Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) là sự kiện quốc tế lớn nhất trong đời sống kinh doanh của "xứ sở Bạch dương", và thường được biết đến với tên gọi "Davos của Nga".
SPIEF năm nay, diễn ra từ ngày 18-21/6, dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của một số công ty châu Âu, báo Nga Izvestia cho biết hôm 14/4.
Theo tìm hiểu của Izvestia, ít nhất 20 công ty Italy đã nộp đơn đăng ký tham gia, nhưng số lượng cuối cùng vẫn chưa được xác định vì quá trình đăng ký vẫn đang diễn ra.
Hiện nay có khoảng 100 công ty Italy đang hoạt động tại Nga, người đứng đầu Hiệp hội Doanh nhân Italy tại Liên bang Nga (GIM Unimpresa) Vittorio Torrembini nói với Izvestia.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp-Nga (CCI France Russie) cho biết họ không loại trừ việc các doanh nghiệp từ Pháp cũng sẽ có mặt tại SPIEF, trong khi người đứng đầu CCI France Russie là ông Pavel Shinsky đã xác nhận tham gia.
"Vẫn còn vài tháng nữa mới đến SPIEF và tình hình đang diễn biến cực kỳ nhanh chóng. Tôi hy vọng rằng các điều kiện trong vài tháng tới sẽ cho phép chúng tôi tham gia với số lượng lớn hơn", ông Shinsky nói với báo Nga.
Các công ty từ Luxembourg và Bỉ cũng thể hiện sự quan tâm đến diễn đàn ở St. Petersburg, ông Oleg Prozorov, Tổng giám đốc Phòng Thương mại Bỉ-Luxembourg tại Liên bang Nga, nói với Izvestia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: SCMP
Tuy nhiên, các doanh nghiệp châu Âu vẫn đang phải chịu áp lực. Trong cuộc trò chuyện với Izvestia, ông Georgy Ostapkovich, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thị trường tại Trường Kinh tế Cao cấp (Đại học HSE) trực thuộc Trường Đại học tổng hợp nghiên cứu quốc gia Liên bang Nga, đã nhấn mạnh rằng các công ty đầu tư sẽ không thâm nhập thị trường Nga trong khi các lệnh trừng phạt đối với Moscow vẫn có hiệu lực.
"Sự tham gia của các doanh nghiệp châu Âu vào SPIEF 2025, nếu có, rất có thể sẽ mang tính chất không có hệ thống và không thường xuyên", chuyên gia thị trường tài chính kiêm nhà kinh tế độc lập Andrey Barkhota nhận định.
"Những quốc gia không bị gián đoạn quan hệ thương mại với Nga, chẳng hạn như Serbia, Hungary và Slovakia, sẽ là tâm điểm", vị chuyên gia nói với Izvestia.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia, các nước EU sẽ không sẵn sàng khôi phục đối thoại với Nga cho đến khi Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt của chính mình. Thực tế cho thấy, Washington chưa sẵn sàng dỡ bỏ bất kỳ lệnh hạn chế nào liên quan.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 2, trong bối cảnh cuộc đối thoại Nga-Mỹ đang diễn ra, Bloomberg đã ghi nhận sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc mua chứng khoán của các công ty Nga.
Theo thông lệ, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF), nơi ông sẽ có bài phát biểu quan trọng và trả lời các câu hỏi từ những người tham gia.
Izvestia cho biết, sự kiện năm ngoái đã thu hút gần 22.000 đại biểu từ 139 quốc gia tham dự. Hơn 1.000 thỏa thuận trị giá gần 6,5 nghìn tỷ Rúp đã được ký kết trong khuôn khổ sự kiện.
Năm nay, đơn vị tổ chức là Roscongress đã công bố chương trình của diễn đàn, với các phiên họp như: "Đối thoại với châu Âu: Tương lai có khả thi không?", và đối thoại kinh doanh Nga-EU. Ngoài ra, các công ty từ Mỹ sẽ là khách mời của diễn đàn năm nay.
Moscow đang cho phép các doanh nghiệp phương Tây quay trở lại Liên bang Nga. Đồng thời, các nhà chức trách cảnh báo rằng điều này sẽ không dễ dàng, vì trong hơn 3 năm qua, một số thị trường ngách đã được lấp đầy bởi các nhà sản xuất trong nước và các công ty từ các quốc gia "thân thiện".
Minh Đức (Theo TASS, Izvestia)