Mưu sinh nhờ nghề nuôi dúi
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải tại tỉnh Thái Nguyên, chàng thanh niên Từ Dương Sơn (SN 1989, hiện trú tại phường Tự An, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã không chọn con đường chuyên môn đã học tập. Thay vào đó, anh quyết định trở về vùng quê để đầu tư vào trang trại nuôi dúi – một loại động vật "đặc sản", nhằm phát triển kinh tế cho gia đình.
Lý giải về quyết định này, anh Sơn cho biết, bố mẹ anh có thâm niên nuôi con dúi hàng chục năm nay, thậm chí, cả anh em hai bên nội ngoại đều sống nhờ vào việc nuôi con "đặc sản" này. Cũng vì thế, từ thời còn là một sinh viên, anh không ngừng tìm cách liên hệ với các nhà hàng, các khu du lịch ở các tỉnh, thành như Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... để phát triển thị trường tiêu thụ dúi.
Quá trình đó, anh Sơn nhận thấy, sức tiêu thụ con dúi ngoài thị trường rất lớn, có những thời điểm dúi nuôi không kịp để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Từ đó, mang lại lợi nhuận kinh tế đáng kể cho gia đình anh.
Đó cũng chính là lý do năm 2014, anh Sơn quyết định gác lại tấm bằng đại học của mình để theo đuổi niềm đam mê với con dúi. Về quê tại tỉnh Thanh Hóa, anh bắt tay đầu tư vào việc nuôi dúi. Sau đó, anh đã chuyển lên tỉnh Thái Nguyên để mở trang trại nuôi dúi.
Năm 2018, khi đã gây dựng được thị trường ổn định, anh Sơn quyết định nhường lại trang trại nuôi dúi ở tại Thái Nguyên cho người anh trai rồi tìm đến một vùng quê tại thôn Quyết Thắng (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) để mở rộng hoạt động nuôi dúi của gia đình sang vùng đất mới. Tại đây, anh tìm thuê 1 sào đất để mở trang trại nuôi gần 1.000 con dúi.
Anh Sơn chia sẻ: "Khi đến Đắk Lắk, tôi nhận thấy, thời tiết ở đây rất phù hợp để nuôi dúi nhưng nguồn thức ăn lại là một thách thức".
Để khắc phục tình trạng thiếu thức ăn, anh đến các vùng nông thôn và tìm mua những bụi tre về cung cấp cho dúi ăn. Theo anh Sơn, tre là điều kiện tiên quyết để nuôi dúi thành công. Theo đó, tre không chỉ là thức ăn chủ yếu của dúi mà còn giúp mài răng cho chúng. Điều này rất quan trọng, bởi nếu răng dúi quá dài thì sẽ đâm vào lợi và khiến con dúi bị chết. Ngoài tre, dúi còn có các loại thức ăn khác như mía, bắp, cỏ voi và cây mì.
Ngoài trang trại tại xã Hòa Đông, anh Sơn còn đầu tư, mở thêm một trang trại chăn nuôi dúi tại thôn 12 (xã Ea Tu, Tp.Buôn Ma Thuột).
Bí quyết nuôi dúi thành công
Theo chia sẻ của anh Sơn, dúi là động vật rất mắn đẻ. Từ khi đẻ đến khoảng 8 tháng tuổi, dúi đực và dúi cái sẽ được nuôi ghép đôi để thuận lợi cho việc giao phối. Mỗi năm, con dúi ở tuổi sinh sản sẽ đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 5-8 con. Khi dúi con được khoảng 45-60 ngày tuổi, chúng sẽ được tách khỏi mẹ để nuôi chuồng riêng, nhằm thuận lợi cho việc phát triển. Sau khi nuôi từ 10 tháng tuổi trở lên, dúi đã có thể xuất chuồng, bán thịt thương phẩm.
Đáng chú ý, chi phí đầu tư chăn nuôi dúi rất ít, chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số doanh thu. Do đó, người chăn nuôi dúi không phải quá lo lắng về nguồn vốn đầu tư.
Nhờ chăm chỉ, nhạy bén trong việc nắm bắt thị trường, mỗi năm, anh Sơn xuất bán khoảng 5.000 con dúi, với trọng lượng từ 3-5kg/con. Anh tiết lộ, sau khi trừ hết chi phí, anh thu lợi nhuận "khủng", với hơn 2 tỷ đồng/năm. Hiện anh đang mở rộng chuồng trại để nuôi thêm 400 con dúi mẹ.
Không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế cho gia đình, mỗi tháng, trang trại chăn nuôi dúi của gia đình anh Sơn còn giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 5 lao động, với mức lương 6 triệu đồng/tháng.
