - “Đại học” và “trường đại học”: Góc nhìn của các chuyên gia

PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, các thuật ngữ này cũng đang khiến giới khoa học băn khoăn.

Tổng Thư ký hội Ngôn ngữ học Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Tuy nhiên, cách gọi tên sao cho đúng và dễ hiểu, có lẽ, cần có một diễn đàn để bộ GD&ĐT cùng các chuyên gia ngôn ngữ luận bàn, chứ nếu giữ như hiện nay, dịch sang tiếng Anh cứ “University” với “University” thì dễ gây lẫn lộn.

Nếu như đại học Quốc gia Hà Nội đã là một “University” thì bên dưới không thể có các “University” được, phải là các “College”, “Institute” hay “School” nằm bên trong”.

Về vấn đề này, GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT nhận định: “Chính việc sử dụng các thuật ngữ “đại học” và “trường đại học” như hiện nay là gây khó hiểu!

Không ai dùng từ “đại học” để dành riêng cho loại trường nào cả. Chẳng hạn, người ta vẫn gọi là đại học Bách khoa Hà Nội, chẳng mấy khi gọi là trường đại học Bách khoa Hà Nội. Vì vậy, nếu dùng từ “đại học” để chỉ một loại hình thì không nên, dễ gây nhầm lẫn”.

“Tuy nhiên, trước đây, khi chúng tôi đề xuất về vấn đề này, không dùng từ “đại học” để chỉ một loại hình thì lại không được nhất trí. Trước kia, loại hình trường mà hiện nay gọi là “đại học” được gọi là “viện đại học”. Đó là cách gọi được thừa hưởng dòng chảy lịch sử từ thời viện đại học Đông Dương, là một đại học đa lĩnh vực. Hồi đó, có cả viện đại học Sài Gòn, viện đại học Huế…

Chúng tôi cũng đề nghị dùng từ “viện đại học”, vì nếu chỉ dùng “đại học” không thì không rõ nghĩa.

Từ “đại học” hiện nay chủ yếu thể hiện một trường đại học đa lĩnh vực, tức là đào tạo rất nhiều lĩnh vực, đa lĩnh vực chứ không phải đa ngành (lĩnh vực rộng hơn ngành). Như trường đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học đa ngành, vì có nhiều ngành: kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật máy tính, điện,… nhưng lại không phải là đa lĩnh vực. Còn như đại học Quốc gia Hà Nội là đại học đa lĩnh vực, vừa có khoa học tự nhiên vừa có khoa học xã hội…”, GS. Lâm Quang Thiệp phân tích.

Giáo dục - “Đại học” và “trường đại học”: Góc nhìn của các chuyên gia (Hình 2).

GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT cho rằng các thuật ngữ gây khó hiểu.

Ông cũng chỉ ra: “Thực tế, từ “đại học” hiện nay đang được dùng như “University” trong tiếng Anh, tuy nhiên, theo cách dùng hiện nay thì các “trường đại học” thành viên cũng là “University”, mục đích là để cho “oai”, ngay cả một ngành nhỏ cũng không muốn dịch thành “College” mà thôi. Nhà nước thì không quy định rõ ràng phải dịch ra sao.

Hiện nay, nếu sử dụng hai thuật ngữ này, đại học Quốc gia Hà Nội cũng là “University” mà một trường đại học “con” trong đó, ví dụ như đại học Công nghệ cũng là “University”. Như vậy, khi dịch, nước ngoài họ không hiểu nổi, tại sao trong một “University” lại có một “University”? Đó là một sự hỗn loạn! Những người không làm trong lĩnh vực giáo dục rất khó hiểu”.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, GS.TS Nguyễn Văn Lợi, nguyên Phó Viện trưởng viện Ngôn ngữ học cho rằng: “Trước hết, “đại học” là một cấp học, khi đó, bất kỳ cơ sở giáo dục đào tạo nào không phải phổ thông (trừ trung cấp, cao đẳng) là bậc đại học. Còn trường đại học là chỉ một đơn vị đào tạo bậc đại học cụ thể. Trong truyền thống của chúng ta, hiện nay vẫn có sự lẫn lộn trong việc dịch các đơn vị đào tạo”.

Ông cho biết: “Hiện nay, cách hiểu chung nhất là: “đại học” là cấp cao hơn, bao hàm các “trường đại học”. “Đại học” là thuật ngữ được bộ GD&ĐT hiểu với nội hàm như vậy. Tất nhiên, đây là những từ mang tính chất thuật ngữ, không phải từ phổ thông nên phải hiểu với cách hiểu khoa học, không thể hiểu dưới góc độ phổ thông, cảm tính.

Chẳng hạn, trước đây, tôi làm việc ở viện Ngôn ngữ học, thuộc viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Nghe ra, nhiều người thắc mắc một “Viện con” nằm trong “Viện to”, nhưng để hiểu được thì phải nắm được bản chất”.

Theo PGS.TS Mai Xuân Huy, Phó Viện trưởng viện Ngôn ngữ học, đây là những thuật ngữ chuyên môn của hệ thống giáo dục. Thông thường, “đại học” hay “trường đại học” đều là trường cho một bậc học; nhưng tên các “đại học” có “trường” hay ko là do quyết định thành lập. Vì vậy, để hiểu rõ hơn, cần lắng nghe sự phân tích từ phía vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT.

Theo phân tích của trang Education in Ireland Vietnam, thì các thuật ngữ trên được giới thiệu như sau:

“University College”: Giảng dạy bậc đại học trở lên, là trường đại học đa ngành (trong đó có các “School”, “College”…) giảng dạy nhiều lĩnh vực khác nhau.

“University”: Là một tổ chức giáo dục đại học có các trường đại học thành viên. Trong lịch sử và cho đến nay ở một vài trường hợp, một “University” cấp bằng cho các sinh viên tốt nghiệp các đại học thành viên của mình.

“College”: Có thể là một cơ sở giảng dạy đại học độc lập hoặc là thành viên của một tổ chức giáo dục đại học; cung cấp các chương trình đào tạo bậc đại học hoặc chương trình sau phổ thông 2 năm (cao đẳng). Ở hệ thống của Hoa Kỳ, “College” là các trường đại học quy mô nhỏ hoặc đại học cộng đồng. Ở Ireland, trước đây các “College” chỉ cung cấp chương trình đào tạo bậc đại học, về bằng cấp, “College” sẽ cấp bằng của “University” mà mình là thành viên. Có một số trường phổ thông tư thục vẫn giữ tên gọi là “College” từ trong lịch sử.

“Institute of Technology” (IoT - học viện công nghệ) là cơ sở đào tạo từ bậc đại học trở lên trong các lĩnh vực ứng dụng, kỹ thuật hoặc công nghệ. Trong khi các “University” là các cơ sở giáo dục thiên về lý thuyết, và trọng tâm là nghiên cứu lý thuyết thì các IoT có trọng tâm đào tạo ứng dụng. Ngày nay, sự khác biệt này cũng không còn quá lớn. Một số nước gọi IoT là các “Technical University”, “University of Technology”, hay “Polytechnic University”. Hiện nay, ở Ireland, một số IoT còn đào tạo cả lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn.

Chính vì vậy, không thể chỉ nhìn vào tên gọi của trường, mà cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về bậc học mà trường giảng dạy.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.