Theo nội dung công văn, trong thời gian qua, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) có diễn biến phức tạp, lây nhiễm rất nhanh tại Trung Quốc và lan ra nhiều quốc gia trên thế giới. Dịch bệnh có tác động toàn diện ở tất cả các mặt từ y tế, giao thông, du lịch, giáo dục, thương mại...
Đối với lĩnh vực thương mại, Việt Nam không chỉ bị ảnh hưởng trong quan hệ thương mại trực tiếp với Trung Quốc mà cả trên các thị trường thứ ba, từ xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới cho đến thương mại nội địa, sản xuất công nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng.
Trước tình hình trên, các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp đang vào cuộc quyết liệt để phòng chống dịch và giảm thiệt hại do dịch gây ra. Các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng đã và đang tham gia tích cực trong việc thu mua và tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, Bộ Công Thương trân trọng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các công tác đảm bảo chống dịch ở các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo tinh thần của công văn số 808/VPCP-KTTH ngày 5/2/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
Phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc bố trí lực lượng đơn vị chức năng phân luồng, phân tuyến tại đường bộ nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản lưu thông, điều tiết tiến độ vận chuyển, giao hàng tại khu vực biên giới.
Phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như: giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay... làm việc với các hãng vận tải, hãng tàu nhằm giảm giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giảm phí dịch vụ tại cảng để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp logistics.
Phối hợp chặt chẽ và thông tin kịp thời cho Bộ Công Thương về các công tác triển khai ứng phó với dịch bệnh của quý Bộ có khả năng gây tác động đến hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu hàng hóa.
Trước đó, báo cáo nhanh ghi nhận đến trưa ngày 24/2, Bộ Công thương ghi nhận tổng lượng hàng hóa các loại xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc là 390 xe, tổng lượng nhập khẩu là 374 xe và 18 toa tàu. Hiện tổng lượng hàng hóa còn đang tồn tại khu vực cửa khẩu biên giới là 695 xe và 11 toa tàu.
Chỉ riêng tại Lạng Sơn, theo Bộ Công thương, tổng lượng hàng hóa các loại đang tồn tại các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh là 495 xe và 11 toa tàu, trong đó tại Hữu Nghị là 368 xe, Tân Thanh là 113 xe, Cốc Nam là 11 xe, ga Đồng Đăng là 11 toa tàu và Chi Ma là 3 xe.
Đặc biệt, tiến độ thông quan xuất khẩu hàng hóa nông sản (chủ yếu là thanh long, dưa hấu) qua cửa khẩu Tân Thanh từ khi mở cửa trở lại đến nay vẫn còn rất chậm, chưa cải thiện được nhiều và ngày càng sụt giảm.
Đến ngày 20/2, số xe xuất khẩu chỉ được 26 xe, cao điểm ngày 21/2 được 28 xe và giảm dần chỉ còn xuất được 10 xe trong ngày 24/2.
Hoàng Mai