Nhận xét về đề xuất của PGS.TS. Bùi Hiền, PGS. TS. Hoàng Dũng, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: Những thay thế ng bằng q, th bằng w… sẽ gây khó khăn cho học sinh học ngoại ngữ. Khi đó, chữ Việt trở thành một ngoại lệ duy nhất trên thế giới, vì không có hệ chữ viết Latinh nào lại gán cho các con chữ q, w một cách phát âm như thế.
Cách viết cải tiến của ông Hiền dựa vào phát âm của người Hà Nội, do đó việc nhập một ch-tr, s-x, gi-d-r sẽ tạo ra hàng loạt các từ đồng tự, gây trở ngại cho việc nhận hiểu nghĩa từ: chẳng hạn các từ tra và cha đều viết là ca; sa và xa đều viết là sa; gia, da và ra đều viết là za... Đó là chưa kể tại sao lại loại trừ sự phân biệt tr-ch, s-x, d-r vốn phổ biến ở các phương ngữ khác?
Đề xuất cải tiến của ông Hiền vẫn để lộ khuyết điểm rất khó hiểu: của và quả vốn đọc rất khác nhau lại đều được viết là kủa, vi phạm cái nguyên tắc do chính ông đề ra: “mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt”.
Sự cải tiến một cách quyết liệt như thế sẽ tạo ra một đứt gãy văn hóa giữa các thế hệ, giữa những người chỉ biết cách viết “mới” với di sản tư liệu chữ Quốc ngữ “cũ”. Thứ năm, muốn khắc phục phần nào (chỉ phần nào thôi) sự đứt gãy văn hóa đó, phải tốn một khoản tiền khổng lồ để chuyển kho tư liệu vốn được viết theo cách viết “cũ” sang cách viết “mới”.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn nêu quan điểm: "Tôi rất ủng hộ nghiên cứu của tác giả Bùi Hiền về sự tu chỉnh tiếng Việt cho hoàn thiện. Cần tránh tối đa việc xúc phạm một công trình nghiên cứu nghiêm túc. Đề xuất của ông lạ với những thứ ta đã biết, không có nghĩa là ông sai, ta đúng. Cứ lấy cái ta biết làm chuẩn mực thì mặt trời vẫn xoay quanh trái đất, và chúng ta vẫn tăm tối như thuở trước thời trung cổ".
"Ngay cả tiếng Đức vốn được xem là thứ tiếng của triết học, văn chương, kỹ thuật thì cũng được nước Đức chuẩn hoá và luật hoá nhiều lần. Suy cho cùng, tiếng nào cũng biến đổi theo thời gian. Tiếng hay âm thay đổi, thì cách ký âm phải thay đổi.
Suy rộng ra, cần ứng xử văn minh với những thứ khác ta, khác cái ta biết sẵn. Cái ta biết chưa hẳn đã đúng, nó chỉ đơn giản là mặc định một thứ ta đã biết là đúng. Nhưng cái đó là chân lý hay tối ưu chưa, thì chưa hẳn. Nhiệm vụ của người làm nghiên cứu là thử thách các sự hiểu biết đã có, nếu không thì sinh ra nhà nghiên cứu để làm gì?", ông Sơn nói.