Phục dựng nghi lễ độc đáo
Trong văn hóa đồng bào dân tộc Ê Đê, lễ cúng sức khỏe là một phần không thể thiếu trong đời sống và có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân tộc Ê Đê.
Lễ cúng sức khỏe là dịp thể hiện lòng tôn kính, hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Đây cũng là dịp mọi người trong gia đình quây quần, gặp mặt, thăm hỏi nhau sau những ngày lao động vất vả. Qua đó, người Ê Đê cũng cầu mong các đấng thần linh, ông bà tổ tiên che chở, phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, thành đạt.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, nhiều người Ê Đê dần quên lãng những nghi lễ truyền thống của dân tộc, trong đó có lễ cúng sức khỏe.
Những năm gần đây, chỉ có những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả mới có khả năng tổ chức, duy trì nghi lễ này.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, ngày 17/5/2024, UBND huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) đã ra quyết định thành lập ban tổ chức, tổ giúp việc phục dựng nghi lễ cúng sức khỏe của dân tộc Ê Đê tại buôn M’Lăng (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar).
Đây là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống tại địa phương.
Thực hiện chỉ đạo nói trên, ngày 31/5, UBND xã Ea Tar đã phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin huyện Cư M’gar tổ chức phục dựng nghi Lễ cúng sức khỏe của dân tộc Ê Đê tại buôn Mlăng.
Nghi lễ được tổ chức trong căn nhà dài truyền thống của gia đình bà H’Thinh Kbuôr (trú tại buôn Mlăng, xã Ea Tar).
Chủ nhân của buổi lễ là ông Y Hai Kbuôr (82 tuổi, trú cùng buôn) là người bác ruột của gia đình bà H’Thinh.
Theo ghi nhận, ngay từ sáng sớm, người dân trong buôn đã đến nhà bà H’Thinh để cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu, nấu các món ăn truyền thống của người Ê Đê như: Canh bột, lá mì (sắn) xào thịt ba chỉ, canh cá nấu chua, hoa đu đủ xào...
Tiếng cười nói vui vẻ của mọi người tạo nên không khí ấm cúng, thể hiện sự gắn kết và tinh thần cộng đồng trong buôn làng.
Ngoài các món ăn truyền thống, gia chủ còn chuẩn bị nhiều lễ vật để phục vụ cúng sức khỏe. Ông Y Hai cho biết, cho đến nay, ông đã được cúng sức khỏe 4 lần.
Trong đó, lễ cúng lần đầu là 1 con heo, 3 ché rượu cần. Lần thứ hai là 1 con heo, 7 ché rượu cần. Lần thứ 3 là 1 con trâu 7 ché rượu cần. Lần thứ 4 là 1 con heo thiến và 8 ché rượu cần.
“Trước ngày tổ chức lễ cúng sức khỏe, người dân trong buôn, mỗi người góp một ít gạo cho chủ nhà nấu rượu phục vụ lễ cúng. Điều này thể hiện tinh thần gắn kết, sẵn sàng chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống của cộng đồng người Ê Đê”, ông Y Hai nói.
Một lễ vật khác không thể thiếu trong lễ cúng sức khỏe là 5 chén đồng để đựng rượu cần.
Theo ông Y Hai, trước đây, chén đồng được xem là một tài sản quý giá của người Ê Đê. Để có được 1 cái chén đồng, nhiều gia đình đã phải đổi bằng 1 con heo, thậm chí bằng 1 con trâu. Do đó, không phải gia đình nào cũng có thể mua được chén đồng.
Khơi dậy niềm tự hào, tình đoàn kết trong cộng đồng dân tộc
Sau khi các lễ vật đã chuẩn bị đầy đủ, mọi người ổn định chỗ ngồi trong căn nhà dài theo tập quán của người Ê Đê. Nam giới ngồi bên phải, nữ giới ngồi bên trái.
Buổi lễ bắt đầu bằng tiếng cồng chiêng nhằm thông báo tin lễ đến mọi người trong buôn làng. Cồng chiêng được xem là ngôn ngữ thiêng liêng, cầu nối giữa con người và thần linh. Âm thanh trầm bổng của cồng chiêng như những lời mời gọi sự chứng giám của thần linh.
Chính vì thế, cồng chiêng trở thành một phần không thể thiếu, thậm chí là linh hồn của các nghi lễ truyền thống.
Ngay khi tiếng cồng chiêng kết thúc, thầy cúng Y Chôch Niê (87 tuổi, trú tại xã Ea Tar) mời chủ nhân của buổi lễ là ông Y Hai ngồi vào chiếu hoa.
Thông qua các lễ vật gồm: 1 con gà, 1 chén cơm trắng, trầu, thuốc lào..., thầy cúng đọc lời khấn thông báo và mời ông bà, tổ tiên về dự lễ cùng gia chủ.
Trong quá trình lễ cúng diễn ra, người Ê Đê cấm kỵ mọi người đi qua lại, nhằm giữ gìn sự thiêng liêng của buổi lễ.
Tiếp đó, thầy cúng Y Chôch sẽ thực hiện các nghi thức cúng các vị thần núi, thần sông, thần rừng cầu cho mưa thuận, gió hòa và mọi người được dồi dào sức khỏe, tránh những tai ương trong cuộc sống.
Sau cùng là lễ cúng cho người được cúng sức khỏe. Lễ vật cúng gồm 1 con heo thiến, 8 ché rượu cần cột giữa căn nhà dài, 5 chén đồng chứa đầy rượu...
Lúc này, thầy cúng đọc lời khấn cầu chúc sức khỏe, mời người được cúng thưởng ăn chút cơm, thịt trong mâm lễ.
Ngay sau đó, thầy cúng mời chủ lễ ngồi xuống bên ché rượu, rồi đeo vòng đồng vào cổ tay. Theo quan niệm của người Ê Đê, vòng đồng tượng trưng cho sự bền vững, phát triển của cuộc sống và sức khỏe.
Kết thúc buổi lễ, con cháu, người thân trong gia đình và bạn bè thân hữu sẽ lần lượt đến trao vòng đồng và tặng những phần quà ý nghĩa như vải, chăn, khăn... để chúc mừng sức khỏe cho chủ lễ, rồi cùng nhau thưởng thức rượu cần bên tiếng cồng chiêng vang vọng.
Ông Trần Xuân Quyền, Chủ tịch UBND xã Ea Tar cho hay, nghi lễ cúng sức khỏe là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Ê Đê, thể hiện tinh thần đoàn kết, “uống nước nhớ nguồn”.
Lễ cúng sức khỏe mang ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện sự quan tâm của người Ê Đê đối với mọi thành viên trong gia đình, dòng họ, với mong muốn mọi người luôn mạnh khỏe, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chủ tịch UBND xã Ea Tar cũng chia sẻ, thông qua việc tổ chức lễ cúng sức khỏe, chính quyền địa phương mong muốn tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là lớp trẻ về việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
Ông Y Mang, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Cư M’gar cho biết, việc phục dựng lễ cúng sức khỏe nhằm góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho người dân. Từ đó, mọi người có ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, từng bước xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại địa phương. Qua lễ cúng cũng góp phần khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc.
Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Cư M’gar nhấn mạnh: “Văn hóa truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, không chỉ người dân, ngành văn hóa mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để thực hiệc các giải pháp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Từ đó, sẽ thu hút khách du lịch đến địa phương hơn và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con các buôn làng”.
Khánh Ngọc