Cơ hội lớn cho dừa xiêm, ớt trái
Ngày 8/10, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị Triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho nông sản của tỉnh này.
Tại hội nghị, đánh giá của UBND tỉnh Bình Định, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đa dạng, nhóm trồng trọt có: lúa, ớt, đậu phụng, bắp, dừa xiêm, ớt…; nhóm chăn nuôi có heo, bò, gà; nhóm sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP rất phong phú.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chia sẻ, sản phẩm nông nghiệp nhiều, đa dạng, tuy nhiên việc tiêu thụ còn khó khăn. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng không đảm bảo và quy trình canh tác cũng chưa đồng bộ dẫn tới chất lượng sản phẩm chưa cao.
Thời gian, tỉnh đã định hướng, quy hoạch phát triển cây chủ lực của tỉnh, trong đó sẽ tập trung vào nhóm cây phù hợp với thổ nhưỡng, phù hợp với quy hoạch vùng nguyên liệu để đồng bộ quy trình canh tác.
Theo đó, cây dừa xiêm và cây ớt đang được nông dân Bình Định đầu tư sản xuất với quy mô lớn. Theo thống kê từ ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định, diện tích dừa của tỉnh này lớn thứ 5 cả nước 9.353 ha, trong đó dừa xiêm (dừa uống nước) chiếm 24,5% tương đương với khoảng 3.000 ha; sản lượng khoảng 111.358 tấn/năm. Trong số này, có khoảng 70 ha dừa xiêm đang được ngành chức năng thực hiện các thủ tục xin cấp mã số vùng trồng, phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ngành chức năng tỉnh Bình Định cho hay, đến năm 2025, tỉnh này tăng diện tích dừa lên 10.000ha, tập trung ở các địa phương Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát.
Cùng với dừa, cây ớt của Bình Định bắt đầu hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong đó là vùng trồng tập trung ở Phù Mỹ và Phù Cát.
Ông Trần Văn Thành (Cát Tài, Phù Cát), nông dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ớt đạt chuẩn VietGAP, chia sẻ: "Mô hình liên kết ớt của nông dân Cát Tài hiện có 60 hộ tham gia, nhờ áp dụng cùng một quy trình canh tác nên chất lượng sản phẩm khá tốt. Cái chúng tôi lo nhất đầu ra cho sản phẩm. 2 năm nay, tham gia vào chuỗi liên kết với doanh nghiệp, hầu hết bà con không gặp trở ngại nữa. Chúng tôi mong muốn là có những đơn đặt hàng phù hợp, giá cả ổn định để yên tâm sản xuất".
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng – Tổng giám đốc Công ty Vinanutrifood Bình Định, chia sẻ, dừa Bình Định được đánh giá cao về chất lượng. Trong nhiều đợt khảo sát của doanh nghiệp và các chuyên gia, hầu hết các chuyên gia đánh giá dừa xiêm của Bình Định rất ngon, ngọt, phù hợp để xuất tươi sang các thị trường lớn. Thêm vào đó, việc thị trường tỷ dân Trung Quốc mở cửa cho xuất khẩu dừa chính ngạch là cơ hội lớn cho nông dân Bình Định.
"Bình Định có dừa ngon nhưng chưa có vùng nguyên liệu dừa, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây là cái khó nhưng là cơ hội của chúng ta, đi sau nhưng đi đúng, có quy hoạch thì sẽ sớm có vùng nguyên liệu hợp chuẩn, phục vụ cho hoạt động chế biến và xuất khẩu"- bà Hằng thông tin thêm.
Có đơn hàng lớn nhưng không dám nhận
Theo bà Hằng, khi lựa chọn đặt nhà máy chế biến nông sản sâu tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, vấn đề mà doanh nghiệp lo nhất là nguyên liệu cho sản xuất. Theo đó, Vinanutrifood Bình Định đang có những đơn đặt hàng lớn cho sản phẩm dừa xiêm xuất khẩu và ớt xuất khẩu sang thị trường tỷ dân Trung Quốc.
Bà Hằng chia sẻ, khách hàng đặt các đơn hàng 10 container dừa đi đường biển trong một tuần, doanh nghiệp không dám nhận vì sản lượng không đủ cung cấp.
"Với cây dừa, chúng tôi đã có những trao đổi với Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, đặt vấn đề phát triển vùng nguyên liệu dừa cho doanh nghiệp, kết hợp các mô hình xen canh dưới tán dừa để nâng cao giá trị kinh tế cho cùng một đơn vị sản xuất như dừa kết hợp xen rau má, tía tô... Chúng tôi kỳ vọng, cùng thời gian này năm tới, Vinanutrifood Bình Định sản xuất từ nguyên liệu của nông dân Bình Định cho nhưng đơn hàng đầu tay. Từ bây giờ, tôi mong rằng bà con nông dân nên thay đổi, đừng mãi chạy theo con ngựa mà hãy trồng một đồng cỏ tốt, khi đó có những con ngựa tốt tìm đến"- bà Hằng, chia sẻ.
Tương tự, là doanh nghiệp triển khai chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ ớt, bà Trần Thị Thủy – Giám đốc Công ty Chế biến nông sản lương thực thực phẩm xuất khẩu Trần Gia, cho hay, nhu cầu thực tế mà doanh nghiệp cần khoảng 6.000 – 10.000 tấn ớt/năm, tương đương với 300 ha vùng trồng. Đến nay, doanh nghiệp mới xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt tươi (thực hiện liên kết 5 ha ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát).
"Vùng trồng nhỏ lẻ làm khó cho doanh nghiệp chế biến sâu. Nhưng mà chúng tôi không thể nào hợp tác với từng nông dân được, do đó doanh nghiệp cần hợp tác xã làm đầu mới xây dựng chuỗi liên kết; quy hoạch vùng nguyên liệu; áp dụng tiêu chuẩn thực hành VietGAP hoặc các tiêu chuẩn theo "đơn đặt hàng" của đối tác"- bà Thủy chia sẻ.
Ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhìn nhận, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh phong phú, đa dạng, nhưng tiêu chuẩn chất lượng chưa đồng đều. Vùng sản xuất còn manh mún, dẫn tới sản lượng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Thêm vào đó, thiếu nhà máy sản xuất chế biến sâu, dẫn tới giá trị của sản phẩm nông sản còn thấp".
"Bình Định phải xác định sản phẩm chủ lực phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện của địa phương. Các địa phương đã xác định được sản phẩm chủ lực, giá trị kinh tế của từng cây trồng rồi, tập trung tổ chức sản xuất theo hướng vùng nguyên liệu lớn để đón nhà máy chế biến. Chúng ta lo nhất là thị trường, nên bài toán cần giải đó là phải có sản phẩm chuẩn thì thị trường mới đón nhận"- ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, việc thay đổi cách làm, cách tuy duy là rất quan trọng. Bình Định tập trung tổ chức vùng nguyên liệu lớn, tuân thủ quy trình sản xuất.