Theo báo VTC News, Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu các sơ sở giáo dục công lập trên địa bàn không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; không tổ chức theo lớp học chính khóa. Mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học (mỗi tuần không quá 3 tiết học) đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa.
Địa phương này cũng quy định việc dạy học làm quen tiếng Anh đối với trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người Việt Nam; 30.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người nước ngoài.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT An Giang cũng yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở không được tổ chức d
Thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã quyết định tạm dừng việc liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập, đồng thời rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống. Việc dạy kỹ năng sống cho học sinh vẫn được các nhà trường triển khai thông qua lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động trải nghiệm....
Trước đó, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cũng đã ban hành công văn về việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm. Theo đó, Sở GD&ĐT Phú Thọ yêu cầu các cơ sở giáo dục nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm, nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức.
Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm đối với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (ngoại trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).
Địa phương này cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo trách nhiệm quản lý; thường xuyên theo dõi, nắm bắt và quản lý cán bộ, giáo viên đơn vị mình tham gia dạy thêm trong và ngoài nhà trường theo quy định về dạy thêm học thêm và các quy định của pháp luật có liên quan. Quản lý, tổ chức có chất lượng dạy và học chính khóa. Trực tiếp tổ chức, quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm đối với cán bộ, giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý.
Năm nay, Nam Định cũng quyết liệt yêu cầu các trường, giáo viên trên địa bàn không tổ chức dạy thêm, trái quy định. Trong đó, nêu rõ trường hợp không dạy thêm: học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, dạy tiếng Anh.
Đặc biệt, với lớp cuối cấp 9, 12, giáo viên dạy không quá 5 buổi/tuần, mỗi buổi không quá 4 tiết học, không tổ chức dạy thêm, học thêm vào ngày chủ nhật, ngày lễ và sau 17h30 phút các ngày trong tuần.
"Lãnh đạo các trường giám sát việc dạy thêm ngoài nhà trường. Nếu có vi phạm về dạy thêm, học thêm thì lãnh đạo các trường chịu trách nhiệm", Sở GD&ĐT Nam Định nêu.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, về dạy thêm, học thêm trong các cấp học, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 17/TT-BGDĐT. Sau khi luật Sửa đổi luật Đầu tư đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 17 không còn hiệu lực. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khẳng định các quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành như quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.
Hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản sau: Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; Học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau, khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh; Tuyệt đối không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; Không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.
Bộ GD&ĐT cũng quy định rõ, đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý. Giáo viên không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của học sinh.
Trước đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương nêu, các đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều về vấn đề dạy thêm, học thêm từ các khóa trước, nhưng đến nay câu chuyện này chưa có hồi kết và kỳ tới chắc vẫn phải bàn.
Bà Nga chỉ ra 4 vấn đề giải quyết mang tính chiều sâu. Thứ nhất, giảm tải chương trình từ chương trình sách giáo khoa. Thứ hai, cần đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ phương pháp dạy theo hình thức dồn kín, dồn ép kiến thức sang phương pháp dạy tư duy.
Thứ ba, quan trọng là phương pháp thi cử, cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nội dung, phương pháp thi cử. Đề thi tập trung vào những vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo của người thi, của học sinh.
Thứ tư, vấn đề tổ chức hệ thống trường học. Nếu như chúng ta còn hệ thống trường chuyên thì đương nhiên nhu cầu dạy thêm, học thêm là có, cần cơ sở để bồi dưỡng những nhân tài.
Nữ đại biểu cho rằng, điều quan trọng nhất phải thay đổi nội dung, những phương pháp trong chương trình dạy học và thi cử - đây mới là căn cơ của vấn nạn dạy thêm, học thêm, theo VTC News.
Trúc Chi (t/h)