Sáng ngày 14/11, Quốc hội thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018. Phát biểu về chất lượng tiếp dân, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của công dân ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nói: “Cá nhân tôi đã đi một số nơi tiếp xúc với các vụ việc, tiếp xúc với các nhóm cử tri thì người ta không bằng lòng về cách tiếp dân, cách xử lý của cán bộ.
Đặc biệt tôi nhận được lá đơn của cử tri phản ánh: Có đồng chí Chủ tịch tỉnh tiếp họ đúng 9 phút rồi đi nhậu. Người dân đến tận chỗ nhậu đó nhưng họ không chụp ảnh, nếu chụp ảnh đó về đưa lên Trung ương thì chúng ta rất khó chấp nhận. 9 phút với một việc mà mấy năm trời người ta theo đuổi.
Tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo trên tỉnh hết sức cảnh giác với các báo cáo của anh em cấp huyện, cấp xã. Có những trường hợp các đồng chí không xử lý đến nơi đến chốn là các đồng chí sẽ bị oan. Bên dưới đã có nhiều trường hợp cấp xã báo cáo lên huyện sai, huyện lại tiếp tục báo cáo lên tỉnh sai, khi trung ương vào cuộc mới phát hiện được”.
Câu chuyện mà ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đưa ra tại buổi thảo luận cũng đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Sáng ngày 15/11, bên hành lang Quốc hội PV báo Người Đưa Tin đã lắng nghe trăn trở của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng xoay quanh câu chuyện cán bộ tiếp công dân, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của công dân.
Tại phiên thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, đại biểu có nêu dẫn chứng về việc cán bộ tiếp công dân rằng “Có đồng chí Chủ tịch tỉnh tiếp họ đúng 9 phút rồi đi nhậu…”, ông nhận lá đơn phản ánh đó trong hoàn cảnh nào?
Cách đây mấy tháng, người dân có gửi cho tôi lá đơn này và rất bức xúc, mô tả từng li từng tí một. Trong tờ đơn, người dân nói rằng họ đã mất rất nhiều thời gian đề nghị để gặp Chủ tịch tỉnh để giải quyết vấn đề của họ. Nhưng, lần được gặp lại là lần họ thất vọng nhất, tôi xin phép không nói tên đồng chí Chủ tịch tỉnh đó, bây giờ đồng chí ấy vẫn còn đương chức, đây là một đồng chí Chủ tịch ở miền Tây. Và khi nhận được lá đơn phản ánh này, tôi cũng đã chuyển đến các cấp có thẩm quyền để xử lý theo thẩm quyền.
Khi nhận được lá đơn phản ánh về việc cán bộ tiếp công dân như vậy, cá nhân đại biểu có suy nghĩ gì?
Qua lá đơn này, tôi thấy rất đáng buồn, trong hai ngày nay tôi nhận khoảng 200 đơn của rất nhiều người dân, cả buổi tối ngày hôm qua cử tri cả nước cũng gọi điện đề nghị được tiếp xúc với các cơ quan điều tra, tố tụng và cơ quan hành chính để giải quyết việc. Nhưng, người dân không được toại nguyện, thậm chí có những người dân gửi đơn hàng năm trời hay gửi vài chục lần nhưng cũng không được giải quyết…
Từ những câu chuyện mà đại biểu nêu, vậy lãnh đạo, cán bộ phải có thái độ như thế nào khi tiếp công dân, để xứng đáng với cụm từ “Là công bộc của nhân dân”?
Tôi xin được nhắc lại, tại kỳ họp thứ 2, khi tôi chất vấn thì Thủ tướng Chính phủ có phát biểu trước Quốc hội và có sự chỉ đạo rất rõ, rất ghi nhớ ý kiến của Thủ tướng là đề nghị tất cả các cơ quan đơn vị, bộ ngành, địa phương phải làm thế nào bố trí cán bộ tiếp dân phải có đủ năng lực, phẩm chất. Tiếp theo, phải đào tạo bồi dưỡng và bảo đảm chính sách cho các cán bộ tiếp dân, để làm sao người cán bộ tiếp dân là bộ mặt của Nhà nước, khi tiếp dân, xử lý các vấn đề của dân thì phải có một thái độ hòa nhã, đúng mực và thể hiện rõ tinh thần của cán bộ công chức là công bộc của người dân, chứ không được lợi dụng vị trí, quyền lực nhà nước giao cho để có thái độ không đúng mực với người dân.
Đồng thời, đảm bảo làm sao những cán bộ đó phải hiểu được thực sự vụ việc, nội dung, am hiểu pháp luật để giải thích cho người dân rõ, biết tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… và hướng dẫn người dân đến nơi cần thiết.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp thứ 2 khiến tôi nhớ mãi. Tôi mong rằng tinh thần đó được tiếp thu, thực hiện một cách nhuần nhuyễn trong hệ thống tiếp dân.
Vậy, với những vị lãnh đạo, cán bộ có thái độ không đúng mực khi tiếp công dân cần phải xử lý thế nào?
Tôi nghĩ rằng, đã là lãnh đạo thì càng không được phép có thái độ như vậy. Nếu trực tiếp làm thì phải làm đến nơi đến chốn hoặc không thì cử người cũng phải cử người làm có năng lực, tránh tình trạng, lãnh đạo tiếp qua loa hoặc người khác tiếp công dân thì làm thiếu tinh thần trách nhiệm… Nếu làm vậy là tội cho người dân và ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước. Những lãnh đạo, cán bộ có thái độ tiếp dân như vậy tôi cho rằng nhẹ hay nặng đều cần phải xem xét về mặt trách nhiệm. Nên, tôi cũng tán thành với nhiều ý kiến của các đại biểu là phải xử lý trách nhiệm đối với những người vi phạm các quy định của luật tiếp dân, luật giải quyết khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm của người đứng đầu trong các lĩnh vực đó.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Lam