Báo Thanh Niên đăng tải ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) về đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH giảm thời gian nghỉ trưa của cán bộ công chức cơ quan hành chính nhà nước xuống còn 1 giờ.
Theo đó, ông Cảnh nhận định, trên thế giới cũng như châu Á, hầu hết các nước bắt đầu giờ làm việc ở cơ quan hành chính, khối văn phòng, cơ sở giáo dục từ 8h30 hoặc 9h, thời gian nghỉ trưa là 1 giờ.
Thông tin tổng hợp cũng cho thấy đất nước có thời gian nghỉ trưa kéo dài có năng suất làm việc thấp hơn các nước khác trong cùng khu vực. Trong cùng một đất nước, vùng có thời gian nghỉ trưa dài hơn thì kinh tế cũng kém phát triển hơn vùng còn lại.
"Thực tế ở Việt Nam, hiện nay thời gian bắt đầu làm việc thường là từ 7h hoặc 7h30 đến 17h. Thời gian nghỉ trưa từ 1h30 phút đến 2h. Theo tôi, nếu các nước đã nghiên cứu và áp dụng giờ làm hợp lý thì chúng ta cũng cần nghiên cứu để xem khung giờ làm việc hiện nay đã tối ưu chưa, hay cần thay đổi.
Qua tính toán các khung giờ để áp dụng cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, giờ làm việc sẽ bắt đầu từ 8 giờ 30, kết thúc lúc 17 giờ, thời gian nghỉ trưa là 1 giờ. Riêng doanh nghiệp nhà nước sẽ tự quyết định giờ làm cho phù hợp với từng đơn vị"- ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh nói.
Trước đó, báo VnExpress đăng tải ý kiến độc giả nêu quan điểm đề nghị về việc nên giảm thời gian nghỉ trưa để học và làm lúc 8h như người Thái.
Độc giả này đang sống ở Thái Lan, nhận thấy giờ học và làm việc của người lớn và trẻ em ở nước này khá thoải mái. Sáng làm việc từ 8h - 12h, chiều từ 1h đến khoảng 4h30-5h. Trẻ con học lúc 8h.
Độc giả cho biết đã tham khảo 55 nước và không thấy ở đâu bắt học lúc 7h15 như Việt Nam.
"Tôi không hiểu được tại sao Việt Nam mình lại đi học và đi làm sớm như vậy trong khi thời gian nghỉ trưa lại rất dài. Lấy lý do thời tiết nắng nóng thì không thuyết phục lắm, Thái Lan có những vùng ở gần xích đạo hơn mình, khí hậu ở bên này nóng hơn nhiều, 6h - 6h30 trời nắng cho đến tận 17h chiều, đôi khi 18h30" - độc giả nêu câu hỏi và đề nghị chỉ nên nghỉ trưa 1h là đủ.
Trong khi đó, đại diện cho quan điểm ngược lại, báo Lao Động đặt vấn đề: Đại biểu Quốc hội đang đề xuất thay đổi giờ làm việc, thu hẹp thời gian nghỉ trưa của người lao động. Liệu việc thay đổi giờ làm việc có ảnh hưởng đến sức khỏe?
Tờ báo này dẫn lời TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, về mặt y học, ngủ trưa rất quan trọng, chỉ cần 20 - 30 phút ngủ trưa mỗi ngày, não bộ sẽ được nạp đầy năng lượng, giúp tăng cường trí nhớ, cải thiện tâm trạng, tăng tư duy sáng tạo và tăng hiệu quả làm việc. Ngủ trưa rất tốt cho sức khỏe, nhất là những người lao động trí óc. Ngủ trưa dễ dàng giúp lấy lại năng lượng cho cơ thể, loại bỏ căng thẳng và mệt mỏi. Nhờ tác dụng giảm căng thẳng, đầu óc có thể tập trung tốt hơn, hiệu quả làm việc tăng lên rõ rệt.
Đưa ra lý do tại sao phải ngủ trưa, TS Hải lý giải: Khi ngủ, hormone serotonin được sản sinh ra làm dịu thần kinh và mang lại sự sảng khoái về tinh thần. Ngủ trưa còn có thể làm giảm tình trạng quá tải thông tin trong não bộ. Do đó, não còn nhiều "không gian" hơn cho những thông tin mới cần được xử lý. Từ đó, bộ nhớ cũng được cải thiện đáng kể. Nghỉ trưa còn tốt cho nhiều bộ phận của cơ thể như tim mạch, da dẻ…
Cũng theo TS Hải, nên ngủ trưa nhưng đừng ngủ trưa quá nhiều. Thời gian lý tưởng cho một giấc ngủ trưa là khoảng từ 20 - 30 phút. Với thời gian này, sau khi thức dậy, bạn sẽ cảm thấy năng lượng phục hồi nhanh chóng và có thể tỉnh táo bắt tay vào công việc ngay. 30 phút đầu tiên của giấc ngủ trưa có thể đạt tương đương khoảng 60 phút của giấc ngủ về đêm.
Quan điểm của TS Doãn Ngọc Hải, thay đổi thời gian làm việc cần phải xem xét. Việc rút ngắn thời gian nghỉ trưa ít nhiều ảnh hưởng đến thói quen bao lâu nay của một nhóm người. Do đó, muốn thay đổi một thói quen cần có thời gian.
H.Y (tổng hợp)