Những tiềm năng cần được đánh thức
Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và nổi tiếng với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Với thiên nhiên hùng vỹ, lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc, khí hậu trong lành, an toàn, Điện Biên là nơi hội tụ tinh hoa của vùng Tây Bắc.
Tỉnh Điện Biên hiện có 33 di tích lịch sử được xếp hạng, bao gồm 14 di tích cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh và trung tâm là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ với nhiều địa danh như: Di tích cứ điểm đề kháng của quân Pháp: Đồi A1, Đồi Him Lam, Hầm Đờ-cát-tơ-ri, Đồi Độc lập, Cầu Mường Thanh; Di tích của bộ đội ta: Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, Trận địa pháo H6 của bộ đội ta...
Ngoài ra là các công trình kỷ niệm, ghi nhớ, tri ân như: Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thắng với bức tranh Panorama lớn nhất cả nước cũng là những địa điểm để du khách ghé thăm.
Điện Biên được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình đa dạng, nhiều sông, hồ và những cảnh quan đẹp, có tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú, với những Hồ Pá Khoang, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé; các điểm suối khoáng nóng: Hua Pe, U Va, hay các hang động vừa có giá trị khoa học, giá trị thẩm mĩ vừa có giá trị lịch sử, tín ngưỡng như Động Pa Thơm, Chua Ta, Khó Chua La, Thẳm Khến, Xá Nhè, Mường Tỉnh, Thẳm Khương.
Chinh phục đèo Pha Đin huyền thoại, đỉnh A Pa Chải - điểm cực Tây của Việt Nam - ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc hay cao nguyên đá và hệ thống hang động tại huyện Tủa Chùa cũng là những hành trình thú vị với những du khách có đam mê khám phá.
Đồng thời, tỉnh Điện Biên là nơi sinh sống của 19 dân tộc, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng có, những thiết chế văn hóa truyền thống đặc thù, với những phong tục tập quán trong sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng của mỗi dân tộc. Đây là những điểm riêng, đặc sắc mang đậm nét đặc trưng của vùng Tây Bắc.
Ngoài ra, hằng năm với các hoạt động, sự kiện, Lễ hội nổi bật như: lễ hội thành Bản Phủ; Lễ tết cơm mới; Lễ mừng măng mọc; Lễ hội Xên Bản Xên Mường; Lễ cúng bản của người Cống; đặc biệt là những di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia như Nghệ thuật Xòe Thái, Lễ hội Gạ Ma Thú, Lễ hội Kin Pang Then, Nghệ thuật múa của người Khơ Mú hay Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Đua thuyền Đuôi Én …là những tài nguyên du lịch văn hóa dân tộc đặc sắc riêng có hấp dẫn đối với du khách trong nước và du khách quốc tế khi đến với Điện Biên.
Hiện nay, Điện Biên là tỉnh duy nhất trong các tỉnh Tây Bắc có Cảng hàng không kết nối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vừa được nâng cấp, mở rộng; hệ thống giao thông đường bộ với các tỉnh trong khu vực đang được quan tâm đầu tư, mở rộng.
Tuy nhiên, dù tiềm năng, thế mạnh đã rõ và sẵn nhưng nhìn chung các sản phẩm cũng như dịch vụ du lịch cung ứng cho du khách của Điện Biên chưa thực sự nổi bật và tạo thành thương hiệu, điểm đến có tính đặc thù. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý là tỉnh miền núi, biên giới, hẻo lánh xa xôi, khó khăn về giao thông, đã khiến cho các liên kết để phát triển du lịch còn hạn chế, mang tính rời rạc. Nhiều doanh nghiệp đều đánh giá cao về tiềm năng phát triển về điểm đến, sản phẩm du lịch của Điện Biên nhưng chưa tìm thấy những ưu đãi đủ hấp dẫn để đầu tư.
Ngoài ra, cơ sở vật chất - kỹ thuật và dịch vụ phục vụ du lịch chưa phát triển đồng bộ cũng là điểm nghẽn lớn cần tháo gỡ. Hệ thống lưu trú, hệ thống nhà hàng, vui chơi giải trí… tuy có sự phát triển nhưng chậm và chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở thành phố Điện Biên Phủ, khu vực các huyện rất yếu và thiếu. Hơn nữa, nguồn nhân lực du lịch của tỉnh còn hạn chế, thiếu kỹ năng chuyên môn nên chưa đáp ứng được hoạt động du lịch của địa phương.
