Đa đoan kiếp cầm ca
Danh cầm Nguyễn Phú Đẹ thôn Côn La, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) chia sẻ: Thân sinh của cụ lấy nghiệp cầm ca làm kế sinh nhai. Bố đi đánh đàn, mẹ đi hát, cậu bé Nguyễn Phú Đẹ đã nghiễm nhiên có niềm yêu thích ca trù từ trong lòng mẹ. Năm lên 10 tuổi, cụ và anh trai Nguyễn Phú Đọ đã được cha và ông truyền dạy những ngón đàn đáy. Cụ chia sẻ: "Cụ tổ của tôi tên là Nguyễn Phú Tằng, bố là Nguyễn Phú Quỳnh, thượng tổ thì tôi không nhớ tên vì gia phả đã bị mất. Dòng họ tôi đã có năm đời chơi đàn, đời tôi là đời thứ tư. Cái nghiệp này là do cha ông tôi truyền lại".
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ tâm sự rằng, để trở thành đào kép, ngoài sự say mê với nghề cần phải có lòng quyết tâm cùng sự kiên trì. Một kép (người đánh đàn đáy) dù chăm chỉ cũng phải mất 5 năm mới thành nghề. Lắm nỗi gian nan là thế, nhưng các tiếng khó vẫn phải tiếp tục học mãi, học đến già. Đào nương (người vừa hát vừa gõ phách) thì phải biết đủ các thể loại và các lối hát của ca trù. Nếu chỉ học một vài tháng, biết một vài ba làn điệu thì không thể gọi là đào hát được. Đào kép phải biết hết các lớp hát cửa đình, từ đầu đến đuôi mới được gọi là cô đầu. Vì thế người nào đàn hay, kép giỏi rất được quý trọng. Nhớ lại ngày trước lúc tế thánh, lễ thánh cụ tham gia hát thi ở làng để chọn đào hay, kép giỏi. Giám khảo ngồi khảo, đào kép phải có đầy đủ các lối hát (hát chơi, hát cửa đình và hát thi) mới được gọi là thành nghề, trở thành một cô đầu chính thức. Nhưng để hát hay thì cần phải trau dồi không ngừng. Vậy mà nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ lại thông thuộc cả đàn, hát, gõ phách và đánh trống.
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ đang dạo một làn điệu ca trù.
Ngày ấy, mới 15 tuổi, cụ đã theo nghề đi đàn riêng. Một năm có 12 tháng thì 6 tháng cụ đi đàn hát, 6 tháng gắn bó với ruộng đồng. Với cây đàn đáy bên mình, cụ đi khắp các tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam để đàn hát. Thời ấy trong cả tỉnh cứ có đám khao, đám cưới là người ta lại mời đào kép về hát ca trù. Nhiều lúc, một làng mời hát cả đêm, từ chập tối đến sáng. Khi ấy phải có ít nhất tám người, bốn kép và bốn cô đầu. Còn văn nho hay quan lại giàu có mới mời đào kép về tư dinh để hát. Chỉ cần một, hai cô đầu cùng một kép là đủ. Ngày trước những đám khao, đám cưới đều mời nhiều đào kép. Có khi một đám khao ăn bảy ngày bảy đêm, các đám cưới ăn vài ba ngày cũng đều mời cô đầu.
Đến những năm kháng chiến chống Pháp, gia phả của gia đình cụ bị giặc đốt, đàn bị phá. Suốt khoảng thời gian từ năm 1946, cụ phải gác đàn để làm ruộng kiếm kế sinh nhai. Mãi đến năm 1995, khi ca trù bước đầu được quan tâm, bảo tồn, người ta mới biết tìm đến cụ. Trong khoảng 50 năm gián đoạn, không có ghi chép mà cụ vẫn nhớ hết các ngón đàn. Khi nghỉ ngơi, lúc rỗi việc là cụ nhẩm lại theo trí nhớ. Cụ bảo: "Đàn đáy khó vì không có nốt, phải nhớ bằng óc và gảy rồi ca thì mới cảm nhận hết được cái hay của nó. Hiện tại, tôi cũng đã ghi chép lại các làn điệu ca trù để cho đời sau học".
Mỏi mắt tìm truyền nhân
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ kể: "Thôn Cao La, trước gọi là đất giáo phòng nghĩa là đất biết đàn hát, biết nghe hát, chính là cái nôi ca trù của Hải Dương. Trước có đền thờ Thánh ông Đinh Thiên Hương và Thánh bà Quỳnh Huê công chúa, còn có mấy đạo sắc vua phong. Nhưng trải qua nhiều biến cố, đền đã bị phá và đạo sắc cũng mất. Vì muốn lưu giữ nghệ thuật ca trù cùng tiếng đàn đáy trên mảnh đất này nên cụ đã tích cực nhận học trò để truyền dạy.
Cụ lấy đàn đáy để đàn cho tôi nghe, đôi tay uyển chuyển trên từng phím đàn. Trong không gian tĩnh lặng, người nghe dễ bị cuốn hút bởi những âm thanh trầm đục sâu lắng. Cụ lặng lẽ gieo gửi những trăn trở vào những tiếng đàn da diết. Cụ tâm sự rằng, một điều khiến mình luôn luyến tiếc là con cháu không ai theo nghề. Chỉ có duy nhất một người cháu ngoại của cụ theo học, đã có thể đàn thành thạo.
