Sáng 30/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tham dự và chủ trì Diễn đàn kết nối nông sản 970 với chủ đề "Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương sản phẩm chăn nuôi".
Sản lượng chăn nuôi cơ bản ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, ngành chăn nuôi đang đứng trước nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây nên như, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao kéo theo chi phí sản xuất lũy tiến, nhu cầu tiêu thụ, giá thành sản phẩm đầu ra sụt giảm…
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cam kết vẫn hoàn thành nhiệm vụ khi từ nay tới cuối năm, mục tiêu 5,8 triệu tấn thịt các loại, 1,2 triệu tấn sữa và 16 tỷ quả trứng sẽ đạt được. Sản lượng này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trong nước, nhất là giai đoạn tiêu thụ cao điểm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Thứ trưởng hy vọng, diễn đàn sẽ là cầu nối giúp người bán và người mua gặp nhau, qua đó giải tỏa áp lực dư thừa cục bộ trong thời gian qua. Đồng thời chỉ ra nhiệm vụ trước mắt của ngành chăn nuôi là tập trung tái đàn các loại sản phẩm trọng yếu như lợn, gà…
“Nguồn cung chăn nuôi có vai trò rất lớn trong ổn định kinh tế vĩ mô. Đó là lý do, ngành nông nghiệp cần tập trung trí tuệ, nguồn lực để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra”, Thứ trưởng chỉ đạo.
Phát biểu tham luận, ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, chuỗi vận chuyển đứt gãy, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 khiến khâu tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Tuy nhiên, các chỉ số sản xuất chăn nuôi toàn tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, chuỗi cung ứng cơ bản được ổn định.
“Tính đến tháng 10, Bình Phước đã tiêu thụ được 3,2 triệu con lợn, hơn 48 triệu con gà và nhiều sản phẩm chăn nuôi khác”.
Phó Chủ tịch tỉnh Bình Phước đề xuất Bộ NN-PTNT sớm xây dựng sàn giao dịch nông sản điện tử để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thủ tục để đưa chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam, xây dựng hệ thống chăn nuôi an toàn, đảm bảo mục tiêu phòng dịch.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết, việc tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi hiện đang gặp khó khăn do đứt gãy chuỗi vận chuyển, nhất là sản phẩm thịt lợn.
Từ nay tới cuối năm, sản lượng của tỉnh có thể đạt khoảng 26.000 tấn thịt lợn, hơn 1.100 tấn thịt bò, hơn 8.700 tấn gia cầm nhưng trên địa bàn tỉnh chỉ có 7 cơ sở giết mổ, hầu hết là tự phát và nhỏ lẻ.
Về vấn đề Sở NN-PTNT Bắc Giang nêu ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, Bắc Giang có không gian rất lớn trong việc phát triển vì nhu cầu tiêu thụ thịt bò tại Việt Nam tăng đều trong những năm qua. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu gia tăng giá trị, tỉnh cần sớm xóa bỏ tình trạng chăn nuôi thô sơ, khẩn trương xây dựng chuỗi sản xuất và chế biến sản phẩm để tối đa hóa lợi ích kinh tế.
Báo cáo của các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…sau đó về cơ bản vẫn mang tính ổn định, chủ động được nguồn cung sản phẩm chăn nuôi và đang trên đà phục hồi sản xuất.
“Sự phân bổ lợi ích trong chuỗi sản xuất chăn nuôi hiện nay rất bất hợp lý…”
Theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai; công ty TNHH Emivest Việt Nam; công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt…ngành chăn nuôi hiện có 3 xu hướng chính là: doanh nghiệp FDI, trang trại lớn, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và đều đang phải đối mặt với những khó khăn như giá nhân công; giá đầu tư an toàn sinh học, phòng dịch bệnh; giá thức ăn gia súc đều tăng sau đại dịch. Cá biệt, nhóm thức ăn gia súc tăng hơn 30% và chưa thấy có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, giá thành phẩm đang sụt giảm do sức mua của thị trường chưa hồi phục.
Các doanh nghiệp đều đưa ra những kiến nghị về mặt cơ chế, chính sách hỗ trợ để sớm bình ổn thị trường, giúp khôi phục các hoạt động sản xuất.
Giáo sư, Tiến sĩ Lã Văn Kính, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, gây chú ý cho diễn đàn với bài tham luận chi tiết, nhìn thẳng vào những vấn đề còn tồn tại.
Theo ông Kính, sự phân bổ lợi ích trong chuỗi sản xuất chăn nuôi hiện nay rất bất hợp lý. Điều này thể hiện ở việc chênh lệch giá xuất chuồng với giá thành phẩm ngoài thị trường có thể lên đến 3-4 lần. Điều này gây thiệt hại lớn cho cả người chăn nuôi lẫn tiêu dùng, giá thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ, giá cao khiến hạn chế nhu cầu tiêu thụ của người dân.
