"Gần 15 năm tôi làm Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu tôi thấy điều này"
Mới đây, nhóm PV báo Người Đưa Tin đã điều tra, thâm nhập và phát hiện quy trình khép kín trong giao dịch mua-bán máu công khai. Khi loạt bài điều tra độc quyền “Ai chống lưng cho cò máu lộng hành ở bệnh viện?” được đăng tải, chúng tôi đã nhận được những phản hồi từ phía cục Quản lý khám chữa bệnh, bộ Y tế.
Để có cái nhìn khách quan, đa chiều hơn về thực trạng này, bên lề kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, ĐBQH (đoàn Hà Nội).
PV: Thưa ông, thời gian qua nhóm PV báo điện tử Người Đưa Tin có thực hiện loạt bài “Ai chống lưng cho "cò" mua-bán máu lộng hành ở bệnh viện?”. Tại đây, PV nhận thấy để người nhà bệnh nhân được mổ phiên, nhiều người thân của người bệnh buộc phải hiến máu vào kho máu dự trù. Điều này, tạo điều kiện cho “cò” máu xuất hiện. Ông nghĩ sao về điều này?
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: “Cò” máu xuất hiện chỉ khi tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu. Tức nhu cầu truyền máu nhiều nhưng máu để truyền không đủ thì sẽ xuất hiện “cò” rất nhanh. Gần 15 năm tôi làm Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu tôi thấy điều này.
Về tính chất khoa học, Tổ chức Y tế thế giới không khuyến khích việc vận động người nhà hiến máu, cho máu, bán máu vào thời điểm mà người nhà của họ đang nằm ở bệnh viện.
Với những lý do sau đây: Thứ nhất, đây là thời gian gay cấn nhất của gia đình bệnh nhân là phải chăm lo cho người ốm, giờ lại có thêm yêu cầu người nhà vào hiến máu thì điều này rất không nhân đạo.
Thứ hai, việc cho người nhà hiến máu thì tính an toàn không cao, vì thường chủ quan người thân cho người thân, người nhà cho người nhà nên việc sàng lọc, xét nghiệm không cẩn thận. Thứ ba, về nguyên tắc hiến máu phải đợi cho người khỏe mạnh, tỉnh táo, và thoải mái để tự nguyện sắp xếp thời gian đến hiến.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn có tình trạng gọi là giải pháp thay thế, nhưng nên vận động người hiến máu rằng "hiện máu đang rất thiếu nên mong muốn người nhà hiến máu". Chứ đừng bắt người nhà đang mổ hay chuẩn bị mổ phải đi hiến máu trước.
PV: Vậy, theo ông việc bệnh viện yêu cầu người thân phải hiến máu vào kho máu có phải bệnh viện đang làm khó người nhà bệnh nhân?
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Quá đúng và rất không nên làm. Đây gọi là giải pháp tình thế, nhưng không nên làm thường xuyên. Tốt nhất, có thể nói với người nhà bệnh nhân về tầm quan trọng của máu cần thiết cho sự sống như thế nào, sau này khi nào họ đủ sức khỏe thì nên đi hiến máu. Chứ không nên bắt buộc phải hiến máu ngay.
PV: Về việc báo chí nêu xuất hiện “cò” máu tại cổng bệnh viện Việt Đức. Theo ông, cần phải có những biện pháp như thế nào để giải quyết dứt điểm tình trạng này?
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Tôi tin những điều báo chí phản ánh là đúng sự thật. Vì vậy, nếu báo chí vào cuộc, bộ Y tế có ý kiến, tôi hoàn toàn đồng ý, làm sao để chấm dứt được tình trạng này. Nhưng, cũng còn một mặt nữa là trách nhiệm của ngành huyết học truyền máu cả nước, cụ thể là viện Huyết học và Truyền máu Trung ương có trách nhiệm tiếp tục thúc đẩy phong trào hiến máu nhân đạo để có nguồn máu sạch, an toàn phục vụ cho người bệnh. Góp phần hạn chế, chấm dứt tình trạng vận động, yêu cầu người nhà hiến máu thay thế.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thanh Lam - Nguyễn Hường