Bỏ phố lên rừng
Sau quy hoạch Hà Nội mở rộng, không ít dự án đã được kéo về khu vực ngoại vi thành phố. Hướng tới xây dựng các biệt thự nhà vườn, nhà liền kề phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân đô thị các dự án đã tạo ra làn sóng “bỏ phố lên rừng” của nhiều người dân Hà thành. Vùng đất núi Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh… nhanh chóng trở thành những mỏ đất vàng.
Ngắm thế “địa linh” của những vùng đất thiêng nhiều người có tiền không ngại đổ tiền đầu tư để sở hữu “ngôi nhà thứ hai”. Từ đó tạo nên những cơn sốt đất tạo sóng ngay năm 2010.
Khi đại gia mạnh tay chi tiền nhiều hộ dân địa phương cũng sẵn sàng cắt đất đồi, "băm" đất rừng sản xuất thành lô rao bán. Đất rừng được các hộ gia đình tự ý mua bán chuyển nhượng rồi chuyển đổi mục đích sử dụng và xây dựng công trình nhà ở, sân, hàng rào kiên cố trên cả ngàn mét vuông.
Tại khu vực huyện Ba Vì, đặc biệt trên địa bàn 2 xã Yên Bài, Vân Hòa cả khu đồi Đá Bạc, đồi Bơn đã được Công ty CP Archi Land quy hoạch thành khu biệt thự nối dài từ chân đồi lên tới tận định đồi. Để sở hữu cả đất và nhà cho một căn biệt thự rộng khoảng hơn 1.000 m2 khách hàng sẽ phải chi từ 2,7 đến hơn 3 tỷ đồng.
Khu vực huyện Sóc Sơn cũng mọc lên nhiều công trình nhà ở biệt thự hoành tráng mọc lên trên đất rừng. Theo bước đại gia Hà thành “bỏ phố lên rừng” những vùng quê đang chuyển mình lột xác nhưng đi cùng sự lột xác là không ít những lỗ hổng khiến rừng từng ngày bị chảy máu.
Các dự án khu vực ngoại vi Hà Nội đã tạo ra làn sóng "bỏ phố lên rừng" của nhiều đại gia |
Xây nhà không phép
Những khu biệt thự nhà vườn rộng đến cả ngàn mét vuông được xây dựng tràn lan trên đất đồi rừng chễm trệ mọc trên những bạt rừng, quả đồi dù chưa được cấp phép xây dựng.
Kết luận thanh tra của Sở TN-MT Hà Nội về việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp của Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn (Công ty lâm nghiệp Sóc Sơn) đã cho thấy việc quản lý có nhiều sai phạm.
Theo đó, Công ty lâm nghiệp Sóc Sơn có chức năng quản lý, bảo vệ, xây dựng và phát triển vốn rừng trên diện tích 2.095,5ha trên địa bàn 8 xã của huyện Sóc Sơn, trong đó đất công ty đang tổ chức sử dụng là 2.064,28ha. Nhưng diện tích đất rừng này đang bị “xẻ thịt” chuyển nhượng với mục đích cá nhân.
Cụ thể, công ty đã để khu dân cư lâm nghiệp xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao trên diện tích 3.000 m2 đất rừng và để các hộ gia đình mua bán chuyển nhượng đất lâm nghiệp, tự chuyển đổi mục đích sử dụng và xây dựng công trình nhà ở, sân, hàng rào kiên cố.
Biệt thự tràn lan trên đất đồi rừng dù chưa được cấp phép xây dựng |
Cá biệt có những hộ gia đình xây dựng với diện tích lớn trên đất rừng dù khẳng định “đã được UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy phép xây dựng”. Nhưng các hộ này không xuất trình được giấy phép với cơ quan thanh tra. UBND huyện Sóc Sơn cũng khẳng định, chưa cấp phép xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân trên diện tích đất của Công ty ĐT&PTNLN được giao quản lý phát triển rừng phòng hộ..
Trước đó, liên quan đến việc phân lô đất rừng xây biệt thự nghỉ dưỡng tại hai xã Yên Bài và Vân Hòa, Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội cũng đã có kết luận kiểm tra những vi phạm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng.
Theo kết quả kiểm tra được công bố ngày 7/2/2013 tại huyện Ba Vì khẳng định, đất sử dụng xây biệt thự tại Yên Bài và Vân Hòa là đất lâm nghiệp và chưa được chuyển đổi thành đất ở theo đúng quy định của pháp luật.
Loay hoay trong vấn đề quản lý đất rừng, đất ở với vấn đề chuyển đổi, cấp phép dường chính chính quyền cũng xoay trong vòng tròn với những lúng túng từ khâu quy hoạch đến việc quản lý.
Theo Vietnamnet