Ngày 21/10, phát biểu tại tọa đàm góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, GS.TS Lê Hồng Hạnh (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng cần xem xét lại vấn đề cốt lõi nhất của một văn bản Luật đó là phạm vi điều chỉnh.
Theo đó, ở dự thảo Luật lần này, phạm vi điều chỉnh được ghi nhận là “Luật này quy định về quản lý, điều hoà, phân phối, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá, biển, các tầng chứa nước dưới đất; mưa, băng, tuyết và các dạng tích tụ nước khác thuộc lãnh thổ của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam”.
GS.TS. Lê Hồng Hạnh cho rằng phạm vi điều chỉnh như vậy là “rất không ổn về kỹ thuật lập pháp và vì thế dẫn đến không thể xác định được phạm vi và các nội hàm cần thiết của Luật.”
“Sau này nếu như ban hành xong Luật, chúng ta tổ chức phổ biến tuyên truyền pháp luật không nhẽ lại mời sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá,… đến để lắng nghe. Phải hiểu rằng đối tượng điều chỉnh của Luật phải là hành vi của con người làm tác động đến nước và nguồn nước”, ông Hạnh nêu vấn đề đồng thời cho rằng cần xem xét, đánh giá lại phạm vi điều chỉnh của Luật.
GS.TS. Lê Hồng Hạnh cũng nhấn mạnh Luật không thể chỉ dừng ở mức kêu gọi, hô hào mà phải cụ thể hóa để điều chỉnh hành vi của con người, làm thế nào để hướng hành vi con người vào những điều mong muốn.
Về tên gọi của dự thảo Luật, ông Hạnh cho rằng cần nghiên cứu kỹ lại tên gọi để phù hợp hơn với nội hàm quản lý, quy phạm của Luật.
Theo đó, mặc dù lấy tên là Luật Tài nguyên nước nhưng nội dung lại bao trùm ngoài phạm vi của tài nguyên nước. Nước được nhắc đến ở đây không chỉ được tiếp cận dưới dạng tài nguyên (được hiểu là tài sản công, sở hữu toàn dân, do Nhà nước thay mặt quản lý) mà còn ở nhiều dạng thức nằm trong sự quản lý của các chủ thể khác nhau mà pháp luật cho phép.
Do vậy, chuyên gia này đề xuất tên gọi “Luật Nguồn nước” thay vì “Luật Tài nguyên nước”.
Bên cạnh đó, ông Hạnh cho rằng một số khái niệm đã được làm rõ trong các đạo Luật khác như “ô nhiễm nguồn nước”, “suy thoái nguồn nước”,… do đó không cần thiết phải nhắc lại trong dự thảo Luật này nếu như vẫn giữ nguyên cách hiểu.
Thêm vào đó, một số khái niệm được đề cập trong dự thảo Luật còn mông lung, chưa rõ cách hiểu, gây khó khăn trong việc áp dụng Luật.
Nêu ví dụ, GS.TS. Lê Hồng Hạnh dẫn lại khái niệm “Cạn kiệt nguồn nước” là sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng của nguồn nước, làm cho nguồn nước không còn khả năng đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng và duy trì hệ sinh thái thủy sinh.
“Khái niệm như thế này thì làm sao có thể xác định được hành vi vi phạm làm cạn kiệt nguồn nước. Việc vận dụng khái niệm này phải dựa vào tính toán số liệu cụ thể chứ không thể chỉ nói khơi khơi như vậy”, ông Hạnh nêu ý kiến.
Đặc biệt, chuyên gia này cho rằng Dự thảo Luật đã có bước tiến trong việc đề cập đến vai trò của cộng đồng dân cư tuy nhiên quy định cụ thể chưa rõ ràng và phần lớn còn mang tính chất ‘trang trí”.
Cụ thể, việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa được quy định rõ về phạm vi, cách thức lấy ý kiến, tỷ lệ đồng thuận, đảm bảo thông tin cho quá trình lấy ý kiến,…
Do đó, GS.TS. Lê Hồng Hạnh cho rằng cần bổ sung các quy định cần thiết vào dự thảo Luật để đảm bảo thực sự vai trò tham gia của cộng đồng dân cư trong các vấn đề liên quan đến nguồn nước.