Khi được hỏi về bí quyết để nuôi dúi thành công, anh Sơn cho hay, quá trình nuôi dúi, việc quan trọng nhất làm chuồng trại và chọn con giống. Theo đó, chuồng phải đảm bảo khô ráo, tránh gió, tránh nóng, nhiệt độ trong chuồng không được cao quá 30 độ C và không được thấp dưới 15 độ C. Nếu nhiệt quá cao hoặc quá thấp thì con dúi sẽ bị sốc nhiệt, sinh bệnh và chết. Vì vậy, phải thường xuyên có nhiệt kế trong chuồng để kiểm tra nhiệt độ. Ngoài ra, chuồng nuôi dúi phải đảm bảo không bị ẩm ướt, dính nước. Bởi nếu bị ẩm ướt thì dúi sẽ dễ bị bệnh tiêu chảy, bệnh ngoài da, dẫn đến rụng lông, bỏ ăn, từ đó chậm phát triển...
Cũng theo anh Sơn, việc chọn con dúi giống cũng phải rất kỹ lưỡng. Theo đó, khi chọn con dúi cái thì phải đếm vú. Những con có 6 vú trở lên mới được lựa chọn để nuôi nhằm đảm bảo việc sinh sản sau này, nếu ít hơn thì không sinh sản được, thậm chí đẻ con ra nhưng không đủ sữa để nuôi con. Đối với dúi đực, phải xem bộ phận sinh dục, nếu bị lép hòn thì rất khó cho việc giao phối khi đến tuổi sinh sản.
Hơn thế nữa, dúi là động vật hoang dã nên khi nuôi cần phải khai báo và được cấp phép của Chi cục kiểm lâm và chính quyền địa phương. Hơn nữa, trên thị trường có rất nhiều loại dúi trôi dạt, không rõ nguồn gốc. Do đó, người nuôi cần tìm mua những loại dúi có nguồn gốc, giấy tờ rõ ràng, phải được được cơ quan chức năng cấp phép nhằm tránh việc vi phạm pháp luật và giúp cho việc chăn nuôi được thuận lợi hơn.
Đặc biệt, mỗi con dúi đều có khẩu phần ăn riêng nên nếu cho ăn quá nhiều thì dúi sẽ bị bệnh và ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển. Đồng thời, dúi không uống nước nên nếu cho ăn thức ăn có nhiều nước thì dúi sẽ tiêu chảy và chết.
Ngoài ra, con dúi ưa sống trong tối nên quá trình chăn nuôi không được mở điện. Bởi nếu mở điện sáng thì dúi không ăn và ảnh hưởng đến sự phát triển.
Sau nhiều năm gắn bó, anh Sơn còn có thể "chẩn đoán" được bệnh của dúi. Chẳng hạn, dúi bị bệnh thương hàn thì sẽ có dấu hiệu chảy nước mũi; bệnh táo bón thì phân có mùi khai; còn bệnh tiêu chảy thì phân sẽ ướt, hôi thối....
Với kinh nghiệm nuôi dúi dày dặn nói trên, mỗi năm, anh Sơn nhận đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc dúi và bao tiêu đầu ra cho hàng trăm người dân trên khắp cả nước. Thời gian đào tạo thường diễn ra từ 10 ngày đến 1 tháng. "Nếu biết cách chăm sóc, chăn nuôi dúi thì lợi nhuận kinh tế rất cao và giúp nhiều người dân phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống", anh Sơn nói.
Ngoài nuôi dúi, anh Sơn còn nuôi thêm một số loài động vật như chồn, don,... Trong đó, mỗi năm, anh xuất bán gần 1 tấn thịt don, với giá 1,4 triệu đồng/kg. Tổng doanh thu từ việc bán don khoảng 1,4 tỷ đồng, trong đó thu lợi nhuận 40%.
Theo anh Sơn, thức ăn chủ yếu của don là trái cây, rau, củ quả, thậm chí cơm, cháo, cám don đều ăn được. Mỗi ngày, cho don ăn 2 lần, buổi sáng cho ăn rau, củ, chiều tối cho ăn thêm cháo hoặc cám tổng hợp để don mau lớn.
Ông Phạm Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Đông thông tin, trang trại chăn nuôi dúi của hộ anh Sơn là trang trại tự phát và duy nhất trên địa bàn xã. Khi chăn nuôi dúi, chủ trang trại đã thực hiện các thủ tục, có báo cáo UBND xã và Chi cục Kiểm lâm của huyện. Về phía Chi cục Kiểm lâm của huyện Krông Pắk đã phối hợp với UBND xã để kiểm tra địa điểm, điều kiện nuôi dúi của chủ trang trại và các quy định pháp luật về nuôi động vật hoang dã. Qua kiểm tra cho thấy, trang trại chăn nuôi dúi này đã được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền và đủ điều kiện chăn nuôi. Qua đó, cũng xác định được nguồn gốc của những con dúi mà anh Sơn nuôi là được mua tại những cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã đã được cấp có thẩm quyền cho phép.
Khánh Ngọc