ĐBQH băn khoăn khi Trung Nam Group được xây dựng đường dây truyền tải điện

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 2, 10/01/2022 11:19

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, cần phải phân định rõ từng loại lưới điện truyền tải cho phép các thành phần kinh tế tư nhân được đầu tư xây dựng, quản lý.

Tiếp tục phiên họp bất thường, sáng 10/1, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

DN tư nhân tham gia truyền tải điện trước khi Quốc hội họp bàn

Góp ý về nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến Luật Điện lực, bà Vũ Thị Lưu Mai – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc thể chế hoá Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, trong đó cho phép khối tư nhân tham gia xây dựng vào hệ thống truyền tải điện là cần thiết.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh việc thể chế hoá như thế nào cho đúng và thể chế hoá như thế nào cho phù hợp với thực tế là vấn đề cần được cân nhắc thận trọng, đảm bảo tính hợp lý, khả thi; đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.

Đề cập đến tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật trong Luật điện lực thời gian qua, bà Mai nhắc đến việc Tập đoàn Trung Nam đã được tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện trước khi Quốc hội bàn về việc nên hay không nên cho phép khối tư nhân tham gia vào truyền tải điện.

“Ngày hôm nay, Quốc hội mới bàn về việc nên hay không nên cho phép khối tư nhân tham gia vào truyền tải điện. Tuy nhiên, trước đó, ngay cả khi có Nghị quyết 55, một doanh nghiệp tư nhân là Tập đoàn Trung Nam cũng đã được tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện. Vào tháng 10/2020, doanh nghiệp này đã khánh thành hơn 17km đường dây 500kV từ tỉnh Ninh Thuận đến tỉnh Bình Thuận.

Tôi nghĩ rằng, những đóng góp của doanh nghiệp là thực sự rất đáng trân trọng, nhưng chúng ta cũng cần phải ý thức được rằng, hiện nay, yêu cầu cấp bách của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và Nghị quyết của Đảng là định hướng vô cùng quan trọng nhưng cần thiết phải được thể chế hoá bằng pháp luật thì mới được áp dụng. Và việc áp dụng trước đó là chưa phù hợp với quy định của pháp luật”, bà Mai nhấn mạnh.

Kinh tế vĩ mô - ĐBQH băn khoăn khi Trung Nam Group được xây dựng đường dây truyền tải điện

Bà Vũ Thị Lưu Mai – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách (Ảnh: Quochoi).

Đề cập liên quan đến phạm vi mở cửa, dự thảo Luật Điện lực có quy định “Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải. Nhà nước độc quyền trong vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng”, bà Mai nói rằng, quy định này là chưa rõ về mặt nội dung, chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, điều này có thể dẫn đến việc tuỳ tiện trong áp dụng thực tế.

Theo đó, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách yêu cầu ban soạn thảo quy định rõ lại 3 nội dung. Trong đó, phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào, các thành phần kinh tế tư nhân được tham gia đầu tư xây dựng quản lý vận hành và loại nào là do Nhà nước quy hoạch và cho EVN thực hiện; quy định rõ về mặt thẩm quyền, quyết định lựa chọn nhà đầu tư; quy định cụ thể về trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trách nhiệm quản lý Nhà nước, doanh nghiệp được phép đầu tư.

Về tính an toàn của hệ thống, bà Mai chỉ ra, theo dự thảo luật, sau khi đầu tư xây dựng, tư nhân có thể tham gia vận hành, và điều này theo bà sẽ dẫn đến một thực tế là trong cùng 1 hệ thống, sẽ có những chủ thể vận hành khác nhau.

“Hệ thống của lưới điện truyền tải phải có sự điều hành thống nhất, đặc biệt là với trình độ quản lý của Việt nam hiện nay. Nếu không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn của hệ thống. Tôi cho rằng, cần cân nhắc thận trọng tránh gây ra hậu quả sau này”, nữ đại biểu nói.

Kinh tế vĩ mô - ĐBQH băn khoăn khi Trung Nam Group được xây dựng đường dây truyền tải điện (Hình 2).

