Để nuôi dê nhốt chuồng thành công
Trong những năm qua, không ít hộ dân trên địa bàn xã Ea Kpam (huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) đã vươn lên làm giàu nhờ vào việc chăn nuôi dê. Đây được coi là một mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình.
Là một trong những hộ dân tiên phong trong việc phát triển chăn nuôi dê nhốt chuồng tại địa bàn xã Ea Kpam, anh Nguyễn Trung Hiếu (SN 1984, trú tại thôn 1, xã Ea Kpam) cho biết, việc chăn nuôi dê là một cái duyên bất ngờ đến với anh và gia đình.
Trước đây, anh đã từng thử chăn nuôi nhiều con vật khác nhưng không thấy con nào phù hợp với mình. Đến năm 2016, anh vay mượn số tiền 50 triệu đồng từ người thân để bắt tay làm quen với mô hình nuôi dê nhốt chuồng với số lượng 20 con.
Quá trình chăn nuôi, anh nhận thấy tình hình tăng trọng của mỗi con dễ khá nhanh, chỉ cần nuôi khoảng 6 đến 8 tháng là có thể xuất chuồng và giá thành khá ổn định, trung bình từ 100-120.000 đồng/kg, khả năng thu hồi vốn nhanh.
Bên cạnh đó, việc chăn nuôi dê nhốt chuồng cũng khá thuận lợi, nguồn thức ăn thô xanh khá dồi dào và các phụ phẩm nông nghiệp khá nhiều. Mặt khác, vốn đầu tư con giống không quá nhiều. Chính vì vậy, năm 2018, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư làm chuồng trại và mua con giống nhằm mở rộng quy mô đàn dê lên 250 con để thực hiện ước mơ làm giàu.
Quá trình chăn nuôi dê, anh Hiếu không ngừng tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, qua sách báo, thông tin từ mạng Internet, thậm chí học hỏi từ các cán bộ thú y của xã, huyện nên đàn dê của gia đình anh phát triển nhanh.
Nhờ vậy, anh đã từng bước khắc phục được những khó khăn, rủi ro, đặc biệt có thể tự "chẩn đoán" bệnh và cứu chữa cho dê. Đến nay, trang trại chăn nuôi dê của anh Hiếu luôn duy trì số lượng 300 con. Anh dự định, sắp tới sẽ mở rộng trang trại chăn nuôi lên đến từ 800-1.000 con dê.
Nói về cách thức nuôi dê nhốt chuồng, anh Hiếu chia sẻ, anh thường tìm đến các hộ dân để mua dê con từ 3-5 tháng tuổi mang về nuôi nhốt chuồng để vỗ béo. Thức ăn cho dê chủ yếu là cỏ voi, các loại rau, củ, quả, phụ phẩm nông nghiệp, cám công nghiệp... Sau 80 ngày nuôi nhốt chuồng, anh bắt đầu giảm, cắt cám và tăng thức ăn thô xanh đến khi xuất chuồng.
Sau khi nuôi được từ 90-105 ngày, anh Hiếu bắt đầu xuất bán theo hình thức bắn tỉa thả bù (chọn những con to bán trước, để con nhỏ lại nuôi thêm) và nhập thêm dê con về nuôi. Nhờ vậy, mỗi tháng, gia đình anh có lượng hàng xuất bán đều đặn, với số lượng khoảng 30 con dê, nặng hơn 1 tấn, thu lợi nhuận hơn 10 triệu đồng.
Từ chăn nuôi dê nhốt chuồng đã giúp gia đình anh Hiếu có nguồn thu nhập ổn định, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hàng năm, gia đình anh còn thu được số tiền từ 100-120 triệu đồng từ việc bán phân dê.
Ngoài ra, anh còn liên kết để giết mổ dê, bán cho các nhà hàng tiệc cưới, thậm chí chế biến các món ăn từ dê để bán cho người tiêu dùng tại địa phương. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, anh cũng không ngừng chú trọng, quan tâm đến chất lượng sản phẩm dê. Năm 2022, sản phẩm thịt dê của gia đình anh đã được huyện Cư Mgar cấp chứng nhận OCOP 3 sao.
"Với nguồn thu nhập từ việc chăn nuôi dê đã giúp kinh tế gia đình tôi cải thiện đáng kể. Trước đây, cả gia đình không có nhà cửa, phải đi ở nhờ. Thế nhưng, đến nay, sau 8 năm gắn bó với con dê, gia đình tôi đã có điều kiện mua đất, làm nhà cửa khang trang. Đồng thời, mua được gần 1ha đất nông nghiệp để phục vụ chăn nuôi dê", anh Hiếu chia sẻ.
