Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, nhiều năm qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chủ động phối hợp với các địa phương tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất trồng trọt, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch hại.
Tuy nhiên, nhờ áp dụng nhiều giải pháp phù hợp, ngành trồng trọt vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá ổn định.
Từ đầu năm đến nay, sản xuất lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ước đạt 3,82 triệu ha, sản lượng 24,14 triệu tấn. Cây ăn trái cũng đã có những bước cải thiện về năng suất, chất lượng và hiệu quả, sản lượng cây ăn trái trên 5,78 triệu tấn.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành đạt 34,27 tỷ USD. Trong đó, các sản phẩm trồng trọt đạt 18,21 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu đã đạt trên 1 tỷ USD như cà phê 3,54 tỷ USD, gạo 3,27 tỷ USD, hạt điều 2,37 tỷ USD, rau quả 3,83 tỷ USD.
Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 310.000ha. Diện tích gieo trồng lúa 3 vụ/năm khoảng 500.000ha, sản lượng đạt 2,8-2,9 triệu tấn, riêng năm 2023 đạt trên 3 triệu tấn. Còn lại cây rau có diện tích trồng khoảng 10.000ha, cây thanh long khoảng 8.000ha, cây chanh khoảng 11.500ha.
Toàn tỉnh hiện có 294 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng trên các loại cây trồng như thanh long, chuối, dưa hấu, chanh, xoài Úc với diện tích trên 14.000ha. Bên cạnh đó, còn có 161 cơ sở được cấp mã số cơ sở đóng gói. Nhờ đó, nhiều sản phẩm chủ lực được xuất khẩu sang như Mỹ, Úc, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL phải đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn. Sử dụng đất nông nghiệp chưa hiệu quả gây suy thoái đất đai.
Sử dụng vật tư đầu vào (giống, phân bón...) chưa hợp lý gây lãng phí nguồn lực và gây ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng nguồn nước, khả năng cung ứng nước cho cây trồng theo khung thời vụ còn nhiều bất cập...
Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu các địa phương phải nâng cao nhận thức và năng lực quản lý cho người nông dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp trong việc sản xuất an toàn, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cũng lưu ý, việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, cùng với việc nâng cao các giải pháp, định hướng để phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu, thủy lợi của vùng ĐBSCL, nhằm cung cấp nước phục vụ phát triển sản xuất trồng trọt và sinh hoạt là các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển ngành trồng trọt tại ĐBSCL trong thời gian tới.
Quốc An