Trao đổi với Truyền hình TTXVN, TS.Vũ Thị Kim Tuyến (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) đề xuất Chính phủ nên có chủ trương cấm hoàn toàn túi nilon sử dụng một lần để bảo vệ môi trường. Theo bà Tuyến, việc cấm triệt để này sẽ buộc thị trường phải tìm biện pháp thay thế như sử dụng lá chuối bọc thực phẩm thời gian qua một số nơi khởi xướng, hoặc dùng túi nilon bằng chất liệu thân thiện môi trường.
Theo Truyền hình TTXVN, từ 1/1/2019, biểu thuế Bảo vệ môi trường áp dụng đối với mặt hàng túi nilon tăng lên 50.000 đồng/kg, nhằm sử dụng biện pháp kinh tế để hạn chế sử dung mặt hàng này.
Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, chính sách hạn chế sản xuất và sử dụng túi nilon không nằm ở công cụ thuế bởi số liệu tự Bộ Tài chính cho hay, trong nhiều năm qua số tiền thuế Bảo vệ Môi trường thu được từ túi nilon khá khiêm tốn, chỉ khoảng 70 tỷ đồng.
Trong một phóng sự phát sóng mới đây, VTV24 cho biết, từng đem lại sự tiện dụng cho người dùng rất lớn nhưng việc lạm dụng túi nylon và thiếu cách xử lý loại rác thải này đã khiến môi trường sống của chúng ta bị huỷ hoại. Giờ đây, túi nylon là kẻ thù của con người, của môi trường. Và để bảo vệ mẹ trái đất, nhiều quốc gia đã tuyên chiến với túi nylon.
Kể từ tháng 10/2018, tại Hàn Quốc, ngoài các siêu thị, các cửa hàng bán bánh kẹo cũng nằm trong danh mục bị cấm cung cấp miễn phí túi nylon cho khách hàng.
Còn tại Australia, chuỗi siêu thị hàng đầu là Coles cứ đầu tháng lại phát tặng miễn phí túi thân thiện với môi trường trong vòng 1 tháng, để giúp khách hàng điều chỉnh thói quen mua sắm, chuẩn bị cho việc chấm dứt sử dụng túi nylon trong tương lai.
Trong khi đó, Toà án hiến pháp Chile vừa qua, cũng đã phê chuẩn dự luật cấm các doanh nghiệp sử dụng túi nylon, mở đường cho Chile trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Mỹ Latin áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường này.
Không chỉ tại châu Âu, châu Á, hay châu Mỹ, lệnh cấm sử dụng túi nylon tại siêu thị cũng được áp dụng ở hàng loạt các quốc gia châu Phi. Tại Kenya, bất kỳ ai ở nước này bị phát hiện bán, sản xuất, hoặc sử dụng túi nylon đều có thể bị phạt tới 38.000 USD hoặc lĩnh án tới 4 năm tù giam. Một số quốc gia châu Phi khác đã cấm túi nylon, bao gồm Nam Phi, Rwanda và Eritrea.
Được biết, túi nilon hiện bị cấm sử dụng tại 91 quốc gia trên thế giới, trong đó có 55 quốc gia cấm trên phạm vi cả nước.
Để hạn chế việc sử dụng túi nilon, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định cấm sản xuất các loại túi nilon khó phân hủy có bề dày một lớp màng nhỏ hơn 30 micromet.
Còn tại Việt Nam, theo VietnamNet, từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, theo đó khối lượng túi nilon sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại sẽ giảm tới 65% so với năm 2010.
Tại Đề án này, túi nilon khó phân hủy ở các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh sẽ được hạn chế sử dụng trong từng giai đoạn.
Cụ thể, từ 2013 đến năm 2015, những túi nilon khó phân hủy được sử dụng tại siêu thị, trung tâm thương mại sẽ giảm tới 40%, với chợ dân sinh thì con số túi nilon khó phân hủy chỉ giảm được 20%.
Để hạn chế việc sử dụng túi nilon, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định cấm sản xuất các loại túi nilon khó phân hủy có bề dày một lớp màng nhỏ hơn 30 micromet (30µm), tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom, tái chế.
Bên cạnh đó, nhằm tái chế khối lượng chất thải túi nilon, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phải thu gom và tái chế 25% khối lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt
Mặt khác, trong quá trình nghiên cứu khoa học, những sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện với môi trường sẽ được tăng cường sản xuất và sử dụng, phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải túi nilon khó phân hủy đồng thời sử dụng công nghệ tiên tiến tái chế chất thải túi nilon khó phân hủy trở thành các sản phẩm hữu ích...
H.Y (tổng hợp)