Thời gian qua, không ít người dân trên địa bàn đã đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi dê nhốt chuồng và mua con giống tại trang trại của gia đình anh Hiếu. Theo đó, anh sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi dê miễn phí cho những người dân có nhu cầu.
Để nuôi dê nhốt chuồng thành công, theo anh Hiếu, người chăn nuôi cần phải có tâm huyết. Đồng thời, cần quan sát tốt để điều trị bệnh kịp thời cho dê nhằm hạn chế rủi ro trong chăn nuôi. Mặt khác, người chăn nuôi cần tận dụng các khoảng đất trống để trồng cỏ voi, tận dụng các loại lá cây trên các rẫy nương của người dân trên địa bàn để đảm bảo nguồn thức ăn cho dê.
Thoát nghèo nhờ chăn nuôi dê
Không riêng gì gia đình anh Hiếu, nhiều hộ dân khác ở xã Ea Kpam cũng đã thành công nhờ vào mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Ông Lê Đình Nam (SN 1967, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, kiêm Phó Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Ea Kpam) cho hay, từ năm 2015, gia đình ông bắt đầu nuôi dê sinh sản. Đến nay, đàn dê của gia đình ông thường xuyên duy trì số lượng 20 con, trong đó có hơn 10 con dê mẹ.
Nhờ vậy, mỗi năm gia đình ông thu được lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng từ tiền bán dê thịt và dê giống. Bên cạnh đó, gia đình ông còn thu lợi hơn 30 triệu đồng mỗi năm từ việc bán phân dê.
Ông Nam cho hay: "Trước đây, gia đình tôi có 8 sào đất rẫy nhưng việc canh tác không mang lại hiệu quả do giá nông sản bấp bênh, thậm chí nợ nần quanh năm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sau đó, gia đình đã bán rẫy để đầu tư cho đàn dê. Kể từ đó, gia đình có nguồn thu nhập để trang trải những chi phí hàng ngày, có tiền nuôi các con ăn học, sắm sửa các vật dụng trong nhà, đặc biệt không còn cảnh nợ nần hay phụ thuộc vào đồng tiền bên ngoài như trước nữa".
Tương tự, gia đình ông Bùi Đình Sỹ (SN 1979, trú tại thôn 3, xã Ea Kpam) cũng phát triển đàn dê lên 26 con, trong đó có 12 con dê mẹ. Mỗi năm, gia đình ông Sỹ thu lợi nhuận từ 70-80 triệu đồng từ tiền bán dê. Với nguồn thu nhập này, đã giúp kinh tế gia đình ông ngày càng cải thiện và có chi phí để nuôi 3 con ăn học. Đồng thời, gia đình ông còn tận dụng nguồn phân dê bón cho các cây trồng trên nương rẫy.
Ông Đặng Phúc Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kpam cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 71 hộ dân đầu tư chăn nuôi dê, với số lượng hơn 2.000 con. Bằng hình thức nuôi nhốt chuồng, có những hộ nuôi lên đến từ 300-500 con dê.
Hiện nay, chăn nuôi dê không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, mà còn trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã. Từ đó, không chỉ giúp nhiều hộ dân cải thiện điều kiện sống mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương. Nhờ chăn nuôi dê đã giúp một số hộ vươn lên làm giàu, kinh tế ngày càng khá giả.
Để hoạt động chăn nuôi dê của bà con nông dân phát triển bền vững, đến nay chính quyền xã Ea Kpam đã xúc tiến, hỗ trợ và xây dựng thành công thương hiệu thịt dê của địa phương đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện, xã đang khuyến khích người dân đầu tư giống dê chất lượng nhằm phát triển thương hiệu sản phẩm dê của địa phương.
Cũng theo ông Quyền, năm 2022, chính quyền địa phương đã hỗ trợ dê giống cho 4 hộ cận nghèo trên địa bàn từ nguồn quỹ người nghèo và ngân hàng bò của xã.
Từ nguồn hỗ trợ này, đến nay đã có 1 hộ thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, một số thanh niên có hoàn cảnh khó khăn cũng được hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn ngân hàng chính sách để đầu tư chăn nuôi dê.
Trong thời gian tới, địa phương sẽ hỗ trợ các nguồn vốn vay từ các hội, đoàn thể, ngân chính sách để người dân tiếp cận, có điều kiện phát triển đàn dê, cải thiện kinh tế, vươn lên làm giàu. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đang nghiên cứu, bố trí quỹ đất thích hợp để phát triển vùng chăn nuôi, nhằm đảm bảo công tác vệ sinh môi trường.
Khánh Ngọc