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng nhấn mạnh đến việc phải bình ổn giá điện cho người dân (Ảnh: Phạm Tùng).

Nêu ý kiến liên quan đến giá điện, trong tờ trình có nêu việc tư nhân hoá tại một số nước dẫn đến giá điện quá cao, vì vậy, bà Mai yêu cầu cần có đánh giá tác động để đảm bảo bình ổn giá, không tác động đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc hạch toán và định giá chuyển giao, sau khi xây dựng đầu tư thì doanh nghiệp có thể chuyển giao cho Nhà nước quản lý vận hành.

Tuy nhiên về cơ chế định giá, phương pháp định giá thì chưa được quy định cụ thể. Và hệ thống lưới điện truyền tải là một trong những loại tài sản, mà trên thực tế trong thời gian qua đã có trường hợp định giá chưa chuẩn xác dẫn đến gây thiệt hại cho Nhà nước. Chính vì vậy, bà Mai cho rằng, cần quy định cụ thể để có căn cứ thực hiện.

Về việc lựa chọn nhà đầu tư, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, có sự cạnh tranh bình đẳng thì cần xây dựng cơ chế tiêu chuẩn cụ thể, để tất cả doanh nghiệp có thể cạnh tranh tham gia. Trong nội dung đóng góp, bà Mai cho rằng khi nội dung chưa được chuẩn bị một cách đồng bộ, đầy đủ, chặt chẽ thì nên nghiên cứu trình Quốc hội tại kỳ họp sau.

Phân định rõ ràng độc quyền và không độc quyền trong truyền tải điện

Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Huy Khánh (đoàn Bình Dương) cho rằng, theo quy định hiện hành, Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia.

Sự độc quyền này dựa trên nhiều cơ sở khi ban hành quy định này, trong đó, có yếu tố quan trọng là đảm bảo an toàn, an ninh thông suốt hệ thống truyền tải điện mà sự an toàn này tác động trực tiếp đến việc bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.

Theo ông Khánh, để hiện thực hoá Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, việc từng bước xã hội hoá hoạt động truyền tải điện là cần thiết và cần có cơ sở thực tiễn nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, bảo đảm hiệu quả tổng thể của hoạt động truyền tải điện quốc gia.

“Tuy nhiên, việc thiết lập một cơ chế để các tổ chức điện lực ngoài Nhà nước tham gia vào khâu này đến đâu và vai trò kiểm soát, điều tiết của Nhà nước như thế nào thì cần phải tính toán thận trọng và chắc chắn”, ông Khánh nói.

Kinh tế vĩ mô - ĐBQH băn khoăn khi Trung Nam Group được xây dựng đường dây truyền tải điện (Hình 3).

Các đại biểu yêu cầu cần phải thể hiện rõ vai trò của Nhà nước trong kiểm soát và bảo đảm an ninh, an toàn truyền tải điện trong mọi hoàn cảnh, tình huống (Ảnh: Phạm Tùng).

Dẫn quy định của dự thảo Luật Điện lực, trong đó Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước xây dựng. Vị đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa chặt chẽ, chưa thể hiện vai trò cần và đủ của Nhà nước trong việc kiểm soát và bảo đảm an ninh, an toàn truyền tải điện trong mọi hoàn cảnh, tình huống.

Do đó, vị đại biểu tỉnh Bình Dương đề nghị quy định này cần phải chỉ đạo theo hướng “Nhà nước không độc quyền nhưng có kiểm soát và thực hiện quyền vận hành truyền tải điện trong những trường hợp có nguy cơ tác động đến an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện, kể cả công trình đó là do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng”.

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cũng đánh giá cao việc cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng lưới điện truyền tải.

Tuy nhiên, ông cho rằng, cần có quy hoạch mạng lưới điện truyền tải rõ ràng, phân định công đoạn nào là độc quyền Nhà nước, công đoạn nào là tư nhân được tham gia, vừa đảm bảo được an ninh năng lượng, vừa đảm bảo được hệ thống điện quốc gia, doanh nghiệp được tham gia mà người dân cũng được hưởng lợi.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.