Trong thời đại bùng nổ thông tin, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, câu hỏi vai trò của báo chí ngày nay ngày càng được đề cao hay mất dần chỗ đứng? trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Ths Đinh Ngọc Sơn – Phó Trưởng khoa Phát thanh và Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, người làm báo trong thời đại hiện nay sẽ phải đối mặt với muôn vàn những thách thức.
Báo chí thời công nghệ số
NĐT: Thưa ông, từ khi có sự xuất hiện của mạng xã hội, hoạt động báo chí đã có những thay đổi như thế nào, điều này tác động gì đến công tác đào tạo sinh viên theo học ngành báo chí?
Ths Đinh Ngọc Sơn: Từ khi mạng xã hội bùng nổ, công chúng không chỉ tiếp nhận thông tin mà còn tham gia cung cấp thông tin qua các tài khoản cá nhân. Ở thế kỷ trước, việc đào tạo người làm báo tập trung vào phát triển kỹ năng phát hiện vấn đề và khai thác thông tin. Phóng viên phải đi săn lùng tin tức từ thực tế, tìm cách tiếp cận nhân vật… để thu thập thông tin.
Đến giai đoạn internet bùng nổ như hiện nay, đào tạo nghề báo cũng cần phải thay đổi để phù hợp với môi trường truyền thông mới. Phóng viên phải học cách tiếp cận đề tài, khai thác thông tin trên nền tảng internet, sử dụng các công cụ tập hợp, phân tích, kiểm chứng thông tin. Từ đó, tiếp cận hệ thống dữ liệu để khai thác và xử lý thông tin có chiều sâu.
NĐT: Như ông nói việc đào tạo phóng viên đã có sự thay đổi, vậy yêu cầu đối với người học thì sao, thưa ông?
Ths Đinh Ngọc Sơn: Hiện nay yêu cầu nghiệp vụ làm báo đối với phóng viên cần được được “nâng cấp”. Người làm báo cần góc nhìn các vấn đề xã hội bao quát hơn bởi công chúng tiếp cận nhiều nguồn thông tin ở nhiều góc độ khác nhau.
Cùng với đó, không chỉ có tư duy mà phải có kỹ năng cụ thể như sử dụng điện thoại thông minh để tác nghiệp, thiết kế thông tin đồ hoạ, linh hoạt trong sáng tạo tác phẩm để truyền thông trên nhiều nền tảng. Khi thông tin ngày càng nhiều thì phóng viên cần có thêm cảm xúc trong hoạt động nghề nghiệp để có những tác phẩm “chạm vào trái tim" công chúng. Nếu phóng viên tạo ra góc nhìn và giá trị riêng thuyết phục công chúng thì đó là giá trị bền vững của nghề báo mà trí tuệ nhân tạo chưa thể thay thế được.
Và dù làm bất cứ nghề nào nếu không có tình yêu nghề, đam mê với ngòi bút thì rất khó có thể trụ vững.
Thay đổi cách cung cấp thông tin cho độc giả
NĐT: Nhiều quan điểm cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như hiện nay, vai trò của đội ngũ nhà báo bị “phai mờ”. Để khẳng định vai trò, tầm quan trọng của mình, đội ngũ làm báo cần phải làm gì?
Ths Đinh Ngọc Sơn: Nếu trước kia cung cấp thông tin là hoạt động quan trọng của báo chí thì bây giờ mỗi cá nhân đều có thể đưa thông tin lên mạng xã hội. Thêm vào đó là thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng đang thay đổi, một số đông, nhất là giới trẻ đang tiếp nhận tin tức trên nền tảng mạng xã hội.
Truyền thông đại chúng ngày nay vừa dựa trên nền tảng báo chí truyền thống vừa dựa trên nền tảng mạng xã hội, trên internet. Mạng xã hội cho thông tin đa dạng và liên tục, nhưng cũng đang bộc lộ những điểm yếu khi thông tin khó kiểm chứng, thông tin sai lệch vì mục đích cá nhân.
Do đó ngày nay thông tin báo chí càng cần phải chính xác, có hàm lượng tri thức, phân tích, định hướng, bình luận cao hơn để đồng hành cùng mạng xã hội. Báo chí là công cụ định hướng thông tin đảm bảo độ tin cậy. Hệ thống báo chí giúp công chúng tìm kiếm các nội dung chuyên nghiệp và độ tin cậy cao hơn. Điều này đặt ra yêu cầu với các phóng viên báo chí phải tư duy và sáng tạo để xây dựng niềm tin với công chúng.
Bản thân nghề báo đòi hỏi có góc nhìn, trải nghiệm rất sâu. Người viết báo cần phải có tích luỹ kinh nghiệm, vững chắc ở tầm tư duy. Tuỳ từng cấp độ ở các tác phẩm, những bài viết phản ánh có thể không đòi hỏi trình độ cao, nhưng những bài báo cần phân tích mà không có góc nhìn, không có trình độ thì khó thuyết phục công chúng.
Nhà báo là đội ngũ tiên phong trong tiếp thu cái mới, không thể chỉ dựa vào các giá trị “truyền thống” của báo chí để định vị mà cần phải cập nhật những phương tiện và cách thức truyền thông mới. Nếu báo chí chậm thay đổi thì sẽ mất đi những công chúng trước những trào lưu truyền thông mới.
NĐT: Nhìn lại chặng đường phát triển của báo chí trong nước, những năm đầu thế kỷ XXI, đâu đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh người dân cầm tờ báo in trên tay. Ngày này, khi kỹ thuật số lên ngôi, chiếc “smart phone” đã và đang thay thế các tờ báo. Là một người có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, theo ông báo in sẽ ở đâu giữa vòng xoáy của sự thay đổi?
Ths Đinh Ngọc Sơn: Chúng ta phải dựa vào khảo sát công chúng chứ không nên đánh giá chủ quan. Báo chí vẫn như vậy, vẫn rất quan trọng trong xã hội. Nhưng nếu ngày xưa có 100 người đọc mà giờ chỉ còn 50 người thì nguyên nhân tại sao? Có phải những nhà báo “kém” đi không hay các bài báo không còn nhiệt huyết? Tôi cho rằng do cách tiếp cận của công chúng đã thay đổi, trước họ tiếp cận cách này giờ là cách khác.
Bất kỳ loại hình nào nếu không thay đổi cách tiếp cận thì sẽ mất công chúng là điều đương nhiên. Hiện nay, có một số sinh viên lo lắng khi theo học báo in, tôi luôn nhắn nhủ rằng: đừng lo lắng quá bởi ngày nay cánh cửa truyền thông đang mở rộng. Các bạn cứ yêu nghề, rèn nghề và cập nhật công nghệ để có sản phẩm sáng tạo thì các toà soạn luôn cần các bạn.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của ông!