Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc vừa thông báo tình trạng bùng phát chủng cúm gia cầm H5N1 tại một trang trại ở thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam.
Theo Zing.vn, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 4.500 trên tổng số 7.850 con gà của trang trại này chết vì nhiễm một chủng virus H5N1. Giới chức Thiệu Dương đã tiến hành các biện pháp cần thiết để kiểm soát dịch, trong đó có tiêu huỷ 17.828 gia cầm.
H5N1 là loại virus cúm có khả năng lây nhiễm cao, trong đó một số chủng có thể truyền sang người.
Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền cúm A H5N1 chính.
Virus có thể lây truyền qua không khí (ví dụ các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm mang bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm) cũng có thể qua cách ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm virus...) và tiếp xúc với dụng cụ và đồ vật nhiễm virus.
Thời kỳ ủ bệnh của cúm A H5N1 dài hơn thời kỳ ủ bệnh của các loại cúm thông thường theo mùa, từ 2-8 ngày hoặc có thể kéo dài đến 17 ngày.
Tuy nhiên, việc phơi nhiễm nhiều lần với virus dẫn đến việc khó xác định chính xác thời kỳ ủ bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới đề nghị đến thời kỳ ủ bệnh là 7 ngày áp dụng cho các điều tra và theo dõi những người tiếp xúc với bệnh nhân.
Theo tổng kết của Vietnamnet, các triệu chứng thường gặp của người mắc bệnh cúm A H5N1 thường có những dấu hiệu giống với các loại cúm thông thường và có kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn.
- Sốt cao liên tục trên 39 độ C, thấy người mệt mỏi, choáng váng đầu óc.
- Đau họng, ho nhiều, ho có đờm trắng vẩn máu.
- Đau mỏi cơ, đau nhức cơ bắp, đặc biệt sẽ đau hơn khi ho, nhất là ở cẳng chân và vùng thắt lưng.
- Một số bệnh nhân có triệu chứng khó thở, buồn nôn.
- Ngoài ra bệnh nhân có thể cảm thấy tức ngực, tim đập nhanh, nhịp thở gấp.
Bệnh cúm A H5N1 có thể diễn tiến nặng lên dẫn đến viêm phổi và các triệu chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Hiếm gặp hơn, bệnh nhân cúm A H5N1 sẽ có thêm triệu chứng viêm kết mạc, vốn không hề có ở những trường hợp cúm do virus H7.
Hiện nay, nhiều loại virus cúm đã kháng với một loại thuốc chống virus như amantadine và rimantadine (Flumadine).
Các quan chức y tế khuyến cáo nên sử dụng oseltamivir (Tamiflu) hoặc zanamivir (Relenza).
Những loại thuốc này phải được sử dụng ngay trong vòng hai ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.
Người thân hoặc những người khác đã tiếp xúc gần gũi với người bệnh cũng có thể được kê đơn thuốc kháng virus để phòng ngừa bệnh, ngay cả khi họ không bị bệnh.
Ổ dịch cúm gia cầm mới được phát hiện khi dịch viêm phổi do chủng virus mới thuộc họ virus Corona (nCov)bùng phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc và tiếp tục lan nhanh.
Dịch cúm H5N1 bùng phát tại Hồ Nam thời điểm này như đòn mạnh giáng thêm vào Trung Quốc khi dịch virus corona đang lây lan nhanh.
Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết năm 1997, Hong Kong là nơi đầu tiên phát hiện ca bệnh.
Năm 2003, dịch này bùng phát ở Trung Quốc, sau đó lan sang Việt Nam và 14 quốc gia khác.
H5N1 là một phân nhóm có khả năng gây nhiễm cao của virus cúm gia cầm. Chủng virus này lần đầu tiên được phát hiện xâm nhiễm trên người tại Hong Kong vào năm 1997.
Tên gọi phân nhóm H5N1 là liên quan đến loại protein kháng nguyên trên vỏ virus: protein hemagglutinin nhóm 5 (H5) và neuraminidase nhóm 1 (N1).
Tính đến ngày 28/2/2008, trên thế giới đã có 369 trường hợp người nhiễm virus H5N1 và trong đó 234 người đã tử vong.
Trong đó, Indonesia và Việt Nam là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề. Từ năm 1997 đến nay, thế giới đã ghi nhận 861 ca nhiễm virus H5N1, trong đó, 455 bệnh nhân tử vong.
Minh Anh (Tổng hợp)