Giải pháp nào để đẩy lùi nạn chạy chức, chạy quyền, mua quan bán chức đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Một trong các giải pháp được đưa ra là thi tuyển vị trí lãnh đạo chủ chốt. Tuy nhiên, việc thi tuyển làm sao để đảm bảo không bị ảnh hưởng của “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, đồ đệ”. Liên quan vấn đề này, báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Trần Văn Mão, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.
PV: Dự thảo chuyên đề kiểm soát quyền lực và phòng, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Theo đó, mục tiêu là làm sao để "không dám chạy, không thể chạy” và hình thức thi tuyển lãnh đạo đang được kỳ vọng sẽ là lời giải cho vấn nạn này. Quan điểm của ông về điều này ra sao, thưa ông?
ĐB Trần Văn Mão: Việc chống chạy chức, chạy quyền là điều mà người dân trông đợi. Nhưng làm sao tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất để đẩy lùi được tệ nạn chạy chức, chạy quyền. Một trong những giải pháp quan trọng là việc đề bạt cán bộ lãnh đạo hay bất cứ vị trí nào trong bộ máy Nhà nước phải có số dư.
Việc thi tuyển lãnh đạo sẽ thu hút được nhiều người tham gia. Như vậy sẽ có nhiều hơn một sự lựa chọn, sẽ có cạnh tranh. Đặc biệt, thông qua hình thức thi tuyển lãnh đạo một cách công khai minh bạch sẽ là lời giải cho vấn đề chạy chức, chạy quyền. Quan trọng hơn, việc thi tuyển sẽ trọng dụng được người tài xứng đáng vào các vị trí lãnh đạo, tạo ra động lực mục tiêu phát triển đất nước. Bởi muốn phát triển tốt, yếu tố đầu tiên cần phải có là nguồn lực phát triển lành mạnh.
PV: Như ông nói, thi tuyển là lời giải cho vấn đề chạy chức, chạy quyền. Tuy nhiên, việc thi tuyển ngay với viên chức cũng từng dấy lên những nghi ngờ vì sự không minh bạch. Đơn cử như câu chuyện thi viên chức ở huyện Thới Bình (Cà Mau) vừa qua. Thí sinh có điểm cao sau phúc khảo lại rớt xuống. Thay vào đó, có 3 thí sinh điểm thấp hơn lại thành cao. Đặc biệt, 3 người được cho là có quan hệ với Chủ tịch hội đồng thi. Điều này làm dấy lên băn khoăn việc thi tuyển công khai nhưng có minh bạch?
ĐB Trần Văn Mão: Việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo mới đang thực hiện thí điểm một số vị trí. Nhưng việc thi tuyển cán bộ công chức, viên chức thì đã làm rất nhiều năm nay và đúng là có những lùm xùm về kết quả thi tuyển. Dư luận vẫn nghi ngại là liệu nó có thoát ra khỏi “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, đồ đệ”.
Muốn ngăn chặn được việc này thì chỉ có công khai minh bạch việc thi tuyển, chấm thi bằng các tiêu chí rõ ràng. Cùng với đó, việc thanh, kiểm tra, giám sát phải chặn được tiêu cực hoặc thi tuyển chỉ là hình thức. Chính vì vậy để giải quyết thực trạng bất cập này phải công khai minh bạch, tăng cường giám sát kiểm tra, xử lý nghiêm người làm sai.
PV: Rõ ràng, trước khi muốn tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo thì việc minh bạch các vị trí khuyết thiếu, công khai tiêu chí cụ thể, tránh việc người trúng lại không được bổ nhiệm như từng xảy ra khi thi tuyển vị trí Hiệu trưởng một trường ĐH trước đây?
ĐB Trần Văn Mão: Thời gian qua, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo chưa được triển khai rộng rãi. Theo tôi được biết, việc này mới thí điểm ở một số vị trí lãnh đạo vụ tại 1, 2 bộ ngành. Chính vì thế, đề án này cần phải tổng kết trước khi nhân rộng, trở thành phổ biến, thành cơ chế mới. Các tiêu chí tuyển chọn cán bộ lãnh đạo càng chi tiết, công khai bao nhiêu càng góp phần triệt tiêu vấn nạn, càng thu hút được người tài cống hiến.
PV: Về vấn nạn chạy chức, chạy quyền, cá nhân ông có góp ý giải pháp ra sao?
ĐB Trần Văn Mão: Theo tôi, tất cả các chức danh phải xây dựng được đề án rõ ràng, minh bạch, tiêu chí chuẩn với lãnh đạo chủ chốt và đến từng vị trí việc làm. Từ đó, chúng ta tổ chức tuyển chọn công khai.
Thứ hai là phải cải cách hành chính để tinh giản bộ máy hành chính, cải cách tiền lương, giảm bớt câu chuyện tiêu cực, tham nhũng trong tuyển chọn, đề bạt.
Thứ ba là kiểm soát, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ. Các giải pháp này đã được Chính phủ, Quốc hội đề cập. Điểm cốt yếu ở đây là phải công khai minh bạch, có tiêu chí rõ ràng, kể cả thông qua thi tuyển hoặc bổ nhiệm. Cuối cùng là phải có cơ chế kiểm soát quyền lực thật chặt chẽ thì ai muốn chạy chức, chạy quyền sẽ không thể thu hồi “vốn đầu tư”, như vậy ai còn dám chạy nữa.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!