Chiều nay (17/5), Bộ GD&ĐT đã tổ chức tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự thảo Luật Nhà giáo.
Mong mỏi một bộ luật dành riêng cho giáo viên
Báo cáo việc triển khai biên soạn và giới thiệu các nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Thành viên thường trực Ban soạn thảo đánh giá giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của mỗi quốc gia.
Trong đó, nhà giáo - nguồn lực, tài sản lớn của ngành giáo dục, lực lượng then chốt trong phát triển sự nghiệp giáo dục cũng vì thế được quan tâm để phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Theo đó, đã có nhiều luật về giáo dục được ban hành nhưng một luật dành cho nhà giáo vẫn là mong mỏi, dự định trong hàng chục năm qua. Một dự án luật riêng cho nhà giáo để thể chế với mục tiêu quan trọng nhất là giúp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Về quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo, đại diện Ban soạn thảo cho biết bộ luật nhằm thể chế hoá đầy đủ quan điểm của Đảng và Nhà nước, kiến tạo môi trường phát triển nhà giáo, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, bình đẳng công tư, bảo về nhà giáo. Điều chỉnh một số vấn đề cơ bản, đặc thù mà hiện các văn bản quy phạm pháp luật chưa có, chưa rõ. Quy định một số chính sách mới để phát triển nhà giáo. Xây dựng luật theo hướng cụ thể, hạn chế những văn bản dưới luật. Dự thảo luật sẽ được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện trước khi được ban hành chính thức.
5 chính sách đã được được thiết kế trong dự thảo Luật Nhà giáo gồm: Chính sách định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Bộ luật nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo
Tại toạ đàm các nội dung liên quan đến chính sách tiền lương, chứng chỉ hành nghề, tuyển dụng nhận được nhiều sự quan tâm và góp ý gửi đến Ban soạn thảo. Cụ thể nhiều băn khoăn đặt ra việc chế độ đãi ngộ, lương nhà giáo ở bậc cao nhất có được thực hiện? Yêu cầu về chứng chỉ hành nghề có tạo thêm rào cản trong bối cảnh giáo viên là nghề nghiệp khó tuyển dụng? Ai sẽ có thẩm quyền cấp và thu hồi các chứng chỉ này?
Trả lời cho những nội dung liên quan đến tiêu chuẩn nhà giáo ông Vũ Minh Đức cho biết: “Để trở thành giáo cần có 3 yếu tố: kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng giảng dạy. Chính vì vậy dù có tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm hay không đều cần thi chứng chỉ đào tạo nghề, điều này là cần thiết vì sản phẩm của giáo dục là nhân cách và chất lượng của người học”. Tuy nhiên, những nội dung đã được đào tạo trong chương trình sư phạm người học sẽ không phải học lại.
Đối với vấn đề về tiền lương, theo dự thảo đề xuất lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đại diện Ban soạn thảo cho biết, khi thực hiện chính sách tiền lương sẽ đảm bảo nguyên tắc tiền lương mới không thấp hơn tiền lương cũ. Về phụ cấp, ngành giáo dục cũng sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, mức phụ cấp ưu đãi này là cao nhất so với các ngành nghề khác.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến giáo dục nói chung, cũng như đội nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng, xác định đây là đội ngũ quyết định tác động đến chất lượng giáo dục đất nước.
“Trong quá trình xây dựng dự thảo luôn tuân thủ các ý kiến chỉ đạo, tìm ra những điểm nghẽn trên cơ sở đó đề xuất, xây dựng những chính sách mới có tính khả thi. Học tập kinh nghiệm của quốc tế để xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Cùng với đó là đánh giá tác động của chính sách khi thực hiện, làm tốt công tác truyền thông cho xã hội nhận thức đầy đủ. Bộ luật ban hành để phát triển đội ngũ nhà giáo chứ không phải tăng thêm sức ép”, Thứ trưởng chia sẻ.
Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, việc xây dựng luật được thực hiện gồm 02 bước: lập đề nghị xây dựng luật và soạn thảo luật. Bộ GD&ĐT đã thực hiện các bước nêu trên đúng quy định, đồng thời có sự chủ động chuẩn bị nghiên cứu các cơ sở pháp lý và kinh nghiệm quốc tế trước khi tiến hành lập đề nghị xây dựng luật.
Từ năm 2018 đến 2021, Bộ GDĐT đã tiến hành triển khai các nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, tổ chức các khảo sát trong nước và quốc tế, huy động đội ngũ chuyên gia trong và ngoài ngành phục vụ đề xuất xây dựng Luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong năm 2022-2023, căn cứ quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD&ĐT đã triển khai quy trình lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.
Bộ GD&ĐT xác định việc đề xuất việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong giai đoạn từ 2021-2025, vì vậy, việc chuẩn bị đề xuất xây dựng luật đã được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, tạo cơ sở bước đầu quan trọng để xây dựng luật.