Cụ dạy cả đàn, hát ở nhiều nơi. Học đàn cũng chia ra làm sơ cấp, trung cấp và đại học. Cụ kể rằng, khi xưa mình học cũng phải tự biến hóa. Tiếng đàn đã biến đổi nhiều, không giữ nguyên bản cổ. Muốn đàn được yêu cầu người học phải có niềm say mê, kiên trì, khổ luyện. Học đàn rất khó, người thầy phải hướng dẫn từng ngón tay một. Phải mất 5 năm mới gọi là thành nghề, học hát cũng tương tự như vậy. Ca trù có nhiều thể: Hát miễu, hát nói, bắc phản, gửi thư, tỳ bà, cung bắc, hát ru, kể chuyện, hát huê tình. Chỉ riêng một lối hát cửa đình đã có mười hai thể. Người gọi là cô đầu thanh thân thì cũng phải từ 3 - 5 năm mới hát được. Học đàn, hát riêng nhưng hiếm người theo học đến cùng. Thường chỉ học được vài ngón đàn, biết ca vài làn điệu là người học đã bỏ ngang. Cụ trải lòng: "Tôi dạy đến 50 mươi người mới chọn được hai trò gọi là thành nghề. Họ đều ở trình độ đại học, đều đã có huy chương vàng".
Cụ kể về cái duyên với hai học trò mình tâm đắc. Vào những năm cụ sống ở Hà Nội, cụ thường đi diễn vào thứ bảy hàng tuần. Anh họa sĩ Phạm Đình Hoằng hay đến xem rồi vì mê quá mà xin theo học. Anh đã theo thầy học được sáu năm. Khi cụ đã chuyển về Hải Dương sống, anh vẫn đều đặn xuống học thầy. Người thứ hai là ca nương Phạm Thị Huệ, cũng theo thầy học nhiều năm. Hai thầy trò đã ra một CD chung mang tên Ca trù Singing house. Hai học trò một nam, một nữ hiện tại vẫn thường xuống thăm cụ để học những tiếng đàn hay, luyện tay đàn.
Danh cầm Nguyễn Phú Đẹ cũng dành nhiều tâm sức truyền dạy cho các ca nương của Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long (nay là Giáo phường Ca trù Thăng Long) và đào tạo ra được nhiều học trò xuất sắc. Hình ảnh người thầy cao tuổi cao gầy, khuôn mặt khắc khổ, mắt đeo kính trắng tận tụy chỉ dạy học trò từng lời ca, ngón đàn thể hiện cái tâm của một thế hệ muốn lưu giữ báu vật cho con cháu. Cụ sẵn sàng dốc sức hướng dẫn cho những người muốn tìm đến nghệ thuật ca trù. Trong đó cũng có cả câu lạc bộ Ca trù Hải Dương và các em nhỏ trong thôn. Hiện tại danh cầm Nguyễn Phú Đẹ vẫn tham gia vào câu lạc bộ Ca trù của xã Cao La, gồm có hai mươi người vừa đi diễn vừa lo nỗi lo cơm áo. Cụ vẫn chăm chỉ làm công nhà việc người.
Gần một thế kỷ gắn bó với ca trù, danh cầm Nguyễn Phú Đẹ vẫn đau đáu với việc gìn giữ loại hình nghệ thuật mang tính bác học này. Cụ chia sẻ: "Giờ tôi đã truyền nghề được cho gần ba mươi học trò xuất sắc, chứ lúc trước tôi rất lo. Tôi sợ ca trù sẽ dần mai một và đến một ngày nào đó sẽ mất đi. Tôi vẫn dạy không lấy tiền mà không có người học. Công tác bảo tồn ca trù chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Tôi mong các ban ngành chức năng sớm đưa ra các chính sách để lưu giữ hồn ca trù. Nhà nước nên sớm có địa điểm đào tạo chuyên biệt về ca trù".
Khó khăn tìm truyền nhân, không có chi phí hỗ trợ để giữ nghề, có đôi khi cụ cũng cảm thấy chán nản. Nhưng rồi niềm say mê với nghề đã chiến thắng tất cả. Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ vẫn hăng hái đi diễn, đi chỉ dạy lời ca tiếng đàn cho những người yêu ca trù nhằm mục đích giữ lửa cho loại hình âm nhạc thính phòng độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Những phần thưởng cao quý cho "nghệ nhân nguyên bản ca trù hiếm hoi" Nhiều giải thưởng được trao cho đệ nhất danh cầm Việt Nam nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của cụ với ca trù. Năm 2009, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ đã được Học viện Âm nhạc Việt Nam mời lên dạy nhằm chuẩn bị cho tiến trình UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trước đó, năm 2005, cụ tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc và giành huy chương vàng. Năm 2006, cụ được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng là nghệ nhân dân gian. Được tặng Giải thưởng Đào Tấn năm 2010 và rất nhiều kỷ niệm chương, huy hiệu, bằng khen, giấy khen. Cụ được biết đến là cây đàn đáy số một của Việt Nam, một trong những nghệ nhân nguyên bản hiếm hoi của bộ môn nghệ thuật ca trù. Cụ cũng là kép đàn duy nhất có thể đeo đàn đứng hát trong nghi lễ hát ca trù Cửa đình. |
Thanh Loan