Mới đây, trên cơ sở nghiên cứu báo cáo của Bộ GD&ĐT, tổng hợp ý kiến các chuyên gia và cử tri, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Lịch sử cấp trung học phổ thông.
Theo đó, đồng tình với Báo cáo của Bộ GD&ĐT, Ủy ban đánh giá rằng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Riêng đối với Chương trình môn học Lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và trung học cơ sở) và là môn lựa chọn trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông), được thiết kế theo hướng chuyên sâu.
Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khi môn Lịch sử cấp trung học phổ thông là môn học lựa chọn sẽ có 3 khả năng xảy ra.
Nếu học sinh lựa chọn môn Lịch sử là một trong 5 môn học lựa chọn, học sinh sẽ học tổng thời lượng 210 tiết/3 năm học (tăng 70 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006).
Hoặc học sinh lựa chọn môn Lịch sử là một trong 5 môn học lựa chọn, đồng thời lựa chọn chuyên đề học tập là môn Lịch sử, học sinh sẽ học tổng thời lượng 315 tiết/3 năm học (tăng 175 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006).
Khi học sinh không lựa chọn môn Lịch sử thì không học thêm tiết nào. Kiến thức phổ thông dừng lại ở kiến thức chương trình tiểu học, trung học cơ sở và tích hợp ở một số môn học khác. Về thời lượng học ít hơn Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là 140 tiết.
Về nội dung môn học với thời lượng như trên, sau khi xem xét và thảo luận Ủy ban cũng bày tỏ rằng so với Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006 thì Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới.
Báo cáo chỉ ra, Chương trình được xây dựng theo hướng tinh giản, giảm những kiến thức mang tính hàn lâm, chú trọng đến việc hình thành năng lực và phẩm chất cho học sinh.
Bên cạnh đó, nội dung Chương trình môn Lịch sử ở cấp tiểu học được thiết kế theo phạm vi mở rộng dần về không gian địa lí và không gian xã hội.
Ở cấp trung học cơ sở, Chương trình môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.
Chương trình môn lịch sử ở bậc trung học phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12) được thiết kế theo hệ thống các chủ đề, chuyên đề học tập.
Từ đó giúp học sinh hình thành, phát triển tư duy lịch sử, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kĩ năng khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu.
Ý kiến cử tri là có cơ sở
Tuy nhiên, trước nhiều kiến nghị của cử tri cho rằng Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử.
Đặc biệt xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh trung học phổ thông (từ 15 đến 17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam.
Đây cũng là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người.
Trên thực tế, ở nhiều nước trên thế giới, môn Lịch sử trong Chương trình trung học phổ thông luôn là môn học bắt buộc.
Về vấn đề này, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng, môn Lịch sử cần được xác định vị trí đặc biệt quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông theo đúng tinh thần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo tinh thần Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội, đồng thời bảo đảm mục tiêu hình thành nhân cách, lòng yêu nước và sự hiểu biết, nhận thức về truyền thống dân tộc của học sinh và cho thế hệ trẻ.
Từ đó, Ủy ban cũng đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến các tầng lớp Nhân dân, ý kiến đội ngũ chuyên gia lịch sử, các đại biểu Quốc hội, quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp.
Thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).
Đặc biệt, cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và cách thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đối với môn học Lịch sử; đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử.