Phải cứng thì một đứa trẻ mới ngoan
Ngay từ lúc trẻ lọt lòng, các mẹ Pháp cho con nằm riêng và rất hạn chế việc bế ẵm, ôm ấp con. Cũng như Myriam, khi con gái vừa bước sang tháng tuổi thứ ba, cô đã tuyên bố việc bắt đầu tập giấc ngủ đêm dài cho con. Trẻ con Pháp ngủ trọn giấc đêm (6 – 10 tiếng) vào độ tuổi 4 – 5 tháng.
Người Pháp rất coi trọng giờ giấc sinh hoạt chung của gia đình. Đặc biệt là đối với những nhà cả hai vợ chồng đều đi làm thì giấc ngủ đêm yên tĩnh càng phải được đảm bảo. Karine từng kể rằng, cậu con trai của cô lần đầu tiên khóc rất lâu khi được tách riêng khỏi bố mẹ, nhưng cô cương quyết không bế. Và rồi, đứa trẻ cũng tự ngủ thiếp đi.
Theo cô, chỉ một vài ngày đầu vất vả nhưng sau đó, mọi thứ sẽ đi vào nề nếp rất nhanh. Trẻ nhỏ nhanh chóng hiểu rằng không phải cứ khóc là được áp dụng. Các mẹ Pháp thường cho rằng, họ có thể phân biệt giữa khóc 'bệnh tật' và khóc 'làm nũng hay vòi vĩnh'.
Cứ như vậy, trẻ con Pháp từ nhỏ đã được đưa vào nề nếp, giờ giấc quy củ. Chả thế mà tôi thấy các mẹ Pháp nuôi con nhẹ tênh. Họ có thời gian chăm chút cho bản thân và vẫn duy trì được các thói quen đi xem phim, đi tập thể thao, và gặp gỡ bạn bè…
Đặc biệt là trong việc chăm sóc con hàng ngày, mẹ Pháp khá nhàn. Họ không hề vất vả với việc cho con ăn. Đến bữa, trẻ con ngồi vào ghế, cùng bàn với người lớn. Chúng cũng khá dễ ăn và ăn uống rất cân bằng.
Trẻ con Pháp còn được người lớn rèn cho cách sống độc lập và tự chơi. Khi chơi xong, chúng biết tự cất dọn đồ chơi. Tôi thán phục các mẹ Pháp ở chỗ họ biết thể hiện cái uy của mình. Khi họ nói 'non' (không) là trẻ con nghe lời răm rắp. Rất hiếm khi trẻ con Pháp dám đòi mua đồ chơi một cách bột phát. Chúng được dạy ngay từ đầu là một năm chỉ có hai dịp được nhận quà là: sinh nhật và Noel.
Có lần, tôi bảo Myriam nghiêm khắc quá thì cô bạn nói: 'Ôi cũng giống như quả dừa thôi mà. Vỏ ngoài thì cứng, nhưng cùi dừa thì mềm'. Theo cô, phải cứng thì một đứa trẻ mới ngoan.
Người Pháp không muốn nghe thấy ai đó chê trách con mình hư. Trẻ con Pháp nói chung rất lịch sự và lễ phép. Chúng có thói quen dùng các từ 'xin chào', 'xin lỗi', 'cảm ơn' từ khi bắt đầu biết nói.
Mẹ Pháp tuy vậy lại rất linh hoạt và không độc đoán. Họ thích để con cái phát triển tự nhiên. Họ không nặng nề về chuyện điểm số hay xếp hạng của con cái. Họ cũng không định hướng cho con theo những cái mình thích mà chỉ quan sát rồi giúp trẻ tiến bộ hơn trong lĩnh vực của chúng.
Nếu như mẹ Pháp vẫn dạy con về những giới hạn mà chúng được phép thì bản thân họ cũng tôn trọng 'thế giới riêng của con'. Đặc biệt, họ dành rất nhiều thời gian để nói chuyện hay thảo luận cùng với con cái.
Việc đầu tư cho đời sống tinh thần của trẻ con, phải nói là mẹ Pháp làm cực kỳ tốt. Họ rất khuyến khích con đọc sách đi, đi viện bảo tàng, làm các công việc sáng tạo như thủ công, vẽ…
Có thể nói, mẹ Pháp rất khôn khéo và thông minh trong việc rèn giũa con cái. Đây quả là những năm tháng trải nghiệm thú vị của tôi hay Jung-Yeon. Bởi lẽ, chúng tôi được chọn lọc và kết hợp các kỹ năng nuôi dạy con tốt nhất của hai nền văn hóa.
Biết 'nói không' với trẻ
Mẹ Pháp cho rằng, làm cha mẹ tốt không có nghĩa là phải thường xuyên phục dịch con cái của mình. Và vì thế, người mẹ Pháp lúc nào cũng gọn gàng, bình thản, vẫn đi làm bình thường và dành được khá nhiều thời gian cho 'công tác' làm đẹp.
Thứ hai, có thể học mẹ Pháp để dạy con về tính kỷ luật. Theo quan điểm của mẹ Pháp, kỷ luật chính là nền tảng của việc dạy dỗ và chăm sóc con cái.
Mẹ Pháp không cảm thấy có vấn đề gì nếu từ chối những yêu sách của con trẻ và họ có cùng quan điểm về cách nói từ 'không' với đứa bé. 'Không' được hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là 'không được', 'không thể' và đứa trẻ nhất định phải nghe theo.
Điều thú vị là trẻ con ở rất nhiều nơi trên thế giới có thể đòi quà bất cứ khi nào bé muốn, thì trẻ con Pháp thường chỉ đòi quà duy nhất hai lần trong năm, là quà sinh nhật và Noel. Nếu chúng tham lam hơn thì thậm chí có thể bị phạt.
Mẹ Pháp cũng sẽ tét mông trẻ nếu bé hư và quan trọng nhất là cái uy trong câu nói 'không' của cha mẹ.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ Việt có thể học mẹ Pháp để dạy con lối cư xử lịch thiệp. Trong gia đình Pháp, trẻ con cũng chỉ là một thành viên như mọi thành viên khác. Chúng không phải trung tâm của tất cả mọi người, cũng không phải 'cái rốn của vũ trụ'.
Điều đó đồng nghĩa với việc, trẻ cũng phải tôn trọng nhu cầu của các thành viên khác, cư xử một cách 'biết điều' để nhu cầu của các thành viên khác trong gia đình không bị ảnh hưởng.
Chẳng hạn, buổi tối trẻ có thể ở chung phòng với cha mẹ, nhưng đến giờ ngủ, trẻ phải về phòng mình và nhường lại không gian riêng tư. Với các mẹ Pháp, đó là điều hiển nhiên.
Hà Nhi (tổng hợp)