Mới đây, bàn về Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), nhiều Đại biểu Quốc hội đề xuất mở rộng đối tượng được trao danh hiệu Nhân dân hay Ưu tú, đồng thời đảm bảo tính công bằng trong công tác khen thưởng.
Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật thì cũng nên mở rộng việc phong tặng danh hiệu này cho chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên.
Vậy người trong nghề nói gì về những đề xuất này?
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt bày tỏ quan điểm với Người Đưa Tin: "Với tôi, việc mở rộng phong tặng là cần thiết, vì bất cứ lĩnh vực sáng tạo nào trong nghệ thuật chung quy mục đích cuối cùng đều mang đến những giá trị tốt đẹp cho con người và cuộc sống. Thành ra việc hạn chế danh xưng ở nghề này nhưng thoải mái với nghề kia theo tôi là không nên cứng nhắc. Tuy nhiên, mọi thứ nên có lộ trình và cần có những chuẩn mực rõ ràng, tránh việc lạm dụng danh hiệu cũng như trao danh hiệu bừa bãi dẫn đến đánh mất những yếu tố ý nghĩa, trân trọng với những người thật sự xứng đáng".
Chia sẻ với Người Đưa Tin về việc đề xuất mới đây, nhà văn Y Ban - Phó Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội cho biết: "Tôi có biết thông tin về việc đề xuất xét tặng danh hiệu Nhân dân, Ưu tú cho một số ngành nghề như: Biên đạo, hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà văn... nhưng tôi thấy không cần thiết. Những người làm nghệ thuật thì nên để tác phẩm của họ lan toả đến khán giả, độc giả. Tôi sợ, khi có những danh hiệu này thì lại có nhiều sự đàm tiếu, vì nhiều người làm việc chân chính có khi lại không được nhận hoặc sẽ có nhiều ồn ào xung quanh việc phong tặng này".
Nhà văn Y Ban cho biết thêm, việc nhận danh hiệu nghệ sĩ Nhân dân, nghệ sĩ Ưu tú vừa qua là do sự bỏ phiếu, liệu có công bằng không? "Thầy giáo của tôi nói rằng, ông đã học qua nhiều tấm bằng, nhưng việc làm bằng lòng nhiều người thì rất khó, có người yêu thì cũng có người ghét mình nên có công bằng không? Với một nhà văn, nhạc sĩ, hoạ sĩ đích thực liệu họ có cần người khác bỏ phiếu để mình có danh hiệu hay không?
Người tài đích thực mang nhiều sứ mệnh, trong đó có sự sáng tạo trong sáng tác chứ không phải chăm chăm đợi người khác phong tặng danh hiệu cho mình. Bây giờ có nhiều kẻ háo danh lắm, họ tưởng có đồng tiền là mua được tất cả, việc này cũng xảy ra ở văn chương hiện đại. Đối với nhà văn thì sự công nhận của bạn đọc là quan trọng nhất, chứ không phải một cuộc thi, hay một tổ chức nào cấp giấy công nhận danh hiệu" - Nhà văn Y Ban thẳng thắn.
Hoạ sĩ Phạm Sinh (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) thì tâm sự: "Việc phong tặng danh hiệu Nhân dân và Ưu tú cho các lĩnh vực như nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả... không có ý nghĩa gì cả, tôi cho rằng, người làm nghệ thuật mục đích cao nhất của họ là sự đam mê, cống hiến và sáng tạo để tìm một lối đi riêng chứ không cần một danh hiệu, danh xưng nào đó.
Nhưng ở Việt Nam mình, việc "sính" danh xưng vẫn có. Nếu có hai hoạ sĩ có tài như nhau, mà một người có học hàm, học vị thì sẽ được tôn trọng hơn người kia. Có người kiếm tiền bằng danh hiệu nên người ta đua nhau tìm kiếm một danh xưng nào đó.
Theo tôi, kiến trúc sư, hoạ sĩ thì không cần thiết phải trao tặng danh hiệu Nhân dân hay Ưu tú như nghệ sĩ biểu diễn, vì tác phẩm, công trình của họ được công nhận và có nhiều giải thưởng ngành rồi".
Nhiếp ảnh gia Trần Việt Dũng nói về việc đề xuất xét tặng danh hiệu: "Người chụp ảnh, nhiếp ảnh gia cũng được đề xuất danh hiệu Nhân dân và Ưu tú lần này liệu có cần thiết? Nhiếp ảnh gồm hai mặt: Thẩm mỹ và kỹ thuật, nhiếp ảnh là sự phát hiện, dùng một công cụ để chép lại hiện thực một cách sinh động nhất, người chụp ảnh không tạo ra bức ảnh đó mà chỉ chớp thời cơ để chụp lại khoảnh khắc, không hợp với những danh hiệu trên.
Thời gian qua, tôi thấy rằng, có nhiều ngành nghề được phong tặng danh hiệu thành ra người ta cứ mải đuổi theo cái danh mà quên mất thiên chức thực sự của mình. Thậm chí, chỉ vì cái danh hiệu đó mà người ta tỵ nạnh, ganh đua, dèm pha nhau… chẳng tốt lành và đẹp đẽ gì cả. Thời gian ấy để sáng tác thì sẽ tốt hơn. Phong tặng danh hiệu, danh xưng sẽ làm nhiều người tự mãn với mình, không phấn đấu sáng tạo, họ "ngủ quên" trên danh hiệu là rất dở".
Quay phim Ngọc Phương thì cho biết, việc các Đại biểu Quốc hội đề xuất danh hiệu cho các lĩnh vực mới cũng không có gì phải tranh cãi. "Tôi cho rằng, việc đề xuất này cần có thời gian để xem có hợp lý không, nếu hợp lý thì ngành nghề sẽ có sự tôn vinh mới, nếu không hợp lý thì có thể bày tỏ ý kiến của mình chứ không có gì phải tranh cãi. Bản thân tôi làm nghề chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm vì sự tôn vinh hay danh hiệu nào đó.
Nếu cứ làm việc để được công nhận, điều đó rất nguy hiểm, bởi làm nghệ thuật mà chỉ nghĩ đến sự vinh danh thì không sáng tạo được. Tôi cho rằng, với những ý kiến thẳng thắn của những người trong nghề, các Đại biểu Quốc hội sẽ tìm ra được những đề xuất phương án hợp lý và chuẩn xác".