Tất cả những điều đó, đã khiến cho du lịch Điện Biên dù giàu tiềm năng, lợi thế nhưng chưa tìm thực sự cất cánh, chưa trở thành động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vùng biên này.
Phát triển du lịch dựa trên 3 trụ cột
Trên cơ sở xác định tiềm năng, lợi thế, Điện Biên đã xác định rõ mục tiêu và tầm quan trọng của phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng tỉnh Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 dựa trên 3 trụ cột chính để phát triển du lịch gồm: Du lịch lịch sử, tâm linh; Du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe
Đặc biệt ngày 27/01/2024 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; bao gồm “Phương án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được tích hợp.
Với định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, thời gian vừa qua tỉnh đã triển khai đồng bộ, tổng thể nhiều giải pháp nhằm thay đổi diện mạo của lĩnh vực này.
Theo đó, Điện Biên đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030; đồng thời bố trí nguồn kinh phí thực hiện Dự án Khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc, giải phóng mặt bằng.
Tập trung đi sâu vào khai thác sản phẩm du lịch lịch sử, gắn với Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này. Trong đó, tập trung giới thiệu, quảng bá Bức tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ, gắn với khai thác phòng trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; tổ chức tốt việc phục vụ các hoạt động tri ân, tưởng niệm của đồng bào, khách du lịch tại Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các điểm di tích lịch sử.
Tập trung khai thác nguồn lực hỗ trợ để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng về lịch sử, văn hóa, sinh thái độc đáo, hấp dẫn. Thu hút du khách bằng các dịch vụ du lịch có chất lượng cao, như: đua thuyền, dù lượn, marathon, tham quan các công viên chuyên đề, biểu diễn thực cảnh, tắm nước khoáng nóng và trị liệu, chinh phục ngã ba biên giới A Pa Chải, các chợ phiên vùng cao, biên giới…
Đặc biệt sự kiện Khai mạc Lễ hội Hoa Ban gắn với Năm du lịch Quốc gia Điện Biên năm 2024, lần đầu tiên tỉnh Điện Biên sẽ giới thiệu tới du khách một sản phẩm du lịch mới mang tên “Huyền tích UVA”, qua đó giới thiệu tới du khách du lịch Điện Biên rất giàu bản sắc dân tộc.
Để tạo không gian phát triển cho du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cũng cho biết, tỉnh đang nghiên cứu để sớm ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và sản phẩm du lịch để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo của các địa phương, phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, hạ tầng đô thị… để tạo cơ sở thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, khai thác tiềm năng về du lịch. Tích cực mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực để phát triển nhiều loại hình dịch vụ du lịch, đầu tư các dự án khu du lịch phức hợp, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, trung tâm mua sắm cao cấp.
Khuyến khích sự đồng hành của người dân và doanh nghiệp
Trao đổi với Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Minh Phú - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết để phát triển du lịch bền vững, Điện Biên xác định việc khuyến khích người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia phát triển du lịch là một giải pháp trong những giải pháp chủ yếu.
Với nhận thức đó, tỉnh Điện Biên tập trung triển khai, áp dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Nhà nước vào thực tế tại địa phương. Rà soát, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; ưu tiên nguồn lực cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch.... Ban hành cơ chế, chính sách huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch...
Cùng với đó, tỉnh đã tập trung lập quy hoạch xây dựng Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các địa điểm du lịch. Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước thực hiện hoàn thiện các dự án trọng điểm trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bảo tồn lễ hội văn hóa dân gian, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng, các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP phục vụ du lịch.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Minh Phú cũng cho biết Điện Biên sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, trung tâm mua sắm, dịch vụ du lịch. Tập trung đổi mới công tác quản lý theo hướng phục vụ doanh nghiệp, người dân.
Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ dịch vụ du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa…. Hằng năm tổ chức gặp gỡ, đối thoại nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển du lịch.
Với các cơ chế chính sách cụ thể như trên đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp và cộng đồng, Nhân dân trong việc xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện. Từ năm 2021 đến nay, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh có những dấu hiệu khởi sắc tích cực, đã kêu gọi, làm việc với nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn, như: Vingroup, Sun Group, Hải Phát, Flamingo… đến khảo sát, ký kết các thỏa thuận, quan tâm nghiên cứu, đề xuất và triển khai xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng, khách sạn….
Mạnh Quốc - Công Luân - Ngọc Tân