“Đầu vào của người chăn nuôi do các công ty phân phối giống, thức ăn chăn nuôi…quyết định nhưng giá tiêu thụ lại do người mua quyết định. Có thể nói, người chăn nuôi đang không có quyền gì”.
Để minh chứng cho luận điểm của mình, Giáo sư Lã Văn Kính viện dẫn ví dụ ở thị trường Đài Loan, nơi mà giá thức ăn chăn nuôi chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền. Muốn tăng giá, nhà sản xuất phải đưa ra được những bằng chứng thuyết phục và chỉ được tăng nếu cơ quan quản lý Nhà nước cho phép.
Phản hồi tham luận của Giáo sư Lã Văn Kính, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, do tình hình dịch bệnh, đứt gãy chuỗi vận chuyển, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh dẫn đến tình trạng ứ đọng cục bộ sản phẩm chăn nuôi, buộc giá thành phải giảm theo.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho biết, nhằm mục tiêu bình ổn thị trường thức ăn chăn nuôi, thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã tiến hành rà soát tại các nhà máy, tập đoàn sản xuất.
Sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ xây dựng một chương trình phát triển giống bò tại Việt Nam, giúp bình ổn thị trường này, doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong nguồn cung con giống cho sản xuất.
2021- 2025: Kỳ vọng phát triển vượt bậc
Tình hình giá thịt lợn là vấn đề được nhiều người dân và doanh nghiệp rất quan tâm trong thời gian qua.
Báo cáo của ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho thấy, sau nhiều chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Bộ NN-PTNT; Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, giá thịt lợn hơi đã có dấu hiệu tăng trở lại, hiện nay đạt mức từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, có nơi 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Nhận định vai trò quan trọng của các khâu trung gian trong điều tiết giá cả thị trường, thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ hoàn thiện các quy định và chính sách về việc thu mua, giết mổ, chế biến và dự trữ sản phẩm chăn nuôi khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu… đồng thời kiến nghị Chính phủ có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ lãi suất cho các cơ sở sản xuất để khôi phục hoạt động.
Tình hình dịch bệnh động vật cơ bản được kiểm soát nhưng ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) vẫn nhấn mạnh và đề nghị các địa phương hết sức cẩn trọng về nguy cơ bùng phát trở lại của một số loại bệnh như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục… gây nhiều thiệt hại lớn về kinh tế.
Ông Long cho biết, hiện đã phát hiện chủng virus mới H5N6, H5N8 có nguồn gốc lây lan từ Trung Quốc, nguy hiểm hơn, các loại virus này có thể lây bệnh sang người. Hiện trên cả nước còn 3 ổ dịch là Tây Ninh, Bình Phước và Ninh Bình chưa qua được mốc 21 ngày.
Cục Phó Cục Thú y cũng đem đến nhiều tín hiệu tích cực cho ngành chăn nuôi Việt Nam khi cho biết, thịt gà chế biến của Việt Nam đã xuất sang được 7 thị trường mới, bao gồm cả một số nước châu Âu. Sữa, được phê duyệt trong danh sách xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Khẳng định vai trò của khâu trung gian (nhà cung cấp) trong chuỗi tiêu thụ sản phẩm, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề nghị Bộ NN-PTNT, các Hiệp hội bổ sung và xây dựng quy chế quản lý đối với khâu quan trọng này.
“Từ lò mổ cho đến siêu thị phải trải qua nhà cung cấp, thành bại hay không cũng do yếu tố này nhưng nhà cung cấp không hề có trong danh sách quản lý của các hiệp hội chuyên ngành, ví dụ như Hiệp hội chăn nuôi, Hiệp hội gia cầm… dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý”, ông Toản phân tích.
Một vấn đề nữa được ông Toản lưu ý là tính liên minh giữa các ngành hàng, sự trợ giúp cảm xúc từ truyền thông có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong công tác xuất khẩu.
Phát biểu kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, tinh thần của Bộ NN-PTNT khi triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 theo tinh thần Quyết định số 1520/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là phải triển khai một cách quyết liệt ngay từ ban đầu.
“Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, không quyết liệt, không trọng tâm thì chắc chắn sẽ không triển khai, không hòa nhịp được với thế giới. Muốn thực hiện được những mục tiêu đã đề ra, không được để chiến lược trên giấy, cần phải thực hiện quyết liệt, rà soát hàng năm…”
Trong tháng 11, Bộ NN-PTNT sẽ trình đề án phát triển lên Chính phủ với 5 nội dung cụ thể là Dự án phát triển con giống; thức ăn chăn nuôi; công nghệ chế biến; đề án bảo vệ môi trường và cuối cùng, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ.
Đây là những nội dung phát triển trọng điểm cho giai đoạn 2021- 2025, được Bộ NN-PTNT kỳ vọng sẽ tạo ra một động lực rất lớn thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng phát triển.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao về sự hợp tác, đoàn kết giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng với Bộ NN-PTNT trong việc giải quyết những khó khăn, bất đồng còn